Câu chuyện ít biết đằng sau sự tồn tại của chiếc bì thư

(Dân trí) - Trong vòng hơn một thế kỷ qua, thế giới đã thay đổi vô cùng, nhưng có một thứ vẫn y nguyên, đó là chiếc bì thư có sẵn mép hồ khô. Chiếc bì thư ấy đã tồn tại từ đầu thế kỷ 19 đến nay.

Xét đến sự đổi thay không ngừng của ngành bưu điện nói chung, sự tồn tại bền vững của phát minh nhỏ này quả thật đáng kinh ngạc.

Hồi thập niên 1830, những chiếc bì thư có gắn sẵn một đường hồ khô ở mép bắt đầu được sử dụng, đó được coi là một sự tiến bộ vượt bậc đối với ngành bưu điện thời bấy giờ. Gửi đi một lá thư hiện nay chẳng phải việc gì khó khăn, nhưng ở thế kỷ 19, đó là một công việc vô cùng phức tạp, đối với cả người gửi, người nhận và phía bưu điện.

Câu chuyện ít biết đằng sau sự tồn tại của chiếc bì thư - 1

Có một câu chuyện nhỏ thú vị liên quan tới cách hoạt động của ngành bưu điện ở Anh nói riêng, cũng là cách hoạt động của ngành bưu điện nói chung trên toàn thế giới ở thời điểm bấy giờ, cho tới hôm nay vẫn thường được nhắc lại. Đó là hồi thập niên 1830, khi lượng lớn thư từ trong đời sống thường được người ta nhờ nhau chuyển tay giúp để tiết kiệm chi phí.

Thời này, cách thức hoạt động của ngành bưu điện rất phức tạp, chi phí mỗi khi sử dụng dịch vụ bưu điện thường cao, tốc độ chuyển phát chậm. Trong khi xã hội công nghiệp bắt đầu hình thành ở thế kỷ 19 đang có nhu cầu bùng nổ về việc chuyển phát thông tin. Câu chuyện trứ danh trong ngành bưu điện có liên quan tới một giáo viên người Anh có tên Rowland Hill.

Thầy Hill rất có hứng thú với những lá thư và vì vậy, thầy đã nhìn ra những bất cập trong cách vận hành của ngành bưu điện. Gần nhà thầy có một cô gái trẻ nghèo khó, thầy để ý thấy rằng người phụ nữ này thường nhận được thư gửi tới bởi người yêu ở xa nhưng không bao giờ nhận.

Thời này, chi phí chuyển phát thư do người nhận trả cho nhân viên bưu điện, chi phí dựa trên khoảng cách giữa người gửi và người nhận, càng ở xa, chi phí chuyển phát càng cao.

Câu chuyện ít biết đằng sau sự tồn tại của chiếc bì thư - 2

Do quá nghèo, người phụ nữ gần nhà thầy Hill thường chỉ cầm lá thư người yêu gửi tới trong giây lát rồi trả lại cho người đưa thư vì cô không có tiền để trả. Đây là một thực tế mà những người đưa thư vẫn thường phải chấp nhận, bởi người nhận hoàn toàn có quyền từ chối nhận thư và không trả phí.

Cũng vì vậy, mà những người “thừa hơi, rỗi việc”, muốn trêu chọc nhân viên bưu điện cũng thường xuất hiện. Có những cặp đôi yêu nhau như trường hợp cô gái kể trên, lại nghĩ ra những mật mã thông báo ngắn gọn tình hình của bản thân chỉ trong một vài ký tự bí mật viết ngay trên bì thư, để người nhận không cần trả tiền mà vẫn nắm được tình hình cơ bản.

Người đưa thư biết rõ những điều đó nhưng họ chẳng có cách nào khác bởi đó là cách vận hành của ngành bưu điện thời bấy giờ.

Thầy Hill quan sát những điều này và nghĩ ra cách để đơn giản hóa hoạt động của ngành bưu điện. Năm 1837, thầy cho xuất bản một cuốn sách nhỏ có tiêu đề “Cải cách ngành bưu điện: Tầm quan trọng và sự thực tế”. Chính những ý tưởng mà thầy Hill viết ra trong cuốn sách đã có tác động mạnh mẽ tới ngành bưu điện trên toàn thế giới.

Ý tưởng của thầy Hill là đảo ngược quy trình, để người gửi thư phải trả tiền trước. Số tiền đã được người gửi thư trả cho bưu điện được quy ra những chiếc tem dán trên thư, dựa trên hai tiêu chí là khoảng cách giữa người gửi và người nhận, cùng trọng lượng của lá thư.

Ý tưởng này cho tới hôm nay vẫn còn được nhắc đến và cũng là lý do quan trọng nhất khiến tên tuổi thầy giáo Rowland Hill còn được nhắc nhớ đến tận hôm nay.

Câu chuyện ít biết đằng sau sự tồn tại của chiếc bì thư - 3

Vài năm sau, ý tưởng tem dán có mặt hồ khô phía sau đã được ngành bưu điện Anh thực hiện, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội, chỉ riêng trong năm đầu tiên tiến hành sử dụng tem trong chuyển phát bưu điện, ngành bưu điện Anh đã chứng kiến 68 triệu con tem được bán ra.

Nhanh chóng, sau đó, người ta bán thêm cả những chiếc bì thư có sẵn đường hồ khô ở mép. Sự tiện lợi đối với hoạt động chuyển phát bưu điện đã diễn ra như thế… Vậy là từ thời của thầy giáo Hill ở nước Anh hồi thập niên 1830, cho tới hôm nay, những chiếc bì thư có mép hồ khô vẫn còn hiện diện rộng khắp trong đời sống.

Trong khi những con tem dần vắng bóng vì người ta có nhiều cách để truyền đạt thông tin tiện lợi, nhanh chóng, thì những chiếc bì thư vẫn được sử dụng phổ biến trong đời sống và không có gì đổi thay sau hơn một thế kỷ tồn tại.

Tại sao thế giới đã thay đổi quá nhiều mà những chiếc bì thư có gắn mép hồ khô vẫn còn đó y nguyên không thay đổi? Câu hỏi tưởng như hài hước “không biết phải trả lời thế nào” đã được quan tâm nghiêm túc và từng được Hiệp hội Sản xuất Bì thư (EMA - Mỹ) nghiên cứu và lý giải.

Họ cho rằng những chiếc bì thư có sẵn đường hồ khô vẫn còn phổ biến là bởi mức độ tiện dụng, phù hợp sử dụng trong mọi hoàn cảnh, và đặc biệt, khi những lá thư mang tính chất công việc được các công ty gửi đi đồng loạt hàng trăm lá một lúc, thì với những chiếc máy dán thư tự động, bì thư có sẵn đường hồ khô chính là thứ tiện lợi nhất để máy có thể thao tác.

Câu chuyện ít biết đằng sau sự tồn tại của chiếc bì thư - 4

Những chiếc bì thư có gắn mép hồ khô hiện tại không còn độc chiếm thị trường nữa. Có những chiếc bì thư gắn băng keo hai mặt vừa tiện lợi, vừa lịch sự, nhưng những chiếc bì thư “cổ lai hy” kia vẫn sẽ còn tồn tại dài lâu trong đời sống.

Một cách lý giải nữa mang khuynh hướng tâm lý học về việc tại sao chúng ta vẫn thích những chiếc bì thư có mép hồ khô, là bởi nó đòi hỏi ở chúng ta một sự đụng chạm riêng tư đầy tính cá nhân với một vật vô tri vô giác, để gửi tới một đối phương nào đó.

Sự tồn tại bền lâu của chiếc bì thư có gắn keo khô trong đời sống xã hội trên khắp thế giới hẳn phải có một sự lý giải nào đó còn hơn cả sự tiện dụng.

Bích Ngọc
Theo Atlas Obscura/Tedium