Bình Định: Nhà thơ Yến Lan - một nhân cách, một sự nghiệp thi ca

(Dân trí) - Nhà thơ Yến Lan cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Quách Tấn hợp thành “Bàn thành tứ hữu” nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam lúc đó. Ông để lại nhiều tác phẩm thơ có giá trị nghệ thuật cao.

Giới văn nghệ sĩ trong ngoài tỉnh tới dâng hoa, hương nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan (2/3/1916 - 2/3/2016)
Giới văn nghệ sĩ trong ngoài tỉnh tới dâng hoa, hương nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan (2/3/1916 - 2/3/2016)

Ngày 2/3, tại Nhà tưởng niệm nhà thơ Yến Lan (số 57 Quang Trung, thị xã An Nhơn, Bình Định), đông đảo giới văn nghệ sĩ trong ngoài tỉnh, học sinh, sinh viên và những người yêu thơ đã thắp lên nén nhang tưởng nhớ 100 năm ngày sinh của nhà thơ Yến Lan (2/3/1916-2/3/2016).

Đặc biệt, dịp này UBND thị xã An Nhơn phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định tổ chức tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp thi ca của nhà thơ Yến Lan với chủ đề: “Yến Lan - một nhân cách, một sự nghiệp thi ca” lần đầu tiên được tổ chức tại thị xã An Nhơn với 18 tham luận của giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, nhà thơ tham gia. Ở mỗi tham luận thể hiện những nét riêng, có tham luận chuyên sâu từng mảng, có tham luận là hồi ức, kỷ niệm với nhà thơ, những đúc kết, nhìn nhận tổng thể về con người và sự nghiệp của thi ca Yến Lan.

Sau cách mạng Tháng Tám thành công, nhà thơ Yến Lan (tên thật là Lâm Thanh Lang, quê ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn, Bình Định) là Ủy viên văn hóa Cứu quốc Bình Định, rồi Ủy viên văn hóa kháng chiến Nam Trung bộ, Trưởng Đoàn kịch “Kháng chiến”... Đến sau năm 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, làm việc tại Nhà xuất bản Văn học. Sau năm 1975, ông trở về quê nhà công tác tại Hội VHNT tỉnh Bình Định cho đến ngày mất (5/10/1998).

Lần đầu tiên tại thị xã An Nhơn (Bình Định) tổ chức tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp thi ca của nhà thơ Yên Lan với chủ đề: “Yến Lan - một nhân cách, một sự nghiệp thi ca”
Lần đầu tiên tại thị xã An Nhơn (Bình Định) tổ chức tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp thi ca của nhà thơ Yên Lan với chủ đề: “Yến Lan - một nhân cách, một sự nghiệp thi ca”

Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, từ những năm 30 thế kỷ trước, khi bắt đầu và phát triển phong trào thơ mới ở Bình Định đã hình thành nhóm “Thái dương Văn đoàn” tập hợp nhiều cây bút như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Khai (Yến Lan), Nguyễn Lam Vũ, Phú Sơn… Sau này, Thái dương Văn đoàn hình thành nên nhóm thơ Bình Định, còn là “Bàn thành tứ hữu”, gồm 4 nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan. Những người yêu văn chương Bình Định còn dùng tên bộ Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng đặt cho Tứ hữu.

“Đã bảy, tám mươi năm, trải qua nhiều đổi thay và phát triển về thơ, sáng tác và cảm thụ thơ đã khác. Thế nhưng, đọc lại thơ “Bình Định 1935, Bến My Lăng…, những bài thơ tứ tuyệt của nhà thơ Yến Lan chúng ta vẫn sửl;ng sốt trước các vẻ đẹp thơ ấy. Đặc biệt, bài thơ “Bến My Lăng” không chỉ hiện diện như một trong những bài thơ hay nhất thế kỷ XX của thi ca Việt Nam mà còn được khẳng định trong lòng bạn đọc như một bến thơ huyền thoại”, ông Nguyễn An Pha chia sẻ.

Nhà văn Lê Hoài Lương, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Văn học Bình Định thì ví nhà thơ Yến Lan như không gian thơ Bình Định. Trong nhóm “Bàn thành tứ hữu” nếu Quách Tấn như một đại biểu cuối cùng của thơ Đường, đẹp đến cổ điển. Chế Lan Viên năm mười bảy tuổi đã trình làng tập thơ “Điêu tàn” như một niềm kinh dị. Hàn Mặc Tử độc đáo kỳ lạ giữa lộng lẫy trần thế với đau thương, giữa con người và vũ trụ siêu hình. Yến Lan là nỗi buồn kỳ ảo với những vần thơ trác tuyệt về một bến My Lăng huyền hoặc: Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi ông lái đò chẳng buông câu/ Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu/… ; về một Bình Định “rượu ân tình - hoa tư tưởng - xứ lên men”.

Sông Côn nơi nhà thơ Yên Lan với bài thơ để đời Bến My Lăng
Sông Côn nơi nhà thơ Yên Lan với bài thơ để đời Bến My Lăng

Tại buổi tọa đàm, đại diện gia đình và những người kính trọng tài năng của nhà thơ Yến Lan cũng đưa ra một số vấn đề cần quan tâm trong việc đánh giá vai trò, đóng góp của ông với nền văn hóa Bình Định và nền văn học Việt Nam để tôn vinh xứng tầm với nhà thơ.

Ngoài ra, cần xem xét việc đặt tên đường Yến Lan tại TP Quy Nhơn. Đồng thời đổi vị trí đặt tên con đường mang tên ông tại thị xã An Nhơn (hiện nay là con đường nhỏ, ít người biết đến) để góp phần tôn vinh xứng tầm đối với một thi sĩ tài hoa. Về lâu dài, các cấp chính quyền cũng cần tạo điều kiện, quy hoạch, bố trí địa điểm để xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Yến Lan và Nhóm tứ hữu Bàn Thành gắn với “Bến My Lăng” (ở khu vực ven sông Côn) để gìn giữ và phát huy những di sản, giá trị đặc sắc của văn hóa qua thi ca Bình Định...

Bình Định: Nhà thơ Yến Lan - một nhân cách, một sự nghiệp thi ca - 4
Bình Định: Nhà thơ Yến Lan - một nhân cách, một sự nghiệp thi ca - 5
Đông đảo giới văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên tới thắp hương tưởng nhớ nhà thơ Yến Lan
Đông đảo giới văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên tới thắp hương tưởng nhớ nhà thơ Yến Lan
Chân dung nhà thơ Yến Lan khi còn sống viết thơ
Chân dung nhà thơ Yến Lan khi còn sống viết thơ
Bài thơ Bến My Lăng của nhà thơ Yến Lan nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ cả nước
Bài thơ Bến My Lăng của nhà thơ Yến Lan nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ cả nước

Doãn Công