Bộ Văn hoá yêu cầu Hãng phim truyện Việt Nam phải trả lương cho nghệ sỹ

(Dân trí) - Chiều 20/9, đích thân Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì buổi làm việc với đại diện Cty Vận tải thủy, lãnh đạo Cty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam để tìm giải pháp làm dịu bớt căng thẳng tại đơn vị này.

Cuộc họp xoay quanh những vấn đề liên quan đến công tác cổ phần hóa trong gần 2 tháng qua, xem xét tiến trình thực hiện các cam kết của đơn vị cổ đông chiến lược, việc sắp xếp bộ máy nhân sự, chế độ chính sách đối với hơn 80 cán bộ công nhân viên chức hiện đang làm việc tại đây và những những vấn đề mà nhiều nghệ sỹ bức xúc phản ánh gần đây.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Cục Điện ảnh Việt Nam cho rằng, một trong những lý do gây nên tình hình căng thẳng vừa qua tại Cty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam là do việc điều hành chưa phù hợp. Người này đề xuất, cần phải tạo ra một không khí mở tại công ty.

Lối vào Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay. Ảnh: TL.
Lối vào Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay. Ảnh: TL.

Cần phải có những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, tất cả mọi kế hoạch khi đưa ra triển khai cần phải có sự bàn bạc và thống nhất giữa Ban Giám đốc với cán bộ công nhân viên chức trong công ty. Ngược lại, khi có ý kiến gì, các cán bộ công nhân viên cũng nên đề xuất theo đúng trình tự và thủ tục. Quan trọng hơn, nguồn vốn chỉ để sản xuất phim, không được dùng vào bất kỳ việc gì khác.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, lãnh đạo Cty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam cần phải thực hiện tốt chính sách cán bộ. Bên cạnh đó, cách điều hành và quản trị công ty sao cho khoa học, phù hợp với đặc thù của ngành nghệ thuật - nghệ sỹ. Và mấu chốt hơn cả là tổ chức sản xuất như thế nào đó để tất cả các cán bộ công nhân viên có công ăn việc làm và được nhận lương theo quy định hàng tháng.

“Trước mắt, cần phải tổ chức sản xuất phim để anh em có công ăn việc làm. Ngoài ra, cần phải công khai hóa những vấn đề mà cán bộ công nhân viên, giới nghệ sỹ và dư luận quan tâm, thắc mắc. Công khai hóa quy trình cổ phần hóa của các bộ phận tham gia”, Thứ trưởng Ái nhấn mạnh.

Thứ trưởng Ái cũng cho biết thêm rằng, mặt bằng sử dụng của Hãng phim hiện này là đất thuê của TP. Hà Nội. Theo Nghị định của Chính phủ thì đất đi thuê không được tính vào giá trị của doanh nghiệp. Với Hãng phim truyện Việt Nam, chỉ có nhà cửa trên đất đai được tính vào giá trị của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái giải thích thêm, thời gian qua dư luận cũng có đôi chút hiểu nhầm. Việc nói Bộ VHTT&DL “bán nguyên đất” cho doanh nghiệp là sai vì trước khi duyệt kế hoạch cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam phải có phương án sử dụng từng khu đất và phương án đó phải phù hợp với phương án cổ phần hóa.


Toàn cảnh cuộc họp bàn những vấn đề lùm xùm tại Hãng phim truyện Việt Nam chiều 20/9. Ảnh: Tùng Long.

Toàn cảnh cuộc họp bàn những vấn đề lùm xùm tại Hãng phim truyện Việt Nam chiều 20/9. Ảnh: Tùng Long.

Sau đó phương án sẽ được trình lên Bộ VHTT&DL, Bộ thẩm định, rồi chuyển qua UBND TP. Hà Nội để họ xem xét cho thuê đất phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chỉ đạo rằng, Cty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam phải công khai việc sửa chữa, nâng cấp trụ sở số 4 Thụy Khuê để phục vụ mục đích làm phim, tuyệt đối không cho thuê làm bất cứ việc gì khác và phải thông báo cụ thể cho các nghệ sĩ. Phải rút kinh nghiệm trong khâu quản lý – điều hành và xây dựng theo hướng vừa ổn định, vừa phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, trước mắt, Ban lãnh đạo công ty cần phải giải quyết những vấn đề mà các nghệ sĩ bức xúc và dư luận quan tâm. Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo cổ phần hóa bám sát những diễn biến tại công ty, đề nghị những người đại diện cho phần vốn nhà nước trong công ty luôn kiểm soát và có báo cáo cụ thể với Bộ nếu có những phát sinh ảnh hưởng đến phần vốn nhà nước tại đây.

Đại diện đơn vị cổ đông chiến lược, ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Vận tải thủy cam kết sẽ làm tốt những việc trước đó đã cam kết với Bộ VHTT&DL, đảm bảo đời sống của nghệ sĩ tốt hơn trước khi cổ phần hoá, không để nhà nước gánh nợ cũng như bù lỗ cho hoạt động của công ty.

Vị này thừa nhận, thời gian vừa qua, Ban lãnh đạo công ty đã không làm tốt công tác quản lý, điều hành. Việc này sẽ được rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục, hạn chế tối đa việc tạo thêm những hiểu lầm không đáng có tại công ty.

Hà Tùng Long