Cố tác giả Hoàng Luyện thủy chung với nghệ thuật truyền thống dân tộc

Hương Hồ

(Dân trí) - Nói đến lịch sử sân khấu Việt Nam thời kỳ 1960 - 1980 chắc chắn không thể không nhắc đến tác giả Hoàng Luyện với những tác phẩm sân khấu: "Bà mẹ sông Hồng", "Nắng tháng Tám" hay "Cây gậy thần"...

Tác giả Hoàng Luyện sinh năm 1925 tại làng Thứa, Mỹ Hào, Hưng Yên. Ông là cán bộ Lão thành Cách mạng. Tham gia kháng chiến từ năm 1943, làm báo rồi cán bộ tuyên huấn tỉnh Hưng Yên.

Vốn đam mê viết, ông đã sáng tác nhiều kịch bản ngắn phục vụ phong trào du kích ven tả ngạn sông Hồng. Thủ đô giải phóng, Hoàng Luyện về làm cán bộ Vụ nghệ thuật Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tham gia công tác đào tạo sân khấu Hà Nội. Là người con của đất chèo truyền thống, nhưng Hoàng Luyện mê say cải lương nên ông cho ra đời hàng loạt tác phẩm cải lương.

Cố tác giả Hoàng Luyện thủy chung với nghệ thuật truyền thống dân tộc - 1

Cố tác giả Hoàng Luyện (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Kịch bản Bà mẹ sông Hồng - tác phẩm thành công nhất của ông, là kết quả của hàng chục năm được chứng kiến biết bao chuyện đấu tranh anh dũng, những hy sinh tổn thất cùng các tấm gương kiên cường của những bà mẹ, những người chị là du kích, là cơ sở cách mạng... Đây cũng là vở cải lương đầu tiên có hình ảnh người nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ.

Có thể nói, kịch bản Bà mẹ sông Hồng của tác giả Hoàng Luyện là tác phẩm đậm đà bản sắc cải lương. Giải thưởng lớn Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng năm 1960 cho tác giả là một ghi nhận.

Và vở diễn của Đoàn cải lương Kim Phụng ngày ấy, không chỉ làm đổi thay cuộc đời một thế hệ nghệ sĩ sau những năm dài tạm chiếm, còn là điểm xuất phát mạnh mẽ cho bộ môn nghệ thuật ca kịch này có gương mặt mới mẻ trên đất kinh kỳ. Bà mẹ sông Hồng đã gắn với Đoàn cải lương Kim Phụng ngót 20 năm với trên 2000 đêm diễn từ Bắc chí Nam.

Cố tác giả Hoàng Luyện thủy chung với nghệ thuật truyền thống dân tộc - 2

Năm 2017, với những đóng góp xuất sắc của cố tác giả Hoàng Luyện cho sân khấu, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (Ảnh: Gia đình cung cấp).

"Hơn 40 diễn viên nghệ sĩ cải lương đoàn Kim Phụng hồi hộp từ chiều trong phòng hóa trang, đang hoàn tất những việc cuối cùng lên sàn. Nhiều vị lãnh đạo thành phố, Hội sân khấu, ngành văn hóa cũng có mặt rất sớm, gương mặt tươi cười lạ thường. Còn Hoàng Luyện, tác giả kịch bản cùng người vợ thân yêu khiêm nhường, kín đáo ngồi hàng ghế phía cuối, ánh mắt rưng rưng.

Màn mở, cảnh con sông đỏ phù sa dậy sóng, bóng một bà mẹ mải miết chèo thuyền, tới bãi lau rậm rạp. Hậu đài thấp thoáng bóng đồn bốt ẩn hiện trong ánh đèn pha quét sáng cả vùng quê.

Dàn nhạc dạo lên giai điệu Ca thu hồ tha thiết theo mái chèo gấp gáp của mẹ Thảo. Dòng sông Hồng đỏ ngầu phù sa, bờ đẹp lúa xanh màu quê ta - bà mẹ sông Hồng... Không khí xúc động thấm đẫm tâm hồn người diễn, người xem hơn hai tiếng đồng hồ. Phút cuối cùng bỗng òa vỡ không thể kìm nén. Cả sàn diễn đầy hoa, nụ cười và những dòng nước mắt", đạo diễn NSND Ngọc Dư nhớ lại.

Phút giây đó, ông trốn mình sau cánh gà, nghe trái tim mình rạo rực. Và ngoài sân khấu, vợ ông, NSƯT Lệ Thanh, người thủ vai bà mẹ sông Hồng cứ ngất ngây niềm cảm động chưa từng có trong suốt mười năm là "ngôi sao" cải lương đất Hà thành. Còn tác giả Hoàng Luyện cũng lặng đi, miên man giữa dòng sông trí tưởng...

Cố tác giả Hoàng Luyện thủy chung với nghệ thuật truyền thống dân tộc - 3

Hình ảnh trong vở "Thiên duyên huyền tích" (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Còn vở Nắng tháng Tám đã khai thác thành công đề tài công nhân và đồng bào vùng than đấu tranh sống mái với chủ mỏ và thực dân thống trị trong những năm tiền khởi nghĩa.

Nắng tháng Tám đã được Đoàn cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam) dàn dựng trong suốt những năm của thập kỷ 70. Có những thời điểm vở diễn đã được diễn cả tuần trên một sân khấu vậy mà đêm nào cũng chật kín người xem. Với 500 đêm diễn, Nắng tháng Tám cũng là vở diễn có xuất diễn đạt mức kỷ lục của đoàn.

Là tác giả thủy chung với nghệ thuật truyền thống dân tộc nhưng ông không bao giờ cho rằng truyền thống là mô hình vĩnh cửu và bất biến. Điều này thể hiện rất rõ qua các tác phẩm của ông, mỗi vở ra đời đều thể hiện sự tìm tòi sáng tạo và cách tân.

Cố tác giả Hoàng Luyện thủy chung với nghệ thuật truyền thống dân tộc - 4

Vở "Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm" (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Không chỉ là tác giả cải lương, cố tác giả Hoàng Luyện còn là cây bút của làng chèo với hơn chục kịch bản lớn nhỏ về đề tài chiến tranh chống Mỹ: Trên đồi vinh quang, Nàng tiên thuở ấy, Bài thơ bên núi Cánh Diều, Cánh buồm nâu...

Hai tác phẩm của ông là Kỳ đồng Nguyễn Văn CẩmThiên duyên huyền tích  năm 2022 được Nhà hát Chèo Thái Bình dàn dựng để tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 tại Hà Nam. Vở Thiên duyên huyền tích - Cây gậy thần đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc.

Con rể ông - Thạc sĩ Nghệ thuật sân khấu, tác giả Lê Thế Song đã chuyển thể và biên tập lại 2 tác phẩm này của ông thành công.

Trước đó, năm 2021, vở diễn Cây gậy thần cũng được dàn dựng trong dự án Huyền sử Việt với sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật xiếc và cải lương.