Giám đốc ngân hàng về hưu trở thành “vua” tranh lá thốt nốt

(Dân trí) - Sau gần 20 năm miệt mài vẽ tranh trên lá thốt nốt đến nay nghệ nhân Võ Văn Tạng (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) sở hữu hàng chục ngàn bức tranh và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là người vẽ tranh trên lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam.

Bén duyên nhờ đi thẩm định cho vay vốn

Nhìn những bức tranh của nghệ nhân Tạng và số lượng tranh lá thốt nốt mà ông sở hữu, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết tài vẽ tranh trên lá thốt nốt của ông chỉ là nghề tay trái, vì nghề chính của ông là làm ngân hàng.

Ông Tạng kể: “Đến với môn hội họa này, tôi thật sự không qua trường lớp bài bản nào nhưng từ nhỏ tôi đã thích vẽ tranh, nhất là thời học phổ thông tôi đã biết vẽ thiệp chúc xuân để tặng bạn bè và bán lấy tiền đi học. Sau này đi học rồi đi làm trong ngành ngân hàng phần lớn thời gian là dành cho công việc, tuy nhiên tôi vẫn tự mày mò học vẽ thêm, nhất là với kỹ thuật vẽ tranh bằng bút lửa (que hàn điện tử). Sau khi thành thạo tôi thử nghiệm đầu tiên trên lá thiên tuế”.

 

Giám đốc ngân hàng về hưu, trở thành “vua” tranh lá thốt nốt
Qua gần 20 năm miệt mài lao động sáng tạo đến nay nghệ nhân Võ Văn Tạng sở hữu trên 20.000 bức tranh lá thốt nốt, trong đó tranh về Bác Hồ, bác Tôn Đức Thắng... là chiếm trên 50%

 

Theo nghệ nhân Tạng cho biết, với chất liệu lá thiên tuế, tranh cũng bền, sáng đẹp, tuy nhiên khổ tranh không được lớn vì lá thiên tuế ngắn, hơn nữa nguyên liệu này không phổ biến nên ông luôn trăn trở tìm một nguyên liệu khác dồi dào hơn và gắn liền với địa phương ông đang sinh sống.

Khoảng những năm 90, trong vài trò là giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện Thoại Sơn, ông Tạng cùng với các nhân viên khác đến xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn) thẩm tra tổ sản xuất quạt tay làm bằng lá thốt nốt của đồng bào dân tộc Khmer. Tại đây, ông Tạng mới thấy lá thốt nốt nhiều vô số kể, giá không cao và đặc biệt là rất bền, mối mọt không dám “đụng” vào.

“Thấy vậy tôi mua 7 tàu lá thốt nốt non về thử nghiệm, tuy nhiên do công việc nhiều nên tôi chất lá thốt nốt vào kho. Đến 4 -5 năm sau tôi mới mang ra và không ngờ chất lượng lá thốt nốt vẫn còn nguyên vẹn. Lúc này, tôi đã thầm nghĩ: “chất liệu mình tìm để vẽ tranh chính là đây”, vì lá thốt nốt ngoài những tính năng phục vụ tốt cho việc vẽ tranh của tôi thì lá thốt nốt, cây nốt nốt là biểu tượng đặc trưng của đồng bào Khmer cũng là đặc sản của vùng Thất Sơn quê hương An Giang”. Nghệ nhân Tạng chia sẻ.

 

Giám đốc ngân hàng về hưu, trở thành “vua” tranh lá thốt nốt
Lá thốt nốt non là chất liệu chính để nghệ nhân Tạng cho ra đời hàng chục ngàn bức tranh có giá trị độc đáo

 

Khi có chất liệu ưng ý, nghệ nhân Tạng bắt đầu nghiên cứu để làm thế nào cho ra một bức tranh như ý trên lá thốt nốt. Theo ông Tạng để bức tranh có tuổi thọ bền phải lấy lá thốt nốt có 8 năm trở lên, lá còn non, cắt vào đầu mùa nắng. Sau đó lấy lá thốt nốt phơi khô khoảng 2 tuần, ngâm nước phèn, rồi tiếp tục phơi khô, cắt thành từng phiến thẳng, sau đó dán các phiến lá này lại với nhau tạo thành nền tranh.

“Khoảng năm 1996, tôi đã thành công với kỹ thuật vẽ tranh trên lá thốt nốt bằng bút lửa và bức tranh đầu tiên là “Tùng hạt”, có đường kính 40x60cm. Đến bây giờ tôi vẫn gìn giữ cẩn thận “đứa con tinh thần” đầu tiên của mình cho đến ngày nay”. Nghệ Nhân Tạng cho biết.

Năm 2003 ông Tạng nghỉ hưu, chính lúc này ông Tạng mới có nhiều thời gian tập trung vào việc vẽ tranh trên lá thốt nốt. Tranh vẽ của nghệ nhân Tạng chủ yếu xoay quanh các chủ đề: các đồng chí lãnh đạo Đảng cấp cao, tranh quê hương, thủy mạc, tranh sinh hoạt… Trong đó, nhiều nhất là tranh vẽ về bác Hồ, bác Tôn Đức Thắng và tranh về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với các bức tranh ở chủ đề này, nghệ nhân Tạng làm ra bao nhiêu là được bạn bè, các đơn vị, cơ quan nhà nước trong và ngoài tỉnh An Giang đặt mua hết.

Hết lòng truyền nghề cho thế hệ trẻ

Từ khi tranh lá thốt nốt của ông Tạng ra đời, xuất hiện trên thị trường rất được nhiều người biết đến. Họ biết đến như biết cây thốt nốt, gần gũi, thân quen nhưng rất vững vàng trước sự khắc nghiệt của thời tiết. Chính vì điều này, tranh thốt nốt của ông Tạng ngày càng lớn mạnh và ông không đủ sức cung cấp cho thị trường, do vậy ông Tạng nghĩ đến việc chiêu sinh. Và hơn chục năm qua, nghệ nhân Tạng tận tình truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Giờ đây đến ngôi nhà số 48 đường Hùng Vương, thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) của nghệ nhân Võ Văn Tạng không chỉ bộn bề những bức tranh cùng vật liệu làm tranh mà còn chộn rộn vui hẳn lên bởi thường ngày ở đây có cả chục bạn trẻ đang miệt mài học nghề vẽ tranh trên lá thốt nốt của nghệ nhân Tạng.

 

Giám đốc ngân hàng về hưu, trở thành “vua” tranh lá thốt nốt
Đến nay Nghệ nhân Tạng vẫn giữ bức tranh "Tùng Hạt" - bức tranh đầu tiên của ông khi dùng bút lửa vẽ trên lá thốt nốt

 

Anh Nguyễn Văn Lắng – được xem là học viên lâu năm nhất ở phòng tranh nghệ nhân Tạng, anh Lắng vui vẻ cho biết: “10 năm trước đây trong lúc tôi lang thang tìm việc làm thì may mắn có người giới thiệu về bác Tạng chuyên vẽ tranh trên lá thốt nốt đang cần người. Thật sự lúc đầu vì mình tò mò việc vẽ tranh trên lá thốt nốt nên đến xem và thật sự tôi bị cuốn hút và quyết định theo bác học nghề và ở lại làm việc cho bác Tạng tới nay”.

 

Giám đốc ngân hàng về hưu, trở thành “vua” tranh lá thốt nốt
Khi mở được lớp học này, nghệ nhân Tạng rất vui, vì không chỉ tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ mà ông còn hy vọng nghệ thuật vẽ tranh trên lá thốt nốt của ông sẽ không bị thất truyền

 

Nghệ nhân Tạng chia sẻ: “Nét độc đáo khi dùng bút lửa vẽ trên lá thốt nốt là không có nhiều màu sắc, chỉ 4 màu cơ bản là nâu, đen, vàng sẫm và trắng. Do vậy, về bố cục, chủ đề tranh là hết sức quan trọng, người vẽ phải thảo trước, từ đó bằng ý tưởng sáng tạo và tay nghề của mình dùng bút lửa nhấn nhá đường nét đậm nhạt để khắc họa nên những chi tiết làm sống động cho bức tranh. Cũng chính vì không màu sơn, chất liệu là lá thốt nốt nên tuổi thọ của bức tranh tồn tại cả 100 năm mà không hề bị gì nên đây cũng là điều làm nhiều người mê tranh nốt nốt”.

Hiện tại theo nghệ nhân Tạng cho biết, lớp học của ông có trên dưới 15 học viên, đối với học viên mới vào nghề được trả lương từ 1,5 – 3 triệu đồng/tháng/học viên. Riêng những học viên trở thành thợ, được ông Tạng trả từ 3 -5 triệu đồng/tháng/thợ. Chính điều này, nghệ nhân Tạng đã góp phần vào việc giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục bạn trẻ tại địa phương, giúp họ có nghề và có thu nhập ổn định cuộc sống. Riêng nghệ nhân Tạng niềm vui nhất đối với ông khi mở lớp học này là nghệ thuật vẽ tranh trên lá thốt nốt do ông sáng tạo sẽ không bị thất truyền.

Mời độc giả xem một số bức tranh của nghệ nhân Võ Văn Tạng:

 

Giám đốc ngân hàng về hưu, trở thành “vua” tranh lá thốt nốt
Trong số hàng chục ngàn bức tranh lá thốt nốt của mình thì có đến 50% là các bức tranh về Bác Hồ, Bác Tôn Đức Thắng...
Phong cảnh quê hương, sinh hoạt... cũng chiếm đa số trong kho tranh của nghệ nhân Tạng
Phong cảnh quê hương, sinh hoạt... cũng chiếm đa số trong kho tranh của nghệ nhân Tạng
Còn đây là bức tranh Tùng Hạt - tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của nghệ nhân Tạng
Còn đây là bức tranh Tùng Hạt - tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của nghệ nhân Tạng
Còn đây là bức tranh Tùng Hạt - tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của nghệ nhân Tạng
Còn đây là bức tranh Tùng Hạt - tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của nghệ nhân Tạng
Còn đây là bức tranh "Tùng Hạt" - tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của nghệ nhân Tạng
Mỗi ngày, tại phòng tranh của nghệ nhân Tạng có khoảng 15 học viên đến theo học, có lương hẳn hoi
Mỗi ngày, tại phòng tranh của nghệ nhân Tạng có khoảng 15 học viên đến theo học, có lương hẳn hoi
Mỗi ngày, tại phòng tranh của nghệ nhân Tạng có khoảng 15 học viên đến theo học, có lương hẳn hoi
Hiện nay, nghệ nhân Tạng sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam: Nghệ nhân làm tranh bằng chất liệu lá thốt nốt nhiều nhất  và người sở hữu kỷ lục tấm di chúc Bác Hồ làm bằng chất liệu lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam

 

Nguyễn Hành

 

Giám đốc ngân hàng về hưu trở thành “vua” tranh lá thốt nốt - 1