Hình tượng con gà trong văn hóa Đông - Tây

(Dân trí) - Con gà, đặc biệt là gà trống, hiện diện trong nhiều nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Là vật nuôi được con người thuần hóa từ lâu trong lịch sử, gà gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại.

Hình tượng con gà trong văn hóa Đông - Tây - 1

Từ thời cổ đại, gà đã là loài vật linh thiêng trong nhiều nền văn hóa, gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng, hoạt động thờ cúng tôn giáo, với tư cách của một lễ vật. Gà có vai trò quan trọng trong đời sống xa xưa, đặc biệt ở vùng nông thôn, tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức cho con người, là vẻ đẹp về thanh âm của những vùng quê yên ả.

Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp. “Dậu” (từ để chỉ gà) cũng nằm trong lục súc (6 loại gia súc nuôi trong nhà, gồm ngựa (mã), trâu/bò (ngưu), cừu/dê (dương), chó (cẩu), lợn (trư), và gà (kê)).

Gà trong văn hóa phương Tây

Hình tượng con gà trong văn hóa Đông - Tây - 2

Đối với người La Mã, gà trống có ý nghĩa quan trọng về mặt tôn giáo. Người La Mã cho rằng gà trống có mối liên hệ với thần Mercury, người đưa tin của các vị thần, cũng là người chịu trách nhiệm về tích lũy tài sản, bảo trợ cho hoạt động buôn bán, đi lại, vị thần của vận may, mánh lới…

Thần Mercury thường được hộ tống bởi một chú gà trống choai, biểu tượng của ngày mới, một chú dê đực biểu tượng của sản sinh, một chú rùa biểu trưng cho sáng tạo huyền thoại của thần - cây đàn lia vốn được thần Mercury làm từ một chiếc mai rùa.

Đối với người Do Thái, sách cổ Talmud từng viết: “Nếu chúng ta không có bộ sách ngũ thư Torah, chúng ta sẽ học sự khiêm nhường của loài mèo, sự chăm chỉ của loài kiến, sự trinh bạch của bồ câu và sự hào phóng của gà trống”. Sự hào phóng của gà trống được nói đến ở đây nhấn mạnh vào đặc tính khi gà trống tìm thấy thức ăn, nó sẽ ngay lập tức gọi các gà mái đến.

Hình tượng con gà trong văn hóa Đông - Tây - 3

Đối với người Châu Âu, người ta có thành ngữ “gà mái đẻ trứng vàng” để chỉ những gì tạo ra giá trị lớn bất ngờ, nằm ngoài mọi dự kiến. Ngoài ra, một biểu tượng nổi tiếng của nước Pháp, đó chính là hình ảnh con gà trống Gô-loa.

Gà trong văn hóa phương Đông

Hình tượng con gà trong văn hóa Đông - Tây - 4

Gà là một trong 12 con giáp. “Dậu” là một trong 12 chi của địa chi, và là địa chi thứ mười, đứng trước nó là Thân, đứng sau nó là Tuất. Tháng Dậu trong nông lịch là tháng 8 âm lịch. Về thời gian trong ngày, giờ Dậu tương ứng với khoảng từ 17-19h. Về phương hướng, Dậu chỉ phương chính Tây. Theo ngũ hành, Dậu tương ứng với Kim; theo âm dương, Dậu là âm.

Dậu mang ý nghĩa co nhỏ lại, chỉ trạng thái của quả cây sau khi đã phát triển tột bậc sẽ bắt đầu teo tóp tại (ứng với tháng 8 mùa thu, khi nhà nông đã hoàn tất việc thu hoạch nông sản).

Hình tượng con gà trong văn hóa Đông - Tây - 5

Theo quan niệm dân gian của nhiều nước Á Đông, gà là vật phẩm cúng lễ không thể thiếu để kính dâng lên tổ tiên, thần thánh. Trong tiếng Hoa, “đại kê” (gà trống) gần âm với từ “đại cát” mang ý nghĩa may mắn, tốt lành.

Trong văn hóa Việt, gà gắn liền với đời sống nhà nông. Trên trống đồng Đông Sơn, hình ảnh gà được thể hiện khá nhiều.

Trong truyền thuyết về vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa cũng có xuất hiện hình ảnh của gà, theo đó, thành đắp đến đâu, đất lở đến đấy, rùa thần Kim Quy báo cho nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đến ngàn năm hóa thành yêu tinh ẩn trong núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành sẽ thành công.

Hay trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, gà cũng được nhắc đến với tư cách là một trong ba lễ vật thách cưới của Vua Hùng trong cuộc kén rể cho con gái Mỵ Nương, gồm “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”.

Trong võ thuật cổ truyền Việt Nam, có “Hùng kê quyền” (quyền gà chọi) mô phỏng các kỹ thuật của gà chọi. Đặc trưng của bài quyền này là những động tác dũng mãnh như gà chọi - loài vật dù nhỏ bé nhưng rất nhanh nhạy, dũng mãnh trước đối thủ.

Hình tượng con gà trong văn hóa Đông - Tây - 6

Bài “Hùng kê quyền” sử dụng ngón tay trỏ để ra đòn, mô phỏng hình mỏ gà, các ngón còn lại co vào như cựa gà. Bộ pháp của bài linh hoạt, tốc độ xoay chuyển biến ảo.

Trong nghệ thuật dân gian, gà là một chủ đề quen thuộc của tranh dân gian Đông Hồ. Điều này đã được thể hiện trong hai câu thơ nổi tiếng của bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Trong bài thơ “Nắng mới”, nhà thơ Lưu Trọng Lư có viết: “Mỗi lần nắng mới hắt bên song/Xao xác gà trưa gáy não nùng/Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/Chập chờn sống lại những ngày không”.

Trong cách ăn vận của người Việt xưa, phụ nữ miền Bắc khi vấn khăn thường để thừa ra một lọn tóc gọi là “tóc đuôi gà”. Kiểu tóc này từng là một nét duyên được nhiều người yêu thích.

Hình tượng con gà trong văn hóa Đông - Tây - 7

Con gà rất gần gũi với người nông dân Việt Nam, gà là gia cầm quen thuộc, gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của nhà nông, vì vậy, gà xuất hiện nhiều trong ca dao, tục ngữ, có lúc để miêu tả, phản ánh cuộc sống con người, có lúc để khuyên nhủ, răn dạy con người về lẽ sống ở đời.

Những thành ngữ, tục ngữ quen thuộc về gà trong văn hóa dân gian Việt Nam có: “Gà trống nuôi con”, “Con gà tức nhau tiếng gáy”, “Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa”, “Cõng rắn cắn gà nhà”, “Bút sa gà chết”, “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chứ hoài đá nhau”, “Trông gà hóa cuốc”, “Ông nói gà, bà nói vịt”, “Như gà mắc tóc”, “Chó ỷ thế nhà, gà ỷ thế vườn”…

Trong đời sống hiện đại, còn xuất hiện một thuật ngữ mới mang hàm nghĩa ẩn dụ, đó là “gà công nghiệp”. Từ này nghĩa đen để chỉ giống gà được chăn nuôi theo kiểu công nghiệp, nghĩa bóng để chỉ những người vốn được nuôi dưỡng, bảo bọc quá mức, đến khi ra đời trở nên ngờ nghệch, thụ động, thiếu trải nghiệm, thiếu khả năng tự xoay xở…

Bích Ngọc
Tổng hợp