Làm gì đón Tết để có nhiều tài lộc?

(Dân trí) - Vào những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới, con người dù hiện đại đến mấy cũng trở nên thành kính và sống rất “cổ truyền”. Văn hóa dân gian từ xưa vốn đã sản sinh ra nhiều quy tắc ứng xử trong ngày Tết khiến dịp Tết trở nên thiêng liêng đặc biệt.

Dịp Tết Âm lịch là thời gian đặc biệt nhất trong năm một phần bởi tính chất thiêng liêng của nó. Vào những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới, con người trở nên thành kính với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, người ta bỗng sống một cách rất “cổ truyền”. Những tục lệ truyền miệng trong dân gian tự ngàn đời lại tiếp tục được duy trì thực hiện như “muôn năm cũ”.

Lau dọn nhà cửa


Lau dọn nhà cửa: Dọn dẹp cái cũ, đón cái mới về, đó là quan niệm chung trong việc dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Đây là lúc để mọi góc trong nhà đều được quan tâm lau dọn, để trở nên sáng sủa, sạch sẽ. Những món đồ hỏng hoặc không còn cần dùng đến cũng nên bị loại bỏ để vận khí trong nhà luân chuyển, thông thoáng.

Quan trọng nhất chính là việc lau dọn bụi bặm. Bụi bặm thường đồng nghĩa với đen đủi. Việc lau sạch bụi bẩn trong nhà là hành động tượng trưng cho việc xua đuổi những xúi quẩy ra khỏi nhà, chuẩn bị đón vận khí năm mới ùa về. Tuy vậy, không ai dọn dẹp nhà cửa vào ngày đầu năm bởi làm như vậy là vận đỏ vừa vào nhà đã bị đuổi ra, rất không may.

Trang trí nhà cửa với những màu sắc tươi tắn


Trang trí nhà cửa với những màu sắc tươi tắn: Tết là lúc để trang hoàng nhà cửa. Những màu sắc được ưa chuộng nhất trong Tết là những gam màu nóng, tươi tắn, rực rỡ, đem lại không khí ấm cúng ngày xuân và cảm giác vui vẻ, phấn chấn trong lòng người. Hai màu phổ biến nhất là đỏ (tượng trưng cho đỏ đắn, may mắn) và vàng (tượng trưng cho tiền tài, phát đạt).

Cắt tóc: Năm mới, vận khí mới. Đối với nhiều dân tộc Châu Á, cắt tóc có một ý nghĩa đặc biệt, vào những dịp quan trọng, như ngày cuối năm chẳng hạn, hành động cắt tóc thể hiện mong muốn, quyết tâm thay đổi. Việc cắt một kiểu tóc mới thường đem lại cảm giác hứng khởi trước sự mới mẻ, một khởi đầu mới trước thềm năm mới.

Đồng thời, cắt tóc cũng có nghĩa là “đoạn tuyệt” với những đen đủi, những việc bất thành, những chuyện không vui trong năm cũ. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý là trong tháng Giêng đầu năm Âm lịch, bạn nên tránh cắt tóc bởi lúc này cắt tóc lại trở thành một việc xúi quẩy, giống như bạn tự cắt đi may mắn, vận đỏ của bản thân vậy.

Trả hết công nợ


Trả hết công nợ: Tất cả công nợ phải được trả trước Tết. Đồng thời, trong ngày đầu năm, người ta cũng tránh cho ai vay tiền hoặc cho ai mượn đồ bởi nếu làm vậy cả năm sẽ chỉ toàn cho đi. Lửa tượng trưng cho may mắn, vì vậy, ngày đầu năm cũng không ai cho người khác “xin lửa”.

Mua giày mới, quần áo mới: Đây là dịp mà mọi người, dù giàu dù nghèo, sau một năm lao động vất vả, đều cho phép mình tự chiều chuộng bản thân hơn. Mua trang phục mới là một điều gần như bắt buộc trước thềm năm mới, hứa hẹn đem lại sự may mắn, mới mẻ.

Trở về bên gia đình: Tết là thời điểm của xum vầy, đoàn tụ, những người đi xa trong ngày Tết sẽ trở về bên gia đình đón năm mới. Hạnh phúc nhất là trong ngày đầu xuân, cả nhà cùng nhau đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, bạn bè. Trong những ngày này, mọi người cũng thường đi lễ đền chùa, cầu mong có nhiều phúc lộc trong năm mới.

Ngắm pháo hoa


Ngắm pháo hoa: Vào đêm giao thừa, việc bắn pháo hoa có một ý nghĩa rất đặc biệt. Trước đây, ông cha ta thường đốt pháo để xua đuổi tà khí trong những giờ khắc cuối năm, mở rộng cửa đón chào năm mới.

Giờ đây, khi việc đốt pháo bị cấm ở nhiều quốc gia để đảm bảo an toàn, người ta coi việc bắn pháo hoa là một sự thay thế. Đi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa là một việc làm có ý nghĩa cầu may đối với nhiều người. Pháo hoa càng rực rỡ, năm mới của cả dân tộc sẽ càng thịnh vượng.

Trao đi phong bao lì xì: Trong ngày Tết, người già và trẻ nhỏ thường được nhận những phong bao lì xì mừng tuổi. Những người còn đang đi làm, đặc biệt là các cặp vợ chồng, những người đã yên bề gia thất, thường chuẩn bị sẵn nhiều tiền mới để mừng tuổi đầu năm cho người già và trẻ nhỏ.

Ngắm pháo hoa


Việc trao đi nhiều phong bao đỏ không có nghĩa là bạn sẽ bị thiệt mà với quan niệm “xởi lởi, Trời cho”, người ta thường xông xênh trong ngày Tết để tất cả cùng được vui và hy vọng trong năm mới sẽ làm ăn phát tài phát lộc “bằng 5, bằng 10” năm ngoái để rồi đến Tết sau lại có nhiều phong bao đỏ trao đi.

Ăn nhiều món “hên”: Thật khó cho những người ăn kiêng trong dịp Tết bởi lúc này bạn sẽ không tránh được việc phải ăn nhiều bánh mứt kẹo khi tiếp khách hoặc đi chúc Tết, bị tiếp nhiều món ăn mỗi khi ngồi vào mâm... Nhà nào vào dịp Tết cũng chuẩn bị sẵn rất nhiều đồ ăn với quan niệm ngày đầu năm no đủ, cả năm chẳng lo túng thiếu.

Tránh to tiếng: Trong ngày đầu năm, mọi người đều phải giữ hòa khí, tránh mọi bực tức, to tiếng. Vì vậy, trong ngày này, dù trẻ con có nghịch ngợm hoặc làm sai điều gì, các em cũng sẽ dễ dàng được bỏ qua, không bị người lớn nghiêm khắc trách phạt như thường lệ.

Tin vui đầu năm


Tin vui đầu năm: Sẽ là tín hiệu rất may mắn nếu ngày đầu năm bạn nghe thấy tiếng chim hót đầu nhà và càng may mắn hơn nếu có cánh chim én bay qua trước hiên nhà.

Bích Ngọc
Tổng hợp