“Chuyến tàu kể chuyện” mang điều cổ tích đến với trẻ em vùng cao

(Dân trí)- Trải qua 7 năm thực hiện, chương trình "Chuyến tàu kể chuyện" đã đi khắp từ Bắc vào Nam để mang những giấc mơ, khát vọng đến với nhiều trẻ thơ, đặc biệt là những trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.

Mang tình yêu “cổ tích” đến các em ở vùng sâu, vùng xa

''Trẻ em luôn được ông trời ban cho một khả năng tiềm ẩn mà không phụ thuộc vào sự phát triển của môi trường và xã hội xung quanh. Nhiệm vụ của những người lớn đó là phát hiện ra các em để từ đó biết cách trau dồi, bồi dưỡng kiến thức giúp các em ''thăng hoa''  trong những sáng tạo của mình'' (Ý kiến của họa sĩ Tạ Minh Long – Nhà XB Kim Đồng). Đây cũng là một trong những lí do để Chương trình ''Chuyến tàu kỉ niệm'' trở nên cần thiết và ý nghĩa đối với trẻ thơ đặc biệt là những em bé ở vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc.
 
Các nhà văn giao lưu với các em bé ở Thanh Hóa
Các nhà văn giao lưu với các em bé ở Thanh Hóa

 
Chương trình gồm hai hoạt động chính: vận động cuộc thi sáng tác truyện cho thiếu nhi và tổ chức những chuyến đi thực tế đến các câu lạc bộ. Mỗi lần đi như thế các nhà văn trực tiếp giao lưu và biết được nguyện vọng, mơ ước của các em để có cơ sở làm sách phục vụ chính các em. Đồng thời qua mỗi lần gặp gỡ chúng ta sẽ phát hiện ra những em có tài năng đặc biệt để hướng dẫn các em trong những sáng tác của mình. ''Tôi nhớ có lần đến Thanh Hóa bà con đồng bào đi chân đất lội suối đến tận nơi xem con em của mình được học vẽ và nghe các cô, các chú kể chuyện. Chính họ đã là nguồn động viên rất lớn để chúng tôi tiếp tục lên đường đến với những em bé ở vùng sâu, vùng xa khác'' - Bà Dắt tâm sự. Hay trong một chuyến đi cách đây 3 năm lên Tuyên Quang, ngày đó vào tháng 10 khi cơn bão vừa đi qua nên đường lầy lội, trơn trượt khiến ô tô chở đoàn như muốn đổ nhào xuống vực. Ai cũng mệt mỏi nhưng khi lên đến nơi thì một cảnh tượng hết sức ngạc nhiên đang diễn ra: 200 em thiếu nhi đi từ các bản về đang tập tô, tập vẽ mặc cho bên ngoài nước suối đổ ào ào và những trận gió rít mạnh như muốn đánh tung tất cả. Lúc đó những nhà văn Đan Mạch rất cảm động và hiểu được rõ hơn niềm ''khát sách'' của thiếu nhi miền núi Việt Nam. Vì thế hàng năm tại các câu lạc bộ này Chính phủ Đan Mạch liên tục tặng 300 đầu sách cùng 200 đầu sách của Nhà XB Kim Đồng để các em luôn có sách mới đọc và tìm hiểu.
mẹ nghèo, bệnh tật.
 
Nhà văn Quỳnh Hương đang nói chuyện với các em bé ở Phú Thọ
Nhà văn Quỳnh Hương đang nói chuyện với các em bé ở Phú Thọ
 

Bà Lê Thị Dắt - Giám đốc Dự án "Chuyến tàu kể chuyện" cho biết : "Hàng năm Hội nhà văn Đan Mạch cùng các văn nghệ sĩ của Việt Nam đã cùng nhau tổ chức những "Chuyến tàu kể chuyện" đến các em vào tận miền Tây Nam Bộ như An Giang, Cần Thơ rồi ra miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, sau đó ngược lên miền Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang

 
Chắp cánh cho những sáng tác trẻ thơ

Chương trình không chỉ dừng lại ở việc giao lưu, trò chuyện cùng các em mà quan trọng hơn đó là khơi gợi được tình yêu, niềm đam mê và sự sáng tạo trong tâm hồn trẻ thơ. Họa sĩ Tạ Minh Long cho biết: ''Trẻ em có tư duy khác với người lớn nên có những phát hiện rất thú vị và đúng là chỉ  các em mới nghĩ như thế. Ví dụ các em có thể vẽ một con cá lớn đang bơi tung tăng giữa dòng nước nhưng trong bụng nhìn rõ một con cá con với giải thích ''con cá mẹ đang mang bầu con cá con'', hay vẽ một con sâu mà trên mình chi chít những ổ điện. Cũng có khi là vẽ con bò sữa nhưng ở bên cạnh lại có chi chít những chấm đen và con bò không chỉ có 4 chân mà rất nhiều chân bởi các em nói rằng nhiều chân để chạy nhanh hơn và trên cơ thể con bò bé quá nên không vừa hết những chấm đen vì thế các em phải xếp ra bên ngoài... Những lí giải đó của các em là phi thực tế tuy nhiên nó đúng với tư duy của trẻ và lại vô cùng ''hợp lí'' trong mắt của trẻ thơ''.
Chia sẻ về điều này, cô Nguyễn Huyền Sâm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Hồng của tỉnh Hòa Bình cho biết: Câu lạc bộ có tất cả 60 em thì có 15 em là người dân tộc Mường, tất cả các em đều rất thích thú khi được đến CLB để đọc sách, để vẽ và tập sáng tác.Và có một điều ta dễ nhận ra qua các tác phẩm của các em chính là mong muốn được đưa những phong tục, tập tục của đồng bào mình hay hình ảnh cây rừng, dòng suối... vào thơ, vào truyện.

 
Nhà văn Quỳnh Hương đang nói chuyện với các em bé ở Phú Thọ
 
Tương tự ở Câu lạc bộ Chim Thiên Nga của tỉnh Tuyên Quang, các em bé tham gia là người các dân tộc Tày, Mông, Dao, Cao Lan, Hoa... Chủ nhiệm CLB là cô Viên Thị Nhân mặc dù đã về nghỉ được hơn 1 năm nhưng khi nhớ lại những giờ cùng học, cùng chơi với các bé, cô vẫn vẹn nguyên cảm xúc: ''Mỗi một năm khi dự án Chuyến tàu kể chuyện phát động cuộc thi sáng tác là các em lại cặm cụi, hí hoáy viết và vẽ những bài viết, những bức tranh về các trò chơi truyền thống của dân tộc mình. Xem những sản phẩm của các em, chúng tôi mới biết các em khao khát như thế nào về những cuốn sách, cuốn truyện viết về những nét đặc trưng của chính dân tộc mình''.
''Cuộc vận động sáng tác'' được tổ chức đã đón nhận hàng nghìn những tác phẩm dự thi gửi về. Mỗi một đề tài đều chứa đựng ý nghĩa về tình yêu thương để từ đó dạy các em biết yêu Tổ quốc, yêu đất nước Việt Nam. 7 năm đã có biết bao nhiêu những ''Chuyến tàu'' chở những điều thần tiên đến với các em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước.

 Phạm Oanh