Thừa Thiên Huế:

Đào móng xây thành chùa phát hiện nhiều bình gốm sứ nghi cổ vật

(Dân trí) - Ngày 7/10, tin từ Phòng Văn hóa thông tin huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết vừa hoàn tất văn bản báo cáo lên cấp trên về việc chùa Thanh Dương đào đất xây thành đã phát hiện nhiều bình sành, gốm nghi là cổ vật.

Theo đó, trong lúc đào móng dưới đất để xây tường thành bảo vệ khuôn viên chùa Thanh Dương (thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc), các thợ đã phát hiện nhiều bình bằng gốm, sành ở độ sâu 1-2 mét.

Các thợ đã báo cho thầy Hạnh Trung, trụ trì chùa Thanh Dương biết. Qua kiểm đếm, có khoảng hơn 30 chục mẫu vật còn nguyên vẹn, còn lại nhiều mẫu vật khác bị sứt mẻ, bể do đụng phải dụng cụ đào móng của thợ xây và theo thời gian nằm dưới lòng đất. Đa số các mẫu vật này là bình vôi, ống nhổ được làm bằng gốm, sành.

Chùa Thanh Dương được xây dựng dưới thời vua Duy Tân (1907-1916), tuổi đời đến nay đã hơn 100 năm. Đây là nơi người dân địa phương hay đến cúng cấp, hành lễ. Xung quanh chùa trước đây có một số cây cổ thụ, dân làng hay đem đồ bỏ đi hay đồ cúng đến đặt dưới gốc cây.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (TP Huế) cho biết qua nhận định ban đầu, các cổ vật ở chùa Thanh Dương là các bình vôi cổ được làm bằng gồm, sành và nung ở nhiệt độ cao. Trong số đó, có cả các bình do người Chăm pa sản xuất. Nhiều khả năng, các bình vôi có niên đại từ thế kỷ 15-19.

Hiện, Phòng Văn hóa thông tin huyện Phú Lộc đã giao cho nhà chùa tạm bảo quản các mẫu vật trên để chờ Bảo tàng Lịch sử Cách mạnh tỉnh Thừa Thiên Huế về xác minh, đánh giá.

 

Đào móng xây thành chùa phát hiện nhiều bình gốm sứ nghi cổ vật - 1
Đa số nhiều bình vôi được tìm thấy ở chùa Thanh Dương
Đa số nhiều bình vôi được tìm thấy ở chùa Thanh Dương
Có nhiều bình vôi tráng men
Có nhiều bình vôi tráng men
Nhiều quai sứt mẻ cũng được tìm thấy dưới đất
Nhiều quai sứt mẻ cũng được tìm thấy dưới đất

 

Đại Dương