Bất ngờ về nguyên mẫu có thật của Điệp viên 007

(Dân trí) - Hình mẫu có thật của Điệp viên 007 là một nhân viên tình báo từng hoạt động trong Thế chiến II, người đã từng đối đầu với những kẻ thù nguy hiểm nhất và quyến rũ nữ giới bằng sự hào hoa.

Bất ngờ về nguyên mẫu có thật của Điệp viên 007 - 1

Trung tá tình báo không quân Forest Yeo-Thomas.

Chính nhân vật có thật này đã truyền cảm hứng cho nhà văn người Anh Ian Fleming (1908 - 1964) sáng tạo nên nhân vật điệp viên James Bond huyền thoại cả trong văn học và điện ảnh. Danh tính của nhân vật nguyên mẫu ban đầu là một điều bí mật trong suốt hàng thập kỷ, bởi tác giả Ian Fleming muốn hình ảnh James Bond chứa đựng nhiều điều bí ẩn đối với người xem.

Nhưng sau nhiều năm tìm hiểu thông tin, giới chuyên môn tại Anh đã có lời giải đáp. Nguyên mẫu của nhân vật điệp viên James Bond là một trong những điệp viên tình báo giỏi nhất của Anh trong Thế chiến II: trung tá không quân Forest Yeo-Thomas, tên thường gọi là Tommy, biệt danh "Thỏ Trắng". Đây chính là người đã truyền cảm hứng để nhà văn Fleming tạo nên nhân vật Điệp viên 007.

Những điểm tương đồng trong công việc điệp viên

Theo nghiên cứu về tiểu sử của ông Forest Yeo-Thomas (1902 - 1964), ông Yeo-Thomas cũng được miêu tả là một điệp viên điềm tĩnh, lạnh lùng khi đương đầu với các kẻ thù, nhưng khi đứng trước nữ giới, Yeo-Thomas lại là người rất biết cách... chinh phục phái Đẹp bằng sự hào hoa, lịch lãm.

Nhà nghiên cứu lịch sử người Anh - bà Sophie Jackson đã tìm ra mối liên hệ giữa điệp viên Forest Yeo-Thomas và nhân vật James Bond hồi năm 2012, khi bà tìm ra những tài liệu được lưu trữ tại Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố Quốc gia Anh.

Bà Sophie Jackson đã nghiên cứu kỹ lưỡng về công việc và cuộc đời của điệp viên Yeo-Thomas, bà từng cho ra mắt cuốn tiểu sử viết về ông có tên "Churchill's White Rabbit: The True Story of a Real-Life James Bond".

Trong bộ hồ sơ lưu trữ về điệp viên tình báo Yeo-Thomas có cả một mẩu tin thông báo được viết từ tháng 5/1945 bởi chính nhà văn Ian Fleming, trong đó, ông Fleming thông báo cho các cộng sự của ông Yeo-Thomas rằng ông này đã tẩu thoát thành công sau khi bị quân đội Đức Quốc xã bắt giữ trong lần nhảy dù thứ tư xuống nước Pháp để thu thập thông tin.

Bất ngờ về nguyên mẫu có thật của Điệp viên 007 - 2

Bức hình được chụp năm 1946 khi điệp viên Forest Yeo-Thomas đang ở tuổi 44. Ông Yeo-Thomas được biết tới là một điệp viên tài ba và cũng rất hấp dẫn đối với nữ giới.

Thực tế, nhà văn Ian Fleming cũng từng là một điệp viên tình báo của lực lượng hải quân Anh. Chính những trải nghiệm trong công việc điệp viên đã truyền cảm hứng để ông Ian Fleming sáng tạo nên nhân vật điệp viên James Bond trong sự nghiệp văn chương của mình.

Ông Forest Yeo-Thomas là trung tá tình báo không quân còn ông Ian Fleming là nhân viên tình báo hải quân, họ thuộc những đơn vị khác nhau nhưng lần đầu tiên mối liên hệ giữa họ đã được chứng thực.

Mẩu tin báo mà ông Ian Fleming từng viết về cuộc đào thoát thành công của ông Yeo-Thomas được xem là bằng chứng hiếm hoi xác nhận mối liên hệ giữa hai người, rằng họ thực sự có biết về nhau.

Bà Sophie Jackson nhận định: "Có những sự tương đồng rõ rệt giữa điệp viên Yeo-Thomas và nhân vật James Bond, từ chuyện đời tư, những mối quan hệ với phụ nữ, cách tiếp xúc và thái độ đối với phụ nữ, cho tới phong cách hoạt động của ông Yeo-Thomas trong vai trò điệp viên. Những miêu tả về phong cách hoạt động của ông Yeo-Thomas khiến người ta ngay lập tức liên tưởng tới điệp viên James Bond".

Thực tế, trước đây, các nhà nghiên cứu tại Anh đã đưa ra rất nhiều nhân vật điệp viên có thể xem là nguyên mẫu truyền cảm hứng cho nhà văn Ian Fleming, hay thậm chí người ta còn cho rằng ông Ian Fleming đã lấy cảm hứng từ chính mình để sáng tạo nên Điệp viên 007, nhưng những thông tin mà bà Sophie Jackson thu thập được trong quá trình thực hiện cuốn tiểu sử cho tới giờ vẫn được xem là thuyết phục và có căn cứ hơn cả.

Bà Sophie Jackson cũng ghi nhận một số thông tin cho thấy sự tương đồng giữa những trải nghiệm của điệp viên Yeo-Thomas và nhân vật điệp viên James Bond, chẳng hạn một số đòn tra tấn mà điệp viên Yeo-Thomas từng phải trải qua đã được nhà văn miêu tả lại trong cuốn "Casino Royale" (1953).

Hay việc điệp viên Yeo-Thomas từng bình tĩnh ngồi uống trà trên cùng một chuyến tàu hỏa với kẻ thù, che giấu thành công thân phận thật của mình và thoát khỏi tình thế nguy nan, một tình huống tương tự cũng được tác giả Fleming khắc họa trong cuốn "From Russia, With Love" (1957).

Bất ngờ về nguyên mẫu có thật của Điệp viên 007 - 3

Nam diễn viên Daniel Craig vào vai điệp viên James Bond.

Những cách mà điệp viên Yeo-Thomas thường sử dụng để thoát khỏi việc bị phát hiện trong quá trình hoạt động cũng xuất hiện trong các cuốn "Diamonds Are Forever" (1956) và "On Her Majesty's Secret Service" (1963).

Những cách tẩu thoát nhanh chóng mà điệp viên Yeo-Thomas từng sử dụng như trốn trong... cỗ xe tang, nhảy khỏi tàu hỏa, cải trang... cũng được điệp viên James Bond sử dụng.

Yeo-Thomas cũng rất giỏi chiến đấu trực diện với khả năng võ nghệ không xoàng. Nhân vật điệp viên James Bond cũng có khả năng đấu tay đôi đầy ấn tượng.

Những điểm tương đồng trong... các mối quan hệ với nữ giới

Điều thú vị nhất trong đời tư của ông Yeo-Thomas, đó là ông rất hấp dẫn và quyến rũ trong mắt phụ nữ, luôn được phụ nữ yêu thích và quan tâm. Những mối quan hệ trong đời tư của Yeo-Thomas chủ yếu là... với phụ nữ.

Yeo-Thomas là một người đàn ông luôn rất biết cách tạo ấn tượng ngay từ ngoại hình, ông chú trọng việc giữ cho mình vẻ bảnh bao. Ông từng làm việc trong một nhà mốt thời trang tại Pháp trước khi trở thành điệp viên của lực lượng không quân Anh, và ngay từ thuở ấy, ông đã là người biết lấy lòng các quý bà, quý cô và có một đời sống tình trường phong phú.

Ông Yeo-Thomas gắn bó dài lâu nhất với người phụ nữ có tên Barbara nhưng họ không chính thức kết hôn, ông quen bà Barbara trong thời kỳ xảy ra Thế chiến II. Trước đó, ông Yeo-Thomas đã từng kết hôn với người phụ nữ có tên Lillian, nhưng hai người sớm ly thân và không liên lạc trong suốt nhiều năm tháng, dù vậy, họ không chính thức ly hôn.

Bất ngờ về nguyên mẫu có thật của Điệp viên 007 - 4

Nhà văn người Anh Ian Fleming (1908 - 1964) cũng từng là điệp viên tình báo.

Những thông tin lưu trữ về cuộc sống của điệp viên Forest Yeo-Thomas về sau này, khi đã không còn làm công việc điệp viên nữa, cho thấy rằng ông cũng phải chấp nhận những hệ lụy từ công việc trước đây của mình.

Những năm tháng sau khi thôi công việc điệp viên, ông Yeo-Thomas đã gặp phải những vấn đề tâm lý, ông thường bị mất ngủ, thường gặp ác mộng trong giấc ngủ, sức khỏe không ổn định. Ông Yeo-Thomas qua đời năm 1964 ở tuổi 62 tại Paris, Pháp.

Trong các cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ian Fleming, nhân vật điệp viên James Bond cũng được miêu tả là có những mảng tối trong nội tâm, cũng gặp phải những vấn đề tâm lý. Khi chuyển thể tác phẩm lên màn ảnh, điệp viên James Bond được khắc họa theo hướng tươi sáng, nhẹ nhàng hơn.

Trailer phim "No Time To Die" (2021)

Billie Eilish thể hiện ca khúc nhạc phim "No Time To Die"