Làm rõ giá trị của lễ hội và di tích đền ông Hoàng Mười - Nghệ An

(Dân trí) - Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Giá trị lịch sử - văn hóa của di tích đền ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An”.

Mục đích của hội thảo là nhận diện những giá trị lịch sử, văn hóa quý giá của di tích và lễ hội đền ông Hoàng Mười góp phần bổ sung, hoàn thiện thêm những tư liệu nghiên cứu về tục thờ ông Hoàng Mười nói riêng, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ nói chung. Bên cạnh đó, tiến tới khai thác, phát huy, quảng bá những giá trị đặc sắc của di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Toàn cảnh hội thảo về đền ông Hoàng Mười - Nghệ An vừa diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: HH.
Toàn cảnh hội thảo về đền ông Hoàng Mười - Nghệ An vừa diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: HH.

Hơn 30 tham luận tại hội thảo tập trung vào những chủ đề như: Nhận diện đầy đủ hơn về nhân vật thờ tự, làm rõ danh xưng, thân thế, hành trạng của ông Hoàng Mười; phân tích, đánh giá vai trò của vị Thánh trong đời sống văn hóa cộng đồng, mối quan hệ giữa việc phụng thờ ông Hoàng Mười với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Khảo sát, nghiên cứu về những giá trị di sản văn hóa vật thể (kiến trúc, cảnh quan, các hiện vật, đồ thờ…) và phi vật thể (thân tích, truyền thuyết, nghi lễ, lễ hội…) gắn với di tích đền ông Hoàng Mười.

Đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích và lễ hội Đền ông Hoàng Mười trong đời sống đương đại, làm sao để vừa bảo tồn được giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, vừa phát huy khai thác để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương.

Tham luận của ThS. Nguyễn Thị Duyên - Khoa Lịch sử, Đại học Vinh nhấn mạnh, đền ông Hoàng Mười tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (còn được gọi là Mỏ Hạc Linh Từ hay Đền Xuân Am) được xây dựng vào thế kỉ 17, dưới thời hậu Lê. Tại đền còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý, đặc biệt là 21 đạo sắc, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao. Hiện nay, đền có các công trình kiến trúc: tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu, sân đền, nhà khách, tòa Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, khu vực miếu mộ.

Theo TS. Nguyễn Danh Ngà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông Văn hóa dân tộc thì theo truyền thuyết dân gian, ông Hoàng Mười (còn gọi là ông Mười Nghệ An) là con của vua cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước. Cho đến nay có rất nhiều dị bản về thân thế của ông.

Theo nhân dân vùng Nghệ Tĩnh thì ông được hóa thân thành Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh, làm đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân triều Lê.

Đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An. Ảnh: TL.
Đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An. Ảnh: TL.

Lại có một dị bản khác cho rằng ông giáng xuống trần là Uy Minh Vương Lí Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An.

Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà).

Tại vùng đất xứ Nghệ, ông luôn một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân. Theo huyền tích dân gian, trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh thì có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam.

Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về Trời.

Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An. Nhân dân suy tôn ông là ông Hoàng Mười, không chỉ vì ông là con trai thứ mười của vua cha mà còn vì ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn), không những ông xông pha chinh chiến nơi trận mạc, mà ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương. Ngày ông giáng sinh 10/10 âm lịch được coi là ngày tiệc chính của ông. Vào ngày này, du khách thập phương nô nức đến chiêm bái cửa đền ông trải dài đến tận đôi bờ sông Lam, người ta dâng ông: cờ quạt bút sách... để cầu tài cầu lộc cũng là cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.

“Chúng tôi cho rằng, tất cả các truyền thuyết dân gian nói trên về Ông Hoàng Mười đều là những cách giải thích đượm chất huyền tích hóa một biểu tượng anh hùng xứ Nghệ, gắn với một nam thần tiêu biểu được dung nạp vào hệ thống Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Qua hàng trăm năm nay, biểu tượng này càng ngày càng được tôn sùng và phổ cập do sức sống và sự lan tỏa mãnh liệt của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà việc hầu đồng, hát văn là những hình thức phổ biến và có sức truyền cảm mạnh mẽ”, TS. Nguyễn Danh Ngà nhấn mạnh.

ThS. Nguyễn Thị Duyên lại cho rằng, với nhân dân làng Xuân Am, Hưng Thịnh, Hưng Nguyên - nơi có đền Hoàng Mười tọa lạc thì đức Hoàng Mười có khi lại hóa thân thành thành hoàng làng Nguyễn Duy Lạc. Người dân địa phương không thấy ông Hoàng Mười là con của vua cha Bát Hải Long Vương mà coi Hoàng Mười là một nhân vật của quê hương này, có công lao được dân làng thờ phụng và triều đình ban sắc.

Theo thần tích của thôn Xuân Am, tổng Đổ Yêm, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An còn lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm đầu đề là “Tuấn sảng siêu loại hiển đức đại vương sự tích” có ghi: “Đại vương họ Nguyễn, tự là Duy Lạc. Ngài thích lược thao, giỏi võ nghệ, giúp vua Lê chúa Trịnh, giữ chức Đô chỉ huy sứ, được lệnh đi dẹp loạn ở vùng Thuận Quảng, lập được chiến công, được thăng Đô chỉ huy sứ phiêu kỵ tướng quân”.

Tượng ông Hoàng Mười được thờ tự ở nhiều ngôi đền trên khắp Việt Nam.
Tượng ông Hoàng Mười được thờ tự ở nhiều ngôi đền trên khắp Việt Nam.

Đền ông Hoàng Mười ở Hưng Thịnh được chọn ở vị trí gần các dòng sông: sông Vĩnh, sông Mộc, xa hơn là dòng Lam giang uốn quanh. Địa thế đó càng trở nên đắc địa vì tọa lạc nơi có hình tượng đầu một con Hạc khổng lồ do sông Mộc, sông Vĩnh tạo thành. Đầu Hạc đội Lam giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn. Ngôi đền càng thêm linh thiêng vì nằm trong vùng địa linh, nơi có núi Dũng Quyết, Phượng Hoàng - Trung Đô... gắn với sự nghiệp của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ thế kỉ XVIII. Phía nam ngôi đền là con đê 42 được lập từ thời Lý để bảo vệ các ngôi làng khu vực này, trong đó có làng Xuân Am.

Sau hội thảo, UBND huyện Hưng Nguyên sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp kết nối di tích đền ông Hoàng Mười với những tài nguyên du lịch khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và quần thể di tích Phượng Hoàng- Trung Đô với khu du lịch nghỉ dưỡng Cửa Lò, Cửa Hội… Đặc biệt, UBND huyện Hưng Nguyên cũng đề xuất UBND tỉnh trình Bộ VHTT&DL đề án công nhận đền ông Hoàng Mười là Di tích quốc gia.

Hà Tùng Long