Điện ảnh Việt Nam và món nợ lịch sử quá lớn

(Dân Trí) - Phim truyện về đề tài lịch sử ở nước ta còn ít về số lượng và kém về chất lượng. Liệu những nhà làm phim có trả được món nợ lớn cho bề dày lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước? Đó là câu hỏi lớn cần được giải đáp.

Sáng 6/11 tại Hà Nội, Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức buổi hội thảo “Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam”. Tham dự có nhiều đạo diễn, nhà biên kịch tên tuổi cùng đóng góp ý kiến lí giải vì sao phim lịch sử Việt Nam còn thiếu và yếu. Chính vì thiếu và yếu mà phim truyện đang nợ lịch sử một món nợ lớn.

Nợ vì thiếu quá nhiều

Mặc dù có bề dày lịch sử hàng ngàn năm song với nền điện ảnh phát triển muộn màng, phim lịch sử ở Việt Nam mới xuất hiện trên dưới 30 năm nay có thể kể đến “Kiếp phù du”, “Đêm hội long trì”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”,… Phim lịch sử nở rộ vào đợt kỉ niệm 1000 năm Thăng Long với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Tây Sơn hào kiệt”, “Khát Vọng Thăng Long”… và một số bộ phim về nhân vật lịch sử như “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Thái sư Trần Thủ Độ” hay “Huyền sử Thiên đô”… Tuy nhiên phim lịch sử vẫn chưa có được chỗ đứng trong lòng khán giả bởi hầu hết đều “đặt hàng” theo phong trào nhân các dịp lễ, tết và sản xuất dưới quy mô nhỏ lẻ. Trong buổi hội thảo, các đại biểu đã nêu ra nhiều cái thiếu để làm nên một bộ phim lịch sử hoành tráng xứng đáng với tầm vóc sử Việt.

Cảnh trong phim Đêm hội Long Trì (Đạo diễn Hải Ninh)
Cảnh trong phim Đêm hội Long Trì (Đạo diễn Hải Ninh)

Đầu tiên có thể kể đến thiếu về tư liệu lịch sử, để xây dựng nhân vật lịch sử làm nòng cốt cho bộ phim các tác giả phải có vốn kiến thức về thời đại, vấn đề, sự kiện và tiểu sử nhân vật lịch sử song tư liệu lịch sử nước ta hầu như không lưu trữ được toàn vẹn. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khẳng định: “Các nhà làm phim gặp khó khăn trong việc nghiên cứu hiện thực lịch sử nhất là thời kì cổ đại, trung đại. Ngay cả sử cận – hiện đại việc tìm hiểu cũng không hề dễ, bởi vì chúng ta có rất ít tài liệu, hiện vật, ghi chép từ quá khứ. Tài liệu nghiên cứu của các nhà sử học cũng có nhiều quan niệm, trường phái khác nhau”.

Thiếu trường quay cũng là một nguyên nhân mà bà Ngô Phương Lan (Cục trưởng Cục điện ảnh) đề cập tới. Vì không có trường quay nên các nhà làm phim gặp khó khăn trong việc xây dựng bối cảnh thật, nhiều đạo diễn yêu cầu sang Trung Quốc để có sẵn khung cảnh đẹp. Nhiều di tích lịch sử đã tôn tạo lại khó phục chế lại cho phù hợp với thời điểm lịch sử của phim. Như trường hợp phim “Minh Nguyệt” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khi đã hoàn thành thủ tục hành chính cồng kềnh để được quay trong Nhà khách chính phủ thì mới phát hiện ra mọi phòng ở đây đều đã bị cải tạo hết sức bừa bãi. Hay đạo diễn Đào Bá Sơn phải thuê ngựa ở Hồ Than Thở, thung lũng Tình Yêu để dựng cảnh quân Thanh vào Ải Chi Lăng qua ngả Suối Vàng (Đà Lạt) khi làm phim “Long Thành Cẩm Giả Ca”.

Cảnh trong phim Long Thành Cầm Giả Ca (Đạo diễn: Đào Bá Sơn)
Cảnh trong phim Long Thành Cầm Giả Ca (Đạo diễn: Đào Bá Sơn)

Bên cạnh đó thiếu kinh phí cũng là yếu tố quan trọng, nhà biên kịch Lê Phương (từng tham gia làm phim Đêm hội Long Trì, Tráng sĩ Bồ Đề) khẳng định: “Làm phim lịch sử gian nan lắm vì không có nhiều tiền, người làm phim phải liều mới được”. Bên cạnh đó còn nhiều lí do đặt ra như quá ít kịch bản hay, cách phản biện, đánh giá quá khắt khe cũng là một nguyên nhân khiến nhà làm phim nản lòng và nhà đầu tư e ngại khi mở hầu bao.

Để trả nợ phải chọn được người tài

Theo đạo diễn Đào Bá Sơn: “Lịch sử Việt Nam có quá nhiều để tài bị bỏ trống chưa thực hiện được bởi có quá ít người yêu lịch sử, có khát vọng làm phim lịch sử và không thể phủ nhận đội ngũ làm phim quá yếu kém”. Có lẽ đây là lí do chính khiến nền điện ảnh nước nhà mang nợ, để trả nợ phải tìm được người tài.

Nhà biên kịch Lê Phương sau một thời gian dài làm phim lịch sử đưa ra nhận định: “Thiếu nhất là thiếu người tài. Phim hay là do người làm phim chứ không phải do ngựa hay tượng” và “Nếu có đầu tư thì phải đầu tư cho người có tài, phải chọn người tài mà gửi gắm”. Và ông cho rằng, để trả được món nợ phải giải quyết được vấn đề đầu tiên là đầu tư: “Quan tâm phải có bài bản, không phải nhân dịp giỗ vị này, mừng vị kia mới kêu gọi sáng tác kịch bản theo phong trào. Không thể “đấu thầu” người tài năng bởi người tài không đi đấu thầu như Khổng Minh không bao giờ ngồi chờ giống cửu vạn”.

Cảnh trong phim Tây Sơn hào kiệt (Đạo diễn Lý Huỳnh)
Cảnh trong phim Tây Sơn hào kiệt (Đạo diễn Lý Huỳnh)

Về cách lựa chọn đề tài, ông cho rằng: Không nên chọn đề tài đao to búa lớn, hãy cứ làm một “mảnh” lịch sử vừa sức như một danh nhân chẳng hạn sẽ dễ đặt vấn đề cho người sáng tác, đã làm phải làm thật hay bởi “Nghệ thuật song phẳng lắm không ra gì là người xem bỏ về”.

Bên cạnh đó, một số đại biểu như đạo diễn Đào Bá Sơn, nhà biên kịch Đỗ Minh Tuấn và nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cũng đặt ra giải pháp không nên quá “bó buộc” sự kiện lịch sử có thật trong nhân vật lịch sử của điện ảnh. Dễ dẫn đến tình trạng phim nghệ thuật trở thành phim khoa giáo chỉ thích hợp làm tài liệu giảng dậy. Nên tôn trọng những sáng tạo của điện ảnh bởi lịch sử như hạt nhân, nó chỉ có một song dưới quan điểm sáng tạo của nghệ sĩ, hạt nhân này có thể biến đổi vô biên.

 
Đinh Nha Trang