Câu chuyện có thật về 8 người sống trong nhà kính cách ly thế giới

(Dân trí) - Hồi thập niên 1990, một nhóm người đã dành ra hai năm để sống trong một khối cầu đóng kín có tên “Biosphere 2” để thực hiện một thử nghiệm có tính chất khoa học.

Câu chuyện có thật về 8 người sống trong nhà kính cách ly thế giới - 1

Hồi thập niên 1990, một nhóm người đã dành ra hai năm để sống trong một khối cầu đóng kín có tên “Biosphere 2” để thực hiện một thử nghiệm có tính chất khoa học.

Trong hai năm ấy, họ sống tự cấp, tự túc trong khối cầu kính để truyền thông - công chúng theo dõi từ bên ngoài. Một thử nghiệm hứa hẹn nhiều lý thú sau cùng đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với những người tham gia thử nghiệm, họ suýt chết đói, phải sống trong điều kiện thiếu oxy triền miên.

Sau khi hai năm thử nghiệm kết thúc, số người còn sống bước ra khỏi khối cầu vẫn bằng số người của ngày bước vào khối cầu, chỉ riêng điều này đã được xem là một may mắn không tưởng trước những khó khăn khủng khiếp mà nhóm thử nghiệm vốn không hình dung ra nổi ở buổi ban đầu.  

Giờ đây, bộ phim tài liệu “Spaceship Earth” (Tàu vũ trụ Trái Đất) được ra mắt để kể lại trải nghiệm của nhóm người từng tham gia thử nghiệm kỳ lạ và đáng sợ ấy.

Thử nghiệm này được tiến hành từ năm 1991 đến năm 1993. Thoạt tiên, nghe qua thử nghiệm ấy như thể một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng đây là một ý tưởng và sự việc hoàn toàn có thật, đã diễn ra trong thực tế. 8 người tình nguyện sống trong một khối cầu kính khép kín trong hai năm.

Khối cầu kính kỳ thực là một nhà kính, với mục đích tái hiện lại cuộc sống và hệ sinh thái trên Trái Đất, để nếu sau này, khi con người cần chuyển sang sống ở hành tinh khác, thì họ có thể nhìn lại thử nghiệm này để rút ra kinh nghiệm, để biết mình sẽ sống và gây dựng lại hệ sinh thái trên Trái Đất ở một hành tinh xa lạ như thế nào.

Sau cùng, nhóm người tham gia thử nghiệm đã rơi vào hoàn cảnh rất khốn khổ và toàn bộ quá trình ấy đã được truyền thông thời bấy giờ theo dõi, phản ánh.

Thử nghiệm đó về sau bị nhìn nhận là một thất bại, bởi thiếu đi sự tính toán khoa học, nếu chỉ dựa vào thử nghiệm này, thì sẽ thấy con người không nên có ý định chuyển sang sống ở hành tinh khác, bởi sẽ khó lòng trụ nổi, nhưng xét ở nhiều khía cạnh khác, thử nghiệm này còn chứa đựng nhiều điều ấn tượng đáng kể.

Câu chuyện có thật về 8 người sống trong nhà kính cách ly thế giới - 2

Truyền thông đổ tới công trình nhà kính đặt ở bang Arizona (Mỹ) có trị giá 150 triệu USD, đó là một tòa nhà hình cầu lắp rất nhiều ô kính. Trong ảnh là tổng thể công trình phức hợp xung quanh nhà kính

Ông Mark Nelson, một trong 8 người từng tham gia thử nghiệm năm xưa cho hay: “Chỉ cần số người bước ra khỏi khối cầu sau hai năm vẫn bằng số người bước vào trong đó, đây đã được xem là một thành công lớn, bởi điều kiện sống quá khắc nghiệt bên trong khối cầu.

“Dù thử nghiệm này bị xem là một thất bại xét về mặt khoa học, nhưng lại có ý nghĩa trong việc khám phá bản chất con người. Chúng tôi tham gia thử nghiệm này không phải bởi chúng tôi đã biết trước điều gì. Chúng tôi tham gia thử nghiệm để biết những điều mà chúng tôi chưa từng biết, về con người và về chính mình”.

Ý tưởng về thử nghiệm “Biosphere 2” đã bắt đầu manh nha từ hồi cuối thập niên 1960 tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ. Một người đàn ông có tên John P Allen lúc ấy ở tuổi ngoài 40 đã thành lập một nhóm biểu diễn có tên gọi “Nhà hát của những khả năng”.

Allen là một người đàn ông có học thức cao, ham thích tìm hiểu những kiến thức mới lạ, thích đi du lịch đó đây để tìm hiểu về những nền văn hóa. Khi thành lập ra nhóm biểu diễn, Allen và các cộng sự mong muốn làm nên những điều kỳ vĩ, lớn lao, nhưng họ cũng không biết nên… bắt đầu từ đâu.

Nghệ thuật? Kinh doanh? Công nghệ?... Thế rồi họ quyết định sẽ làm một điều gì đó là tổng hòa của tất cả... mọi khả năng và ý tưởng.

Đến năm 1969, nhóm của Allen chuyển tới hoạt động ở bang New Mexico, Mỹ và lập nên trang trại Synergia Ranch, nghĩa là “trang trại hiệp lực”, với niềm tin rằng cái gì làm bằng sức mạnh tập thể sẽ tốt hơn sức mạnh cá nhân.

Nói về ông John P Allen - người dẫn dắt nhóm, ông Mark Nelson chia sẻ: “Allen là một người giàu năng lượng, tôi tham gia nhóm của Allen khi mới 22 tuổi. Allen đưa lại cho chúng tôi cảm nhận tuyệt vời về thế giới thiên nhiên, về nghệ thuật biểu diễn. Kỳ thực, ông ấy là một người có sức hấp dẫn lớn với những người xung quanh.

“Chúng tôi bị ông ấy lôi cuốn, không ngừng muốn hoàn thiện những điều mà ông ấy đặt ra và háo hức với những thử thách mới mà ông ấy đề ra”.

Câu chuyện có thật về 8 người sống trong nhà kính cách ly thế giới - 3

Từ trái sang phải: Đạo diễn Matt Wolf - bà Leigh - ông Nelson - nhà sản xuất phim Stacey Reiss

Họ biến trang trại Synergia trở thành một trại ấp theo kiểu tự cấp, tự túc, tự trồng trọt, tự chăn nuôi, tự xây sửa mọi thứ, trong đó, công trình nhà kính cũng do các thành viên tự thiết kế, xây dựng nên.

Đến năm 1975, nhóm lại quyết định sẽ tự đóng một con tàu. Lúc này, người thiết kế của họ là một sinh viên 19 tuổi không có kinh nghiệm nào trong lĩnh vực đóng tàu, vậy mà con tàu vẫn đóng xong, họ lên tàu và đi qua nhiều vùng biển, lênh đênh trong vài năm, du ngoạn, quan sát và tìm hiểu về hệ sinh thái trên Trái Đất.

Sau khi đã thực hiện nhiều điều tưởng như không thể, nhóm tự tin tiến tới kế hoạch thử xây dựng một hệ sinh thái thử nghiệm với ý tưởng đặt ra rằng, nếu con người buộc phải chuyển tới hành tinh khác để sống, họ sẽ phải tìm cách đưa được những điều kiện sống tương tự như trên Trái Đất tới với hành tinh khác.

Thực tế, ở thời đại của chúng ta, khi nhìn về ý tưởng này, sẽ thấy không có gì lạ lẫm, nhưng ở thời điểm bấy giờ, đây có thể xem là một ý tưởng “giật gân”. Lúc này, Allen và các cộng sự có được một nhà tài trợ - ông Ed Bass, một tỷ phú trong lĩnh vực dầu mỏ đến từ bang Texas, Mỹ.

Dự án thử nghiệm “Biosphere 2” được lên kế hoạch thực hiện như thể một sứ mệnh không gian. Truyền thông đổ tới công trình nhà kính đặt ở bang Arizona (Mỹ) có trị giá 150 triệu USD, đó là một tòa nhà hình cầu lắp rất nhiều ô kính, bên trong có các khu vực tượng trưng cho rừng rậm, biển cả, sa mạc, khu nghiên cứu, khu tái tạo, khu chăn nuôi, khu trồng trọt...

Câu chuyện có thật về 8 người sống trong nhà kính cách ly thế giới - 4

Trong ngày khởi động dự án, trước khi để 8 nhân vật tham gia thử nghiệm bước vào khối cầu kính, người ta còn thực hiện những bài phát biểu, có bắn pháo hoa

Trong ngày khởi động dự án, trước khi để 8 nhân vật tham gia thử nghiệm bước vào khối cầu kính, người ta còn thực hiện những bài phát biểu, có bắn pháo hoa, 8 người tình nguyện tham gia thử nghiệm gồm 4 người đàn ông và 4 người phụ nữ mặc những bộ “jumpsuit” màu đỏ bước vào trong căn nhà kính đóng kín và ở nguyên trong đó 2 năm.

Sau một khởi đầu tạm ổn, những vấn đề bắt đầu phát sinh. Thức ăn là vấn đề đầu tiên: “Chúng tôi cần ăn nhiều hơn thế. Rất khó để có thể nấu được những bữa ăn ngon bởi luôn bị thiếu thực phẩm.

“Chúng tôi phân công nhiệm vụ nấu nướng theo cách quay vòng. Mỗi người đều phải sáng tạo nên những món mới từ những gì mình có được bên trong nhà kính. Đôi khi những bữa ăn quá kinh khủng. Mọi người đều nhanh chóng bị sụt nhiều cân”, bà Linda Leigh, một trong 8 người tham gia thử nghiệm khi ấy chia sẻ.

Bà Leigh được giao nhiệm vụ trồng cây và thu hoạch, nhưng hoạt động trồng trọt và thu hoạch diễn ra quá chậm so với nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, hơn thế, công việc trồng trọt cũng tốn rất nhiều công sức. Vì vậy, việc những người sống trong nhà kính chịu cảnh thiếu lương thực, thực phẩm đã diễn ra thường xuyên.

Thay vì sống “sang chảnh” trong vườn Địa đàng, những người tham gia thử nghiệm bỗng trở thành những nông dân sống cực kỳ kham khổ.

Hơn tất cả, nồng độ oxy trong nhà kính nhanh chóng sụt giảm, trong khi đó nồng độ khí carbon dioxide lại cao hơn so với điều kiện sống thông thường ở bên ngoài: “Chúng tôi không ngừng cảm thấy mệt mỏi, như thể mình đang leo lên núi cao, một số người trong nhóm bắt đầu bị rối loạn cơ thể.

“Tôi nhận ra rằng mình không thể nói một câu hoàn chỉnh mà không cần phải dừng lại vì bị hụt hơi. Chúng tôi làm mọi thứ đều chậm chạp vì mệt mỏi, thiếu đói và còn cần phải tính toán để không tổn hao năng lượng vô ích. Nếu nồng độ oxy mà còn tụt nữa, chắc đã có những vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng xảy ra với chúng tôi”, ông Nelson chia sẻ.

Câu chuyện có thật về 8 người sống trong nhà kính cách ly thế giới - 5

Ngày đó, có nhiều đoàn khách du lịch và các trường học tổ chức những buổi tham quan, tới xem những người sống bên trong nhà kính

Điều rất dễ hiểu là trong điều kiện sống như vậy, cách hành xử của mọi người sẽ nhanh chóng trở nên tệ hơn. Nếu việc cách ly vì dịch Covid-19 đã từng khiến bạn lo lắng, căng thẳng vì cuộc sống bỗng trở nên quá chật hẹp, hãy thử hình dung những con người này phải dành ra hai năm để sống cùng nhau và khi ấy, họ còn không có Internet để có thể lên mạng.

Cuộc sống của những người này còn trở thành một bối cảnh trưng bày, căn nhà kính được xem như một thử nghiệm công khai, để truyền thông - công chúng có thể đến và trực tiếp theo dõi. Ngày đó, có nhiều đoàn khách du lịch và các trường học tổ chức những buổi tham quan, tới xem những người sống bên trong nhà kính.

Hầu như ngày nào cũng có người đến ngó nghiêng và chụp ảnh những người sống bên trong, trong khi nhóm thử nghiệm đang càng lúc càng trở nên tiều tụy, gầy mòn, mệt mỏi. Nhiều nhà nghiên cứu cũng tới để quan sát và lấy tư liệu, điều này khiến những người sống trong căn nhà kính cảm thấy mình giống như “những con linh trưởng đang bị giam giữ”.

Đôi khi, các thành viên sống trong nhà kính cũng cãi lộn, nhưng không xảy ra ẩu đả, bạo lực: “Chúng tôi thường sử dụng đến thái độ lạnh lùng”, bà Leigh nhớ lại.

Giữ cho nhà kính thực sự khép kín là ưu tiên hàng đầu. Nhưng một cuộc tranh luận đã diễn ra trong thế giới bên ngoài nhà kính, bởi những điều kiện sống quá khó khăn, kham khổ của nhóm thử nghiệm đã được biết đến.

Sau cùng, quy định đã được nới lỏng để giúp cuộc sống của nhóm dễ chịu hơn, người ta đưa thêm đồ ăn và bơm oxy vào trong nhà kính, nhóm 8 người vô cùng sung sướng. “Lần được tiếp tế đó, chúng tôi cười như điên và không ngừng chạy quanh như những đứa trẻ. Trước đó, chúng tôi chỉ dám đi chậm trong suốt nhiều tháng”, ông Nelson nhớ lại.

Cuộc tranh luận về thử nghiệm này đã dấy lên trên mặt báo, nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu lên án việc thực hiện một thử nghiệm thiếu tính khoa học, nhưng lại thừa yếu tố “làm màu”, giật gân, gây sốc...

Nhưng Allen và nhóm của mình vẫn trung thành với mục tiêu mà họ đã đặt ra. Đây là một bài kiểm tra về khả năng sinh tồn của con người ở một điều kiện sống khác biệt, để xem liệu họ có thể tìm cách thích nghi được, mà không cần có sự trợ giúp từ bên ngoài hay không.

Câu chuyện có thật về 8 người sống trong nhà kính cách ly thế giới - 6

Cho tới giờ, nhiều thành viên tham gia thử nghiệm năm xưa vẫn đang tiếp tục sống cùng nhau trên trang trại Synergia Ranch

Nhận xét về bộ phim tài liệu “Spaceship Earth”, đạo diễn của phim - anh Matt Wolf chia sẻ: “Tôi nhìn về thử nghiệm này như một câu chuyện kể về tham vọng của con người, về những khả năng và giới hạn. Tôi nghĩ thử nghiệm này đã tiết lộ rằng con người chính là yếu tố khó đoán định nhất trong một hệ sinh thái khép kín”.

Cho tới giờ, nhiều thành viên tham gia thử nghiệm năm xưa vẫn đang tiếp tục sống cùng nhau trên trang trại Synergia Ranch, trong đó có ông Nelson và ông Allen, họ đều đã ở tuổi ngoài 90.

Cả ông Nelson và bà Leigh đều vui vẻ khi nhớ về trải nghiệm sống trong nhà kính năm xưa. Họ đều đã đổi thay rất nhiều từ trải nghiệm ấy: “Bên trong nhà kính, mọi thứ đều có ý nghĩa. Mọi thứ bạn làm, bạn đều nhìn thấy ảnh hưởng sau đó của nó.

“Không có những hành động vô thưởng vô phạt. Cơ thể chúng tôi bỗng nhận được thông điệp rằng: Mỗi nhịp thở của mình, những cái cây kia sẽ tiếp nhận khí thải. Đó là lá phổi của công trình, phải thật giữ gìn, chăm sóc chúng. Cứ như thế, cuộc sống của chúng tôi kết nối chặt chẽ với từng cái cây, từng món đồ tồn tại bên trong nhà kính”.

Dù những nhà nghiên cứu nhìn nhận thử nghiệm “Biosphere 2” như là một thất bại về mặt khoa học, nhưng đạo diễn Matt Wolf lại có cách nhìn khác: “Nhiều người có thể có ý kiến rất khắt khe khi thấy người khác thử nghiệm điều mới.

“Đến mức nhiều người cảm thấy ngần ngại khi muốn thử nghiệm những điều mới, vì sợ bị gặp phải sự chỉ trích, thất bại. Nếu mọi người đều sợ chỉ trích, sợ thất bại, chúng ta sẽ không bao giờ có đủ can đảm thực hiện những điều mới mẻ và tham vọng”.

Câu chuyện có thật về 8 người sống trong nhà kính cách ly thế giới

Bích Ngọc

Theo The Guardian