Hiểu hơn về một thời hoa lửa qua "Những trang viết từ chiến trường"

Hương Hồ

(Dân trí) - Sáng 6/5, tại Trung tâm Sách quốc gia (Hà Nội), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức chương trình giao lưu "Những trang viết từ chiến trường".

Đây là hoạt động nối dài những sự kiện sôi nổi nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, đồng thời chào mừng kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2023).

Dự buổi giao lưu cùng độc giả có: Đại tá, Cựu chiến binh, Nhà văn, Nhà báo Đặng Vương Hưng - Tác giả của bộ sách Những lá thư thời chiến Việt NamNhật ký thời chiến Việt Nam; bà Trần Hồng Dung - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20; Đại tá, Nhà văn Trần Trọng Giá - Thường trực Hội đồng Quản lý Câu lạc bộ Trái tim Người lính. Cùng dự buổi giao lưu có các cựu chiến binh, những người lính đã tham gia hai cuộc kháng chiến và đông đảo các bạn sinh viên, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và TP Hà Nội.

Hiểu hơn về một thời hoa lửa qua Những trang viết từ chiến trường - 1

Các đại biểu chia sẻ tại chương trình giao lưu "Những trang viết từ chiến trường" (Ảnh: Ban Tổ chức).

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương. Bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

69 năm đã trôi qua (1954 - 2023), nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.

Bởi sau chiến thắng Điện Biên Phủ là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 20 năm và chiến tranh bảo vệ Biên giới, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc kéo dài hàng chục năm... Hàng triệu những người con ưu tú nhất của Tổ quốc đã ngã xuống để chúng ta có cuộc sống hòa bình hôm nay.

Hiểu hơn về một thời hoa lửa qua Những trang viết từ chiến trường - 2

Chương trình có sự tham gia của nhiều khách mời và các bạn sinh viên (Ảnh: Ban Tổ chức).

Việc tổ chức hoạt động giao lưu hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc những điều thật ý nghĩa, thông qua đó mỗi người trong chúng ta sẽ được bồi đắp, dung dưỡng lý tưởng sống cao đẹp, nhân văn, luôn biết ơn và tri ân đối với các thế hệ cha anh đã đánh đổi máu xương, ngã xuống vì non sông và nền độc lập của dân tộc.

Tại buổi giao lưu với chủ đề Những trang viết từ chiến trường, bạn đọc được nghe ba diễn giả chia sẻ những thông tin quý, xúc động, thú vị về nguồn gốc cùng nội dung những lá thư của những người lính (tập hợp qua cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam).

Qua đó, bạn đọc có thêm góc nhìn mới đa dạng, nhiều chiều và sinh động về hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong đó, có cuộc chiến đấu 55 ngày đêm kiên cường, quả cảm của quân và dân ta làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trong hàng triệu lá thư của những người lính gửi đi từ chiến trường, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã lựa chọn 200 lá thư tiêu biểu để đưa vào cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam.

Chia sẻ về ý tưởng tổ chức vận động, sưu tầm và cho ra mắt cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam, Đại tá, Cựu chiến binh, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng cho biết: "Tôi được đọc rất nhiều thư và tôi "ngộ" ra một điều, đôi khi chính những trang thư, nhật ký, ghi chép… tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu.

Chúng có thể gợi mở biết bao nhiêu điều về đời sống tinh thần của xã hội trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử. Những dòng thư có thể được viết vội trong lúc dừng nghỉ chân giữa những chặng hành quân, trước khi vào trận chiến. Có những lá thư viết bằng thơ, có những lá thư được viết hộ vì người đứng tên không biết chữ... nhưng đó là những cảm xúc, nỗi lòng được bộc lộ trong những khoảnh khắc và bối cảnh tự nhiên nhất, chân thật nhất. Bởi vậy mà nó rất thật, rất "đời", rất sinh động và cuốn hút đến lạ kỳ".

Hiểu hơn về một thời hoa lửa qua Những trang viết từ chiến trường - 3

Cuốn sách "Những lá thư thời chiến Việt Nam" (Ảnh: Ban Tổ chức).

Mỗi lá thư thời chiến ấy đã trở thành cầu nối giữa tiền tuyến và hậu phương, hiển hiện chân thực về lý tưởng sống cao đẹp, một niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, nêu cao ý chí chiến đấu, luôn sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Ngoài giao lưu với nhà văn Đặng Vương Hưng, bạn đọc còn được nghe bà Trần Hồng Dung, Phó chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 chia sẻ những kỷ niệm xúc động của hàng trăm chuyến đi về chiến trường xưa và tình cảm của các Cựu chiến binh đến với vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, là việc tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các sự kiện được tổ chức cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội và TPHCM trong những năm qua.

Đại biểu và bạn đọc cũng được nghe Đại tá, nhà văn Trần Trọng Giá, Thường trực Hội đồng Quản lý Câu lạc bộ Trái tim người lính tâm sự về những kỷ niệm đầy xúc động tại chiến trường và những hoạt động của CLB Trái tim người lính. Phát hiện những tấm gương thầm lặng hy sinh và cống hiến của người lính, những người không mặc áo lính, họ đang "vô danh" ở khắp các vùng miền trên cả nước.

Họ sẽ được ghi nhận và vinh danh thông qua tủ sách cùng tên Trái tim người lính.