Câu chuyện của người sống sót sau thảm kịch Itaewon: "Tôi không thở được"

Viên Minh

(Dân trí) - Thoát chết khỏi thảm kịch giẫm đạp Itaewon, nữ nhà văn Hàn Quốc đã viết sách để giải tỏa cảm xúc và chữa lành.

Kim Cho-long, 33 tuổi, nói với AFP rằng cô đã tham dự tiệc Halloween tại quận Itaewon (thủ đô Seoul, Hàn Quốc) trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nhiều người như thế trong dịp này năm ngoái. 

Kim, người đã viết một cuốn sách về trải nghiệm ở Itaewon với tựa đề Am I a Disaster Survivor? (tạm dịch: Tôi là người sống sót sau thảm họa?), cho biết cô hoàn toàn bị mắc kẹt trong đám đông khi bị đẩy tới đẩy lui. 

"Áp lực bắt nguồn từ phía sau, sau đó là phía trước, mạnh đến nỗi chân tôi bị nhấc lên khỏi mặt đất và tôi không thể thở", cô kể. 

Câu chuyện của người sống sót sau thảm kịch Itaewon: Tôi không thở được - 1

Một người phụ nữ đi ngang qua hẻm Itaewon nơi đặt dòng chữ tưởng niệm ngày 29/10 (Ảnh: AFP).

Đám đông chen chúc đến mức cô nhanh chóng bị cuốn đi, mắc kẹt và không thở nổi, cho đến khi được một người bạn kéo vào quán bar gần đó.

Không có cảnh sát hay các biện pháp kiểm soát đám đông chính thức nào, một cuộc điều tra chính thức sau đó chỉ ra những thất bại trong việc chuẩn bị và ứng phó thảm kịch. 

Kim cho biết sự hỗn loạn tiếp tục diễn ra trong nhiều giờ khi cô trú ẩn trong quán bar. Cô không biết chuyện gì đang xảy ra hay bản thân đã cận kề cái chết đến mức nào.

"Tôi đi ra hẻm Itaewon và thấy nhiều người nằm trên đường chờ được hô hấp nhân tạo. Xe cứu thương đỗ lộn xộn trên đường và nhiều người được đưa đi. Nhưng ngay cả khi đó, tôi cũng không nghĩ rằng họ đã chết", cô nói. 

Kim đi bộ hàng giờ đồng hồ để về nhà trong tâm trạng bàng hoàng.

"Tôi mất ngủ suốt hai ngày. Như bị ám ảnh bởi điều gì đó, tôi không thể ngừng xem tin tức trên ti vi. Tôi không ăn, không ngủ, chỉ uống nước và liên tục xem tin tức", cô nhớ lại. 

Câu chuyện của người sống sót một năm sau thảm kịch Itaewon (Nguồn: AFP).

Kim, một nhà văn, đã phải vật lộn với cảm giác tội lỗi của người sống sót. Bác sĩ tâm lý đã gợi ý cô viết sách để giải tỏa cảm xúc. 

Ban đầu, cô chia sẻ các bài viết lên các diễn đàn riêng tư trực tuyến, nhận về nhiều phản hồi tích cực, giúp nhiều gia đình nạn nhân vượt qua tổn thương của thảm kịch.

Khi bài đăng được lan truyền rộng rãi, phản ứng của công chúng hoàn toàn ngược lại. Họ xúc phạm Kim, cho rằng cô là "kẻ hư hỏng", "không nên ra ngoài tiệc tùng" vào đêm Halloween. 

Bất chấp các cuộc tấn công dữ dội trên mạng xã hội, Kim vẫn lạc quan. Trải nghiệm cận kề cái chết đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của cô về xã hội theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

"Trước đây, tôi chưa từng tưởng tượng những gia đình có tang quyến sẽ sống tiếp như thế nào. Tôi nghĩ điều đó không liên quan đến mình và cũng không phải việc của tôi.

Nhưng bây giờ tôi nhận ra điều đó có thể đã xảy ra với tôi và nỗi đau của họ có thể là của tôi một ngày nào đó. Vì vậy, tôi bắt đầu thông cảm và quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của họ", nữ nhà văn nói. 

Câu chuyện của người sống sót sau thảm kịch Itaewon: Tôi không thở được - 2

Người đàn ông đứng trước bức tường dán những tờ giấy ghi chú chứa thông điệp tưởng nhớ các nạn nhân tại Itaewon, ngày 25/10 (Ảnh: AFP).

Kim hy vọng cuốn sách Am I a Disaster Survivor? sẽ được dịch sang tiếng Anh để tiếp cận nhiều độc giả hơn, góp phần làm sáng tỏ thảm kịch Itaewon.

Cô dự định viết tiếp những gì đã xảy ra ở "con hẻm tử thần" nhằm lưu giữ ký ức của tất cả nạn nhân.

"Tôi sẽ không ngừng suy nghĩ xem mình có thể làm gì để những câu chuyện được ghi nhớ lâu dài", cô chia sẻ. 

Tối 29/10/2022, thảm kịch giẫm đạp xảy ra tại một con hẻm dốc, hẹp ở quận Itaewon. Một số người vấp ngã trên đường dốc, nhưng đám đông vẫn tiếp tục chen về phía trước, ngã chồng lên nhau, hết lớp này đến lớp khác.

Sự việc đã khiến 159 người thiệt mạng, phần lớn là thanh niên trong độ tuổi 20-30, và 196 người bị thương.

Đây là thảm họa tồi tệ nhất trong thời bình ở Hàn Quốc, kể từ sau vụ lật phà Sewol vào năm 2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng.