Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội được chào đón nồng nhiệt tại Nhật Bản

(Dân trí) - Dàn nhạc cũng đã có một đêm diễn đầy cảm xúc cùng với Dàn nhạc giao hưởng Kyushu tại thành phố Fukushima. Tại Tokyo, buổi biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội đã được chào đón nồng nhiệt, khán phòng với hơn 1500 chỗ đã không còn chỗ trống.

Nhận lời mời của Liên hoan âm nhạc Tuần lễ âm nhạc Giao hưởng Châu Á (Nhật Bản), từ ngày 1 đến ngày 6/ 10/ 2012, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam gồm 85 thành viên đã có chuyến lưu diễn tại Nhật Bản với 2 buổi biểu diễn thành công được dư luận Nhật Bản đánh giá cao tại Nhà hát Nhạc kịch thành phố Tokyo (3/10) và tại Phòng Hòa nhạc thành phố Fukushima (5/10).

Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc gồm : Rhapsody của Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Concerto số 1 của P. Tchaikovsky (1840 - 1893) viết cho Piano và Dàn nhạc

(Độc tấu piano: Lưu Hồng Quang) và Giao hưởng Thế giới mới của nhà soạn nhạc A. Dvorak (1841 – 1904).
 
Dàn nhạc tại phòng hòa nhạc thành phố Tokyo

Dàn nhạc tại phòng hòa nhạc thành phố Tokyo

Tại Tokyo, buổi biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội được chào đón nồng nhiệt, khán phòng với hơn 1500 chỗ đã không còn chỗ trống. Đây là đêm nhạc được khán giả mua vé xem đông nhất theo thống kê của Ban Tổ chức.

Các nghệ sĩ đã dẫn dắt khán giả đến với âm nhạc cùng sự thăng hoa của cảm xúc. Dàn nhạc được khán giả vỗ tay kéo dài nhiều lần sau mỗi tác phẩm biểu diễn. Tham dự buổi biểu diễn còn có đồng chí Đoàn Xuân Hưng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Nhật Bản cùng nhiều cán bộ Đại sứ quán, Việt kiều, lưu học sinh Việt Nam, đại diện Vụ Văn hóa – Bộ Ngoại giao Nhật bản, đại diện các tổ chức âm nhạc, các dàn nhạc của Nhật Bản.

Tại thành phố Fukushima, Dàn nhạc đã có một đêm diễn đầy cảm xúc cùng với Dàn nhạc giao hưởng Kyushu. Các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội đã tự tin, vững vàng khi biểu diễn chung một sân khấu với bạn và để lại những ấn tượng khó quên trong lòng khán giả Nhật Bản.

Kết thúc chương trình, toàn thể khán giả đã hát vang bài hát Furusato – một bài hát quen thuộc của Nhật Bản do nhạc sĩ Marasato chuyển soạn cho Dàn nhạc giao hưởng. Ý tưởng cùng nhau biểu diễn giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản là một ý tưởng tuyệt vời, nó chứng tỏ mối quan hệ đặc biệt thân thiết, sự trân trọng, bình đẳng giữa hai nền văn hóa Á châu.
 
Buổi tổng duyệt của dàn nhạc tại thành phố Fukushima

Buổi tổng duyệt của dàn nhạc tại thành phố Fukushima

Pianist Lưu Hồng Quang hiện đang là một trong những ngôi sao đang lên của thế hệ trẻ piano Việt Nam. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước mà gần đây nhất là giải Nhất cuộc thi Lev Vlasenko tại Úc (2011). Ngoài ra anh được thường xuyên tham gia học tại các lớp Masterclass của NSND Đặng Thái Sơn. Với lối chơi nồng nhiệt hết mình, kỹ thuật điêu luyện anh đã hoàn toàn chinh phục được khán giả Nhật Bản.  

Để có được thành công này cũng phải kể đến công lao của nhạc trưởng C. Schumann (Đức) đã được Viện Goethe mời sang Việt Nam với thời gian dài để huấn luyện và biểu diễn cùng Dàn nhạc.

Tham gia Liên hoan âm nhạc lần này có 3 Dàn nhạc giao hưởng: Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng thành phố Mokpo (Hàn Quốc) và Dàn nhạc giao hưởng Kyushu (Nhật Bản).

Đây là chuyến lưu diễn thứ 2 của  Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội tại Nhật Bản (lần đầu vào năm 1999) và là chuyến lưu diễn nước ngoài lần thứ 3 trong vòng 5 năm kể từ 2007 của Dàn nhạc.

Sự thành công của chuyến lưu diễn này đã mang lại nhiều ý nghĩa, không những giới thiệu sự phát triển của âm nhạc giao hưởng Việt Nam và thế giới tại Việt Nam trong thời gian qua mà còn thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản thông qua giao lưu văn hóa – nghệ thuật. 
 
TS. Tạ Quang Đông