Hà Tĩnh: Khánh thành Lăng mộ danh nhân họ Nguyễn Đức lục chi

(Dân trí) - Sáng ngày 24/11/2016, tại thôn Thống Nhất, xã ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đã diễn ra Lễ khánh thành Khu mộ các danh nhân họ Nguyễn Đức lục chi.

Mặc dù trời mưa, gió lạnh nhưng Lễ khánh thành đã được tổ chức một cách trang trọng, với sự hiện diện của nhiều quan khách gần xa, đại diện của các cấp ủy và chính quyền xã, huyện đến tỉnh; đại diện các cơ quan truyền thông trên địa bàn và đông đảo con cháu trong dòng họ cùng nhân dân địa phương. Đặc biệt, tại Lễ khánh thành, có sự hiện diện của Tiến sỹ Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; ông Nguyễn Ký, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; bà Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh (nguyên Bí thư Huyện ủy Lộc Hà); ông Võ Hồng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh (nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh); ông Trần Tú Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Tĩnh (nguyên Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà); ông Trần Xuân Lương, Phó Bí thư Huyện ủy Lộc Hà; ông Lê Quang Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà.

Các đại biểu tỉnh Hà Tĩnh cùng huyện Lộc Hà dự lễ khánh tiết Khu lăng mộ
Các đại biểu tỉnh Hà Tĩnh cùng huyện Lộc Hà dự lễ khánh tiết Khu lăng mộ

Tại buổi lễ, cử tọa thật sự hứng thú, xúc động khi nghe GS Nguyễn Huệ Chi đại diện cho gia tộc đọc diễn từ về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng của các danh nhân tiêu biểu trong dòng họ được an táng tại khu lăng mộ này. Theo tư liệu của GS Huệ Chi, ông tổ của dòng họ Nguyễn Đức lục chi là cụ Nguyễn Đức Tạo, tự là Đoan Trai, sinh vào năm Mậu Thân (1788). Cụ Đức Tạo là cháu chắt trực hệ của Hoàng giáp Đông các Hiệu thư Trần Đức Mậu (thế kỷ XV), dòng dõi hoàng tộc nhà Trần. Cụ bà là chắt trực hệ của Tể tướng Nguyễn Văn Giai, người cùng xã. Thời trẻ, cụ Đức Tạo học hành dang dở, ở nhà làm ruộng, sau bỏ nghề nông tang đi buôn và trở nên giàu có. Tuy là một nhà cự phú nhưng cụ sống rất cần kiệm và giàu lòng nhân ái, thường dốc công, dốc của ra làm từ thiện để tích phúc cho con cháu. Về sau, do có sức khoẻ và can đảm, cụ đã tham gia làm tuần phòng, được triều đình nhà Nguyễn bổ chức Tuần thám Hà Tĩnh, trông coi ba huyện Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, có nhiều công trạng trong việc trị an trên địa bàn nên được ban thưởng lớn. Đặc biệt, vào năm Tự Đức thứ 5 (1852), trong trấn gặp nạn đói to; tại nhiều địa phương, dân chúng kiệt quệ lương thực và đã có không ít người chết đói. Cụ Đức Tạo đã quyên góp được một số tiền rất lớn, tổ chức cứu tế cho dân suốt mấy tháng trời. Do công đức to lớn đó, cụ được nhà vua ban tặng danh hiệu Nghĩa Dân (người dân có nghĩa khí) và trân trọng vinh thưởng cho tấm biển “Ân thưởng Nghĩa Dân” (tấm biển nay còn).

Cụ Đức Tạo có 6 người con trai, về sau phát triển thành 6 nhánh, tức là họ Nguyễn Đức lục chi ngày nay. Sinh thời, ngoài dương công âm phúc to lớn, Đoan Trai công còn để lại cho con cháu một lời di huấn vô cùng quý báu:

Ô hô! Thiên địa trường tồn,

Bạc vàng dễ kiếm, người khôn khó tìm.

Lời di huấn đó là sự tổng kết cuộc đời cần mẫn, sáng tạo, dũng cảm và nhân đức của cụ nhưng cũng là sự mở ra những truyền thống tốt đẹp cho một cự tộc về sau.

Quả đúng là “Hồng nguyên tuấn lưu” (Nguồn lớn thì dòng chảy mạnh)! Sau cụ Đoan Trai công Nguyễn Đức Tạo, vào đời thứ 4, dòng họ Nguyễn Đức lục chi lại sản sinh ra hai nhà chí sĩ yêu nước danh tiếng lừng lẫy đầu thế kỷ XX. Đó là Tú tài Nguyễn Hiệt Chi (1870 – 1935), tộc trưởng đời thứ tư và Liệt sỹ Nguyễn Hàng Chi (1885 - 1908).

Cổng vào Khu lăng mộ
Cổng vào Khu lăng mộ

Cụ Hiệt Chi từ nhỏ đã theo đòi Nho học, từng tham gia hạch tỉnh đỗ đầu xứ, nhưng gặp buổi nước nhà loạn ly nên sau khi đậu Tú tài đã bỏ hẳn con đường khoa cử, tiếp xúc với tân thư, giao du mật thiết với các chí sĩ lớn đương thời như Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sinh Sắc, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp,…và tham gia phong trào Duy tân ngay từ đầu. Cụ cũng là người sáng lập ra Công ty Liên Thành để kinh doanh lấy tiền ủng hộ phong trào Đông Du, lập Liên Thành thư xã để cổ xuý việc đọc sách, mở mang dân trí; đồng sáng lập trường Dục Thanh để thông qua việc dạy học cổ vũ lòng yêu nước và tuyên truyền tư tưởng chống Pháp cho thế hệ trẻ. Về sau, cụ làm giáo viên dạy Quốc học Huế, Quốc học Vinh và cùng một số học giả khác biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa giá trị cho nhà trường phổ thông Pháp- Việt đương thời. Ngoài ra, học giả Nguyễn Hiệt Chi còn sưu tầm và biên soạn từ điển, sách địa chí, sách biên khảo văn hoá dân gian,…Và không thể không kể đến một di sản to lớn mà cụ đã gây dựng nên cho gia tộc và nhân dân trong vùng là Mộng Thương thư trai (Thư viện Mộng Thương), một trong ba thư viện lớn đương thời ở xứ Nghệ. Cuối đời, vào khoảng năm 1928, cụ đã tham gia Tân Việt cách mạng đảng, một trong ba tổ chức yêu nước và cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Phần mộ Hiển tổ Đoan Trai công Nguyễn Đức Tạo – người có công cứu tế dân trong nạn đói thời Tự Đức thứ 5, 1852
Phần mộ Hiển tổ Đoan Trai công Nguyễn Đức Tạo – người có công cứu tế dân trong nạn đói thời Tự Đức thứ 5, 1852

Có thể nói, Nguyễn Hiệt Chi là một nhà chí sĩ yêu nước và cách mạng có tầm cỡ, một nhà giáo dục lớn với một tư tưởng duy tân mạnh mẽ, một trình độ học thuật uyên bác và đức độ chuẩn mực của người thầy, đã có công đào tạo ra những thế hệ trí thức lớn cho đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, thúc đẩy phong trào yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc sau này.

Liệt sỹ Nguyễn Hàng Chi là em ruột của chí sĩ, học giả Nguyễn Hiệt Chi. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, truyền thống yêu nước thương dân, Nguyễn Hàng Chi đã từ bỏ khoa cử hủ bại đương thời, sớm tiếp thu những tư tưởng cách mạng của phương Tây, quả quyết đi theo tiếng gọi cứu nước, cứu nòi của các chí sĩ đàn anh, dũng cảm tham gia lãnh đạo phong trào chống thuế Trung Kỳ (1908) và đã hy sinh oanh liệt dưới lưỡi đao tàn bạo của chính quyền thực dân – phong kiến. Trước lúc ra pháp trường, Nguyễn Hàng Chi còn gửi lại cho hậu thế niềm tin, ý chí mãnh liệt về sự sinh tồn bất diệt của dân tộc, giống nòi trong những vần thơ tuyệt mệnh ngút trời tráng khí:

Dân quyền, dân trí mở rồi,

Súng Hoa, đạn Mã động trời Tây phương.

Trong tầm thường có phi thường,

Cây khô, chăm bón hoa hương thắm nồng.

(PQA dịch thơ)

Từ cội lớn, nguồn mạnh mà tiền nhân đã xây đắp, sau này, họ Nguyễn Đức lục chi còn sản sinh cho quê hương, đất nước nhiều nhân vật danh giá như Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà; Gs Nguyễn Đổng Chi, học giả, nhà văn hoá tầm cỡ quốc tế (Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I); PGs Nguyễn Từ Chi, nhà dân tộc học nổi tiếng thế giới (Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II), Gs Nguyễn Huệ Chi, PGs Nguyễn Du Chi,…

Có thể nói, dòng họ Nguyễn Đức lục chi là một dòng họ có truyền thống bền bĩ về tinh thần yêu nước thương dân; tinh thần dũng liệt xả thân vì nghĩa lớn của quốc gia, dân tộc; tinh thần cần cù, sáng tạo trong học tập và lao động; cùng với những truyền thống đó là một quỹ gen thông minh, tài trí hơn người trong học thuật, trước tác.

Phạm Quang Ái

P. Tổng biên tập Văn hoá Hà Tĩnh