Hội Âm nhạc TPHCM tặng 25 ca khúc viết về Bạc Liêu

(Dân trí) - Tối ngày 23/8, trong chương trình nghệ thuật “Bạc Liêu ta đi lên”, Hội Âm nhạc TPHCM đã trao tặng 25 ca khúc viết về Bạc Liêu cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh- Phó Chủ tịch TT Hội Âm nhạc TPHCM (trái) trao tặng bảng tượng trưng 25 ca khúc viết về Bạc Liêu cho đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh- Phó Chủ tịch TT Hội Âm nhạc TPHCM (trái) trao tặng bảng tượng trưng 25 ca khúc viết về Bạc Liêu cho đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu.

25 ca khúc viết về Bạc Liêu của các nhạc sĩ trong Hội Âm nhạc TPHCM như: Trần Long Ẩn, Thế Hiển, Nhất Sinh, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Ngọc Thiện,… được sáng tác qua chuyến đi thực tế vào năm 2013 tại tỉnh Bạc Liêu. Chuyến đi đã để lại cho các nhạc sĩ rất nhiều ấn tượng và những kỷ niệm đẹp về mảnh đất và con người Bạc Liêu, từ đó các nhạc sĩ đã dành những tình cảm chân thành của mình gửi gắm vào các ca khúc.

Có những ca khúc đã điểm danh qua các địa điểm du lịch nổi tiếng của Bạc Liêu như điện gió, Nhà Mát, sân chim hay chùa Hưng Thiện nơi có tượng Phật Quan Âm cao nhất miền Tây Nam Bộ,… Có những ca khúc viết về công an nhân dân Bạc Liêu, về một Bạc Liêu đổi mới,… được thể hiện qua nhiều giai điệu lúc trữ tình, dân ca, lúc rộng ràng, sôi nổi.

Nhạc sĩ Thế Hiển với ca khúc Bạc Liêu đất nghĩa tình người được chính nhạc sĩ thể hiện rất nhiều cảm xúc.
Nhạc sĩ Thế Hiển với ca khúc "Bạc Liêu đất nghĩa tình người" được chính nhạc sĩ thể hiện rất nhiều cảm xúc.
Phần trình diễn của nhạc sĩ Nhất Sinh đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả qua ca khúc Hướng về Bạc Liêu do chính nhạc sĩ sáng tác.
Phần trình diễn của nhạc sĩ Nhất Sinh đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả qua ca khúc "Hướng về Bạc Liêu" do chính nhạc sĩ sáng tác.

Video: Nhạc sĩ Thế Hiển và nhạc sĩ Nhất Sinh thể hiện cảm xúc các ca khúc viết về Bạc Liêu.

Nhạc sĩ Thế Hiển với ca khúc “Bạc Liêu đất nghĩa tình người” và nhạc sĩ Nhất Sinh với ca khúc “Hướng về Bạc Liêu” mang đậm “chất” trữ tình miền Tây, có giai điệu nhẹ nhàng nhưng sâu lắng đã để lại nhiều cảm xúc cho người nghe. Hay như ca khúc ‘Tiếng đàn kìm” của nhạc sĩ Khánh Vinh với những ca từ mộc mạc dễ đi vào lòng người.

Nữ ca sĩ Vân Khánh da diết với Tiếng đàn kìm, một sáng tác của nhạc sĩ Khánh Vinh.
Nữ ca sĩ Vân Khánh da diết với "Tiếng đàn kìm", một sáng tác của nhạc sĩ Khánh Vinh.

Video: Ca khúc "Tiếng đàn kìm" qua tiếng hát da diết của Vân Khánh.

Tại chương trình, ông Vương Phương Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- chia sẻ, bên cạnh những truyền thống cách mạng, Bạc Liêu còn là nơi sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay, một bài ca trụ cột trong loại hình sân khấu cải lương. Ngoài ra, Bạc Liêu còn có điệu nói thơ êm ái, trữ tình và giọng hò chèo ghe ngọt ngào, sâu lắng; có giai thoại về Công tử Bạc Liêu khá hấp dẫn và nhiều điểm du lịch nổi tiếng.

“Phải chăng những yếu tố về truyền thống lịch sử, văn hóa nói trên đã và sẽ là chất liệu để bắt mạch, khơi nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác nên những ca khúc hay về tình đất, tình người Bạc Liêu”, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu bày tỏ.

Ông Vương Phương Nam cũng mong muốn trong thời gian tới, từ sự tâm huyết và tài năng của các nhạc sĩ sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm tương tầm, có giá trị thiết thực trong nền âm nhạc quốc gia và cho sự phát triển trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, nhất là những tác phẩm viết về đất và người Bạc Liêu.

UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân của Hội Âm nhạc TPHCM có đóng góp cho sự phát triển của ngành văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu.
UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân của Hội Âm nhạc TPHCM có đóng góp cho sự phát triển của ngành văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu.

Chương trình nghệ thuật "Bạc Liêu ta đi lên" được tổ chức nhằm chào mừng 71 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 71 năm Ngày truyền thống Cách mạng tỉnh Bạc Liêu (23/8/1945 - 23/8/2016).

Huỳnh Hải