Quảng Trị:

Khảo sát giếng cổ lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Đăng Đức

(Dân trí) - Sau quá trình khảo sát, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị chọn hơn 100 giếng cổ để lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 6/10, thông tin từ Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa có đợt khảo sát hệ thống giếng cổ tại các địa phương, nhằm chuẩn bị cho công tác lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt “Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị”.

Trước đó, Trung tâm này đã khảo sát gần 200 giếng nước cổ, công trình khai thác nước cổ tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng và TP Đông Hà.

Khảo sát giếng cổ lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt - 1

Giếng Bà (xã Gio An, huyện Gio Linh) được người dân sử dụng hàng trăm năm qua.

Sau khảo sát, Trung tâm đề nghị chọn hơn 100 giếng có chất liệu xây dựng, cấu trúc giếng, tình trạng sử dụng, không gian tọa lạc và quỹ đất dành cho công tác quy hoạch vào danh sách lập hồ sơ.

Theo ông Lê Đức Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, trong số này có những giếng được người dân sử dụng lâu nay, nhưng mới được giới chuyên môn ghi nhận, nghiên cứu lần đầu. Các giếng có tuổi thọ hàng trăm năm cho đến cùng niên đại với hệ thống khai thác nước cổ ở Gio An.

Khảo sát giếng cổ lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt - 2

Những giếng cổ vẫn được lưu giữ tại Quảng Trị.

Tiêu biểu như giếng Đàng ở thôn Tân Văn (xã Gio An), người dân vẫn lấy nước cho gia súc uống và tưới cây. Giếng gồm 2 bi tròn đường kính khoảng 80cm, sâu khoảng 1m, được đẽo từ đá mồ côi. Bi đá ở phía trên có đục một lỗ và có máng để nước chảy ra.

Quanh giếng được xếp đá vuông vức tạo thành sân. Hiện, giếng này nằm trong vườn tiêu của một người dân.

Hiện nay, Quảng Trị có 2 hệ thống khai thác nước được xếp hạng di tích quốc gia, gồm “Hệ thống khai thác và xử lý nước xã Gio An” và di tích “Đình làng Nghĩa An và hệ thống giếng Chăm”.

Khảo sát giếng cổ lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt - 3

Những giếng cổ được giữ gìn đến ngày nay.

Qua khảo sát, Hội đồng khoa học của Trung tâm đề nghị đưa giếng Nậy (thuộc Hệ thống khai thác và xử lý nước xã Gio An) ra khỏi danh mục di tích quốc gia vì giếng không còn hình dáng của nó nữa, phần đầu, bên trái giếng, các bể chứa bị phá hủy hoàn toàn, phần đất này được cào bằng trở thành ruộng rau mặt bằng ngang với phần ruộng rau phía dưới.

Trong khi đó, tại di tích “Đình làng Nghĩa An và hệ thống giếng Chăm”, giếng Chùa bị lấn chiếm đất đai, nguồn nước bẩn... nhưng cấu trúc vẫn được giữ nguyên.

Hội đồng khoa học đề nghị trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu, nạo vét làm sạch nguồn nước để đưa vào danh mục di tích quốc gia đặc biệt.

Ngoài ra, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng đề nghị đưa một số giếng khác ra khỏi danh mục di tích cấp tỉnh vì sử dụng sai mục đích, bị phá huỷ, thay đổi cấu trúc…

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh cho hay việc khảo sát các hệ thống khai thác nước cổ là bước đầu tiên để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

“Quá trình lập hồ sơ còn trải qua các bước dự toán kinh phí, lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý, hoàn thành hồ sơ thông qua Hội đồng khoa học, trình Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch thẩm định”, ông Thọ nói.

Ngày 30/9, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 4431/KH-UBND triển khai công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt “Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị”.

Khảo sát giếng cổ lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt - 4

Hệ thống giếng cổ Gio An được người dân sử dụng sinh hoạt từ bao đời.

Việc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt “Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị” nhằm mục đích nâng cao ý thức của cộng đồng nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị, xem hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị là di sản văn hóa độc đáo gắn với những dấu mốc lịch sử quan trọng của địa phương, đất nước.