“Đảo của dân ngụ cư”: Giải thưởng có khi chả liên quan tới khán giả

Xem phim cũng như thưởng thức một bữa tiệc. Tiệc ngon phải có bạn hiền. Nhưng xem phim hơi khác, xem một mình trong phòng rộng mát điều hòa, tránh xa cái nắng gay gắt ngoài đường càng dễ tập trung mọi giác quan để thưởng thức.

Suất chiếu 8h sáng 20/6, 92 ghế có một mình tôi ngồi, để xem “Đảo của dân ngụ cư” - một phim thuộc dòng phim nghệ thuật.

Mơ về sự tận cùng

Chuyện phim đoạt giải không phải lúc nào cũng đông khách là chuyện thường.

Có thể kể vô số phim giải này giải nọ, thậm chí cả phim Oscar, Venice về Việt Nam có khi cũng thành “áo gấm” không đi đêm mà ít ai ngó. Rồi đạo diễn họ Kim (Kim Ki Duk) xứ Kim chi làm sang cho điện ảnh Hàn, nhưng phim phát ra quá kén khán giả. Minh chứng hùng hồn nhất phải là nhiều phim đoạt giải LHP Cannes, ban giám khảo chỉ chấm trên 1 tiêu chí duy nhất là sáng tạo. Càng quái càng dễ ăn (dĩ nhiên là quái kiệt, không phải quái dị, quái đản đến… bệnh tật).

Còn khán giả không khoái, không xi-nhê gì, tiêu biểu như “Hồi ức của bác Boonmee” (Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives) của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul (Thái Lan) giành ngôi vương tại Cannes năm nào mà chiếu ra khán giả buồn ngủ gần chết!

Vì sao? Vì cái độc đáo khác người của nghệ sĩ có phải dễ được đại chúng chia sẻ? Tuy nhiên, trong lịch sử điện ảnh thế giới chưa thấy đạo diễn nào tuyên ngôn: Tôi làm phim vì giải thưởng. Mà gần như đạo diễn nào chả nói: Tôi làm phim vì khán giả.

Dung hòa, kết nối được với người xem mà phim vẫn hay, vẫn giành giải là chuyện khó như hái sao trên trời. Một số phim Việt thuộc dòng nghệ thuật, tác giả đã mang chuông đi đấm xứ người trước, kêu to (có giải) rồi thì quay về phát hành trong nước, để hy vọng đông khán giả nhờ hiệu ứng quốc tế. Nhưng chưa thấy phim nào thành công trên cả hai bình diện.

“Cơn bão trong chén trà”

“Đảo của dân ngụ cư” nóng sừng sực trên mạng xã hội. Một số cuộc chiến của “anh hùng bàn phím” khá tưng bừng. Kẻ khen đứt lưỡi, người rụt rè ngỏ ý chê hay nêu chuyện ít khán giả là có khi bị vùi dập tơi bời, ăn ngay trận đòn hội đồng, và không ít người bị ám ảnh chuyện “Hoàng đế cởi truồng”.

Thực ra khen chê là chuyện thường, ngọc còn có vết. Vấn đề là thái độ khen chê sao cho sòng phẳng, công bằng. Nếu phim hay mà cố tình chê, bới lông tìm vết thì sẽ có lúc kẻ chê phải gục mặt xấu hổ. Nhưng nếu phim vừa phải mà cố tình PR, bốc thơm thì cũng đáng hổ thẹn, nhất là khi nếu sự khen đó nằm ở những động cơ khác phía sau bộ phim. Bản thân tác phẩm nghệ thuật có đời sống riêng của nó, và thời gian là người phán xử công minh nhất.

Có ý kiến bảo tên phim là đảo mà thấy cảnh chỉ là thị trấn. Xin thưa, đảo ở đây còn mang hàm nghĩa bóng, cũng như ốc đảo của riêng mỗi người.

Sex cũng không đến mức đậm đặc như một số người nói, hay có thể bản chiếu cho khán giả đã bị cắt tàn bạo. Và sex cũng không có gì phản cảm hay quá đẹp. Nó chỉ là cảnh sex không đẹp không xấu. Nó an toàn để xem, dù phim đã dán nhãn +18.

Cảnh giết thịt dê ai đó mủi lòng, nhạy cảm xuýt xoa kêu ghê ghê. Thì giết dê phải thế, chẳng qua cận cảnh máu me (nhưng cũng chưa quá liều). Giấc mơ được ra biển của cô gái tên Chu cũng có người nghĩ xa xôi quá, nó chỉ là khát vọng dễ hiểu của một cô gái khuyết tật phải ngồi xe lăn trong căn phòng tối tăm ẩm thấp.

Tôi lại muốn đẩy cảm xúc của bộ phim lên tận cùng của nó, từ sự tàn bạo (để có thể ai ăn vào cay đứt lưỡi phải kêu lên nhưng sẽ nhớ rất lâu) đến sự lãng mạn, dịu dàng như hai thái cực của phim …

Cảnh quay âm u, tranh tối tranh sáng tạo không khí bí hiểm cho quán thịt dê, từ nhân vật ông chủ cho đến các nhân vật khác. Không khí u ám, bế tắc, ngột ngạt quẩn quanh như chính những nhân vật trong phim. Và nó tù mù như trò chơi tập tầm vông, tay nào có tay nào không.

Các thân phận, lai lịch nhân vật còn trong vòng bí mật… Rồi vì sao ông chủ lại coi cô con gái ngồi xe lăn là nỗi nhục của mình, để giấu kín cô trên gác? Những cử chỉ, hành động chăm sóc cô của ông chủ - người cha có mâu thuẫn gì với việc ông lại không muốn chàng trai nào lại gần con cô, kể cả đó là Miên - một người làm gần như nô bộc, cánh tay đắc lực của ông chủ trong quán thịt dê? Nếu cô gái đó là nô lệ tình dục của ông chủ thì lại là một câu chuyện khác…

Việc chọn người làm có cả người Chăm - tên Miên, tóc xoăn tít, người làm mới tên Phước - dân tộc Kinh, ông chủ người Hoa… có ẩn ý nhưng chưa rõ ràng, cũng như ý tứ mạnh mẽ nhất mà tác giả muốn gửi gắm đến người xem.

Hay đạo diễn còn muốn dành sự giải mã cho phần 2 của phim?

Nỗ lực đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Hồng Ánh là rất đáng ghi nhận, dĩ nhiên phải kể đến êkíp làm việc cùng cô toàn những tay có “số má”, từ NSND Lý Thái Dũng đến dựng phim với một cái tên quen thuộc người nước ngoài (Julie Béziau). Làm phim đầu tay mà dám đi vào con đường phim tác giả - nghệ thuật là rất dũng cảm. Còn đi xa đến đâu là câu chuyện khác.

Nhưng đó cũng chỉ là cảm nhận của một cá nhân. Bạn hãy đi xem và tự cảm nhận.

Theo Việt Văn
Lao Động