Khảo sát độc giả báo chí ở Việt Nam

(Dân trí) – Trong 2 ngày 13 – 14/9, tại Đà Nẵng, Cục Báo chí tổ chức hội thảo “Hướng dẫn xây dựng bộ khung câu hỏi khảo sát độc giả báo chí”.

Tham dự hội thảo có các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Hội nhà báo Việt Nam, cơ quan báo chí – ban bạn đọc, các chuyên gia nghiên cứu xã hội học, các công ty nghiên cứu thị trường, những người giảng dạy, giáo sư ở các trường, khoa, bộ môn báo chí truyền thông…

Theo ông Nguyễn Thái Phiên, phó cục trưởng Cục báo chí, ở Việt Nam cho đến nay chưa có được một cuộc khảo sát độc giả báo chí trên toàn quốc.

Qua quan sát tình hình nghiên cứu khảo sát độc giả báo chí Việt Nam có thể thấy, các cơ quan báo chí trên cả nước gần như chưa coi trọng hoạt động này. Tuy nhiên, so sánh giữa các cơ quan báo chí trên cả nước thì những cơ quan báo chí tại TP.HCM đã sớm ý thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu độc giả, vì vậy họ là những cơ quan tiến hành nghiên cứu độc giả sớm nhất và thường xuyên nhất. Tuy nhiên phần lớn các cuộc nghiên cứu độc giả của các cơ quan báo chí chỉ tiến hành sau năm 2000, trừ trường hợp báo Tuổi Trẻ.

Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

“Ngoại trừ những cuộc thăm dò độc giả ở quy mô hẹp, phần lớn các cuộc nghiên cứu độc giả có qui mô lớn thì các cơ quan báo chí trên tiến hành đều dựa vào các công ty chuyên nghiên cứu thị trường hoặc các nhà nghiên cứu độc lập thuộc các trường đại học hoặc Viện nghiên cứu. Một vài công ty thiết lập phần mềm khảo sát và đã thử nghiệm ở một số cơ quan báo chí nhưng chất lượng khảo sát không cao, do không nắm được cơ cấu hoạt động, cũng như đặc thù của hệ thống báo chí. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến thức về khảo sát nhưng lại thiếu vốn và nguồn nhân lực...”, ông Phiên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phiên, đa số các cuộc khảo sát độc giả đã được các cơ quan báo chí tại Việt Nam thực hiện trong thời gian vừa qua đều sử dụng loại hình "Điều tra xã hội" dựa vào bản câu hỏi soạn sẵn và phát kèm theo tờ báo hoặc phỏng vấn trực tiếp theo kiểu "mặt đối mặt", trong đó, khảo sát bằng bản câu hỏi soạn sẵn gửi kèm theo tờ báo là phương pháp được sử dụng nhiều nhất. Bên cạnh đó, cũng có một số cơ quan báo chí sử dụng cách thăm dò qua mạng bằng cách sử dụng tính năng "Comment" (ý kiến phản hồi) của bạn đọc trên Fanpage HHT (Mạng xã hội).

Phát biểu tại Hội thảo, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng, không có độc giả thì không có báo chí, không có độc giả thì không có truyền hình. Vì thế, phải khảo sát như thế nào để nâng cao chất lượng tờ báo cũng như phát triển chiến lược kinh doanh của tờ báo.

Theo hai chuyên gia tư vấn Thụy Điển ông Magnus Anshelm và ông Jan schiratzki thuộc Viện thống kê báo chí và Quảng cáo Thụy Điển, cần phải khảo sát độc giả báo chí toàn quốc bởi sự quan trọng của nó. Quan trọng bởi vì nó trung lập, khách quan; nó được tiến hành trên phạm vi toàn quốc gia, rộng khắp cả nước kể cả những khu vực khó tiếp cận; ngoài ra, khảo sát toàn quốc không chỉ làm một lần mà làm nhiều lần để cập nhật thông tin từ đó chúng ta có thể so sánh được các chỉ số qua nhiều giai đoạn và cũng đưa ra một số thông tin cụ thể của báo chí để thấy được sự bao phủ của một tờ báo với đối thủ của họ.

Khánh Hồng