LHP Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 7:

Bí mật dữ dội đằng sau một lời nói dối

(Dân trí) - Bộ phim là một câu chuyện có thật dù rất khó tin về bí mật đằng sau một lời nói dối của "đứa con ngoan"...

Bí mật dữ dội đằng sau một lời nói dối


Bộ phim tài liệu của Israel - “The Good Son” (Đứa con ngoan - 2014) - kể về câu chuyện của một thanh niên 22 tuổi có tên Or Bar sống ở thành phố Tel Aviv. Or đã bí mật tiết kiệm tiền để thực hiện cuộc phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan - điều mà cậu vẫn hằng mong ước bấy lâu.

Cha mẹ của Or là những con người truyền thống, vì vậy, Or đã phải nói dối cha mẹ về lý do thực sự khiến cậu phải xuất ngoại, Or âm thầm và đơn độc thực hiện mơ ước được sống với giới tính thật của mình mà không có bất cứ sự ủng hộ nào từ phía gia đình.

Trở về nhà sau khi tất cả mọi sự “đã rồi”, Or trở thành một người phụ nữ. Chính từ đây, Or phải đối diện với gia đình, với một cuộc sống mới hoàn toàn đổi khác và cái giá mà cô sẽ phải trả để được sống thật là mình.

Trong một thế giới mà những câu chuyện xoay quanh cộng đồng LGBT (đồng tính - song tính - chuyển giới) đang được bàn luận nhiều hơn bao giờ hết, bộ phim “Đứa con ngoan” được coi là một nét chấm phá, đưa lại một câu chuyện hấp dẫn, xúc động và chân thực.

Bộ phim tài liệu đầy sức mạnh của nữ đạo diễn trẻ Shirly Berkovitz đã đi vào một khía cạnh rất nhân văn đối với cộng đồng LGBT, đó là làm thế nào để bạn có thể sống thoải mái khi là chính mình. Đối với Or, những ngày tháng sống trong cơ thể của một cậu con trai chưa bao giờ khiến cậu thấy thoải mái, vì vậy, Or cũng cảm thấy không thoải mái với tất cả những gì xung quanh.

Or nhận được tấm ngân phiếu của cha mẹ để cậu chuẩn bị đi du học

Or nhận được tấm ngân phiếu của cha mẹ để cậu chuẩn bị đi "du học"

Quyết định chuyển giới là một lựa chọn quyết liệt và dữ dội, là bước đi đầu tiên của Or với mong muốn sửa chữa tất cả những gì khập khiễng, bắt đầu từ chính bản thân cậu, để rồi sau đó thay đổi cả cuộc đời, để biết cuộc sống sẽ ra sao khi Or được trở thành con người mà mình vẫn hằng ao ước.

Bộ phim được mở đầu với những lời nhắn gửi của nữ đạo diễn Shirly Berkovitz rằng cô đã nhận được 40 cuộn băng video do chính Or tự thực hiện, trong đó, Or nói về tầm quan trọng của việc cậu cần thay đổi để cuộc sống trở nên đáng sống.

Chính Or đã tự đặt những cuộn băng hình này trước cửa nhà nữ đạo diễn. Phần đầu của bộ phim tài liệu chính là những thước phim do Or tự thực hiện, chính cậu đã vạch ra mạch phim cho “Đứa con ngoan”.

Nữ đạo diễn Shirly Berkovitz

Nữ đạo diễn Shirly Berkovitz

Để thực hiện bộ phim, bản thân nữ đạo diễn Berkovitz cũng đã phải bán xe ô tô: “Tôi thấy cần phải kể lại câu chuyện của Or. Thoạt tiên, tôi không quyết liệt như Or, tôi đã cố thuyết phục cậu thay đổi ý định bởi tôi thấy thương cha mẹ cậu; rồi khi Or khăng khăng thực hiện, tôi lại khuyên cậu hãy nói thật với cha mẹ, nhưng cũng không ăn thua; vì vậy, tôi chỉ còn cách làm theo kế hoạch của Or”.

Trong suốt cuộc hành trình, Or và Shirly đã dành nhiều thời gian cho nhau, Shirly không chỉ ghi hình, cô đã thực sự trở thành người bạn của Or. Sau tất cả, Shirly chỉ có thể nói rằng: “Or đã làm điều đúng đắn, cô ấy là một phụ nữ trẻ dũng cảm”.

Trước cuộc phẫu thuật, Or là người không có bạn bè, cậu luôn lạc lõng, một mình một góc, nhưng có một điều mà Or chắc chắn, đó là nếu cậu thay đổi giới tính của mình và trở thành phụ nữ, cậu sẽ có thể thực sự sống cuộc đời của mình.

Điều thú vị ở “Đứa con ngoan” đó là tính thực tế của phim. Or đã lên kế hoạch bay tới Bangkok, cậu tìm kiếm sẵn những thông tin cần thiết như bác sĩ, bệnh viện, quy trình phẫu thuật, thời gian hồi phục… Nhưng trước hết, cậu phải có tiền, cậu đã “trường kỳ” lấy trộm tiền từ ví của mẹ.

Or đã làm giả lá thư mời nhập học của trường Đại học Oxford danh tiếng, khiến cha mẹ cậu vỡ òa trong hạnh phúc. Họ không hề biết rằng tất cả những gì đang diễn ra đều được cậu con trai dàn dựng và ghi lại bằng một chiếc máy quay bí mật. Cậu nhận được vô số những lời chúc mừng và cả số tiền 12.000 đô la (hơn 260 triệu đồng) cha mẹ đưa cho để đi “du học”.

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Trong khi người xem hiểu tất cả chỉ là dối trá, thì cha mẹ Or không hề hay biết, những lời nói lúc chia tay để Or lên đường đi “du học” khiến người xem thực sự cảm thấy lo cho những gì mà Or sẽ phải đối diện trong ngày trở về. Bản thân Or cũng luôn cảm thấy đau khổ, dằn vặt và tội lỗi, nhưng khát vọng được sống thật là mình lấn át mọi cảm xúc khác.

Những đoạn video do Or thực hiện đã được cắt nối một cách tài tình dưới bàn tay của nữ đạo diễn Berkovitz. Bắt đầu từ khi Or bay tới Bangkok cùng Berkovitz, phim bắt đầu được kể dưới góc quay của Berkovitz.

Ngay khi họ tới Bangkok, người xem được theo chân hai người tới bệnh viện, nơi cuộc đối thoại với bác sĩ diễn ra rất ngắn gọn nhưng kết quả của nó sẽ vĩnh viễn thay đổi cuộc đời và số phận một con người.

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Từ đây, nữ đạo diễn Berkovitz ghi lại hành trình chuyển giới của Or, đặc biệt là quá trình hồi phục khi Or thức dậy trong bệnh viện với khuôn mặt băng kín. Thay vì đi sâu khai thác những đau đớn, vật vã về thể chất và tinh thần, bộ phim đã chuyển thẳng tới ngày Or bình phục và có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.

Nếu trước khi thực hiện cuộc phẫu thuật, bộ phim đi sâu vào khai thác khía cạnh tâm lý của Or, những đau khổ, dằn vặt, những hy vọng, chờ đợi…; thì sau khi cuộc phẫu thuật đã diễn ra, bộ phim chủ yếu khai thác những thay đổi về thể chất và cách mà những thay đổi này ảnh hưởng ngược lại thế giới của Or và những người xung quanh… cô.

Cảnh trong phim


Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Sau đó, Or được chuyển tới một khu hồi sức cùng với những người có hoàn cảnh giống như mình, tại đây, người xem được chứng kiến những tình cảm ấm áp mà những con người xa lạ đến từ khắp nơi trên thế giới dành cho nhau, đơn giản bởi họ hiểu họ gặp nhau ở đây vì cùng một lý do - muốn được sống thật là mình.

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Những thay đổi thực sự đến khi Or tìm tới một salon làm tóc và trang điểm. Lần đầu tiên, sự nữ tính trong Or thực sự được bộc lộ, từng chút từng chút một. Khi quá trình “nữ tính hóa” diễn ra tới đâu, Or tự tin hơn tới đó.

Niềm vui không kéo dài lâu. Khi đã thỏa ước mong trở thành một phụ nữ thực thụ, Or phải trở về Israel và phải đối diện với cha mẹ mình cùng cú sốc của họ… Đây chính là phần mấu chốt kịch tính nhất của phim, khiến người xem hồi hộp chờ đợi - một cái kết vỡ òa, cảm động.

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

“Đứa con ngoan” là một bộ phim giàu tính nhân văn, đưa ra những câu hỏi về bản ngã, nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ bản thân, ý chí nghị lực, và giá trị gia đình. Phim chứa đựng sức mạnh tinh thần của Or, cho thấy một lát cắt - có đau đớn, tuyệt vọng nhưng cũng có hy vọng, niềm tin - của cộng đồng LGBT.

“Một đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh” - Trích lời đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng thế giới đến từ đất nước Chile - Patricio Guzmán (73 tuổi).





Bích Ngọc
Tổng hợp