Đúc trống đồng để dâng tiến các vị vua triều Lý tại đền Đô

(Dân trí) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất với việc đúc và tiếp nhận trống đồng vào di tích Đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh theo mẫu trống đồng thời Lý tại văn bản số 1310/BVHTTDL-DSVH ngày 19/4.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất với việc đúc và tiếp nhận trống đồng vào di tích Đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh theo mẫu trống đồng thời Lý tại văn bản số 1310/BVHTTDL-DSVH ngày 19/4.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Công văn số 252/SVHTTDL- DSVH ngày 30/3/2016 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đề nghị cho phép đúc và tiếp nhận trống đồng vào di tích Đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (kèm theo ảnh mẫu trống đồng và Công văn số 47/CV-BQLDT ngày 06/4/2016 của Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh).

Mảnh trống đồng có hoạ tiết rồng thời Lý được tìm thấy trong một cuộc khai quật khảo cổ. Ảnh: TL.
Mảnh trống đồng có hoạ tiết rồng thời Lý được tìm thấy trong một cuộc khai quật khảo cổ. Ảnh: TL.

Về việc này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến như sau: Thống nhất với việc đúc và tiếp nhận trống đồng vào di tích Đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh theo mẫu trống đồng thời Lý đặt tại nhà truyền thống của di tích. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý, kích thước trống với đường kính 1,05m, chiều cao 80cm là phù hợp, tuy nhiên, hoa văn trang trí cần tham khảo hoa văn trống đồng Dân Hạ, trống đồng Xóm Rậm (Hòa Bình), đặc biệt hình rồng và các hoa văn thời Lý cần tham khảo tại trống đồng Bình Yên (Cẩm Thủy - Thanh Hóa).

Vừa qua, tại Đền Đô (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), dưới sự chủ trì của UBND tỉnh Bắc Ninh và Ban tổ chức Lễ hội Đền Đô, Hội sưu tầm nghiên cứu cổ vật Bắc Ninh đã hưng công đúc trống đồng dâng tiến đền thờ tám vị vua thời Lý.

Trống được các nghệ nhân đúc bằng phương pháp thủ công, đường kính mặt trống 105cm, cao 80cm - tượng trưng cho tám đời vua thời Lý. Mặt trống được trang trí hình rồng và những đường nét hoa văn thời Lý. Đây là linh vật được dâng tiến trong dịp Lễ hội Đền Đô - ngày kỷ niệm vị vua khai lập Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế (15 tháng 3 năm Canh Tuất, 1010).

Cảnh đúc trống đồng thời Lý tại Đền Đô sáng 18/4. Ảnh: Nhân dân.
Cảnh đúc trống đồng thời Lý tại Đền Đô sáng 18/4. Ảnh: Nhân dân.

Theo truyền thuyết, sau khi được sự trợ giúp của thần núi Đan Nê dùng trống đồng phù trợ thắng giặc, lại báo mộng trước để dẹp được loạn tam vương (năm 1028), thái tử Lý Phật Mã lên ngôi, trở thành vua Lý Thái Tông đã cho lập đền thờ thần ở Thăng Long và hằng năm tổ chức Hội thề Đồng cổ vào ngày 4-4 (âm lịch) với lời thề: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung. Ai bất trung bất hiếu, thì xin thần minh trừng phạt”. Lời thề Đồng cổ như một tâm nguyện đoàn kết giữ yên nước nhà.

Sự tích kết nối liền mạch từ tiếng trống đồng thủa các vua Hùng tới thời các vua Lý sau đó nghìn năm cũng nói lên sức mạnh bền bỉ của dòng chảy văn hóa Việt. Bắc Ninh cũng là nơi tìm thấy nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng tại khu vực thành cổ Luy Lâu (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành). Điều này đã khẳng định sự tiếp nối của Văn hóa Đông Sơn và trống đồng còn tiếp tục kéo dài cả trong giai đoạn đầu thời Bắc thuộc. Đến thời Lý, những ảnh xạ văn hóa thời Hùng vương lại âm vang trong những giai thoại tương truyền... Sau khi được đúc và tu chỉnh, hoàn thiện, lễ dâng trống đồng sẽ được tiến hành trong đêm trước lễ hội Đền Đô.

Hà Tùng Long