Báo chí vẫn có thể gợi cảm!

(Dân trí)- Đọc ký báo chí của Trương Đức Minh Tứ, tôi thấy văn anh hấp dẫn không chỉ nhờ giàu thực tế trước mắt và dĩ vãng chưa xa. Tác giả có kiến văn không riêng về quê hương, anh còn biết nhiều chuyện khác rộng hơn, chứng tỏ anh là người chịu đọc, chịu học...

Tập bút ký, phóng sự Dòng sông ký ức của Trương Đức Minh Tứ (Nxb Văn học, 2012) là một tập ký có nhiều bài hay hay, gợi lên trong tôi nhiều đồng cảm. Minh Tứ không chỉ viết về Quảng Trị quê anh mà còn nhiều vùng đất: Đồng bằng sông Cửu Long với Cần Thơ, An Giang…, Đông Bắc với Hạ Long, Cát Bà…, Đồng Lộc “ngã ba huyền thoại”, Tây Nguyên nơi chính anh “từng thắt ruột mà về”, Trường Sa “đất Việt giữa trùng dương”…, tuy nhiên tôi tâm đắc nhất là những bài Minh Tứ viết về Quảng Trị, mảnh đất nghèo thiếu với những con người đầy cá tính, cực kỳ anh dũng trong chiến tranh.

“Trên đời ai cũng có một dòng sông”, với Minh Tứ trước hết là con sông Hiếu nơi tưới mát vùng đất anh chào đời, con sông ở thượng nguồn thuở thanh bình có Chợ Phiên Cam Lộ một tháng mấy phiên mở bên quốc lộ 9, điểm giao thương miền núi vùng xuôi của cả tỉnh, con sông ở hạ lưu thời chống Mỹ từng diễn ra trận được các nhà viết sử gọi là “Bạch Đằng Giang trên sông Hiếu”. Sông Hiếu cũng là dòng sông quê nhà thơ Chế Lan Viên - những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ/ những đồi sim không đủ quả nuôi người. Và đương nhiên, như không thể nào khác, Minh Tứ còn có con sông “Bến Hải ngày ấy bây giờ”, có dòng Thạch Hãn “Cõi thiêng Thành cổ”, có sông Ô Lâu khởi nguồn trên đất Thừa Thiên, tắm mát “một vùng văn vật”: bên này sông là huyện Hải Lăng, Quảng Trị, bên kia vào địa phận huyện Phong Điền, Thừa Thiên, xưa cùng thuộc một Phủ Triệu Phong. Bên này ra đời vị đại khoa đầu tiên của Đàng Trong, tiến sĩ Bùi Dục Tài (1477-1518), bên kia là quê hương các danh nhân Nguyễn Tri Phương (1800-1973), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)…

Anh không chỉ trở lại thăm những nơi từng xảy ra những cuộc chiến đấu oai hùng, như núi Hồ Khê nơi bất cứ người dân nào đào móng xây nhà cũng gặp hài cốt liệt si, nay là “những rừng thông mới trồng, những đường cày vỡ vạc các trang trại kinh tế”. Anh thăm Khe Sanh chiến trường lần đầu xuất kích những chiếc xe tăng Việt cộng làm quân Mỹ ngỡ ngàng trong hoản loạn, nay có “Bảo tàng chiến tranh - khát vọng hòa bình”. Anh về xã Cam Tuyền chia sẻ nổi đau có thể coi là truyền kiếp do chất độc màu da cam của Mỹ. Anh viếng “Làng Bích La”, ngưỡng vọng những con người xuất chúng xưa và nay. Bích La một làng quê bên sông Thạch Hãn cách Thành cổ chỉ một thôi đường, mà riêng tộc Lê Văn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thời trước đã có ít nhất năm vị đại khoa cùng bao võ tướng từng hưởng ứng hịch Cần vương của vua Hàm Nghi đứng lên cứu nước, như cụ Chánh Vệ úy Lê Văn Thống (ông nội) và cụ Đề đốc Lê Văn Tặng (bác ruột của cố Tổng Bí thư), hai vị đã cùng bạn ở làng bên đem quân đánh thành Quảng Trị. Bích La thời nay càng có nhiều tiến sĩ hơn xưa. Bích La cũng là nơi ra đời họa sĩ Lê Bá Đảng, một người từng bị phát xít Đức bắt làm tù binh, nay là danh họa của châu Âu đương đại.

Trương Đức Minh Tứ không chỉ hoài niệm chiến tranh, anh còn viết và viết nhiều hơn về hiện tại: “Đông Hà, đường lên đã mở”, “Đường 9 thời hội nhập”, “Trầm tích Gio Linh”… Anh về huyện Gio Linh của những du kích thời chống Pháp, nơi đây một số chiến sĩ bị địch bắt chém đầu bêu ở chợ để hù dân làng. Bà mẹ hay tin, “Nghẹn ngào không nói một câu/ Mang khăn gói đi lấy đầu” con về mai táng (Nhạc Phạm Duy). Gio Linh hôm nay “hối hả tiến về phía trước” nhưng người dân vẫn còn nhắc nhớ những tấm gương chiến đấu kiên cường… Bất kỳ đến vùng đất nào trong hay ngoài tỉnh, anh đều anh quan tâm trước hết con người và gắn kết quá khứ vào hiện tại đang náo nức nhìn về tương lai.
 
Báo chí vẫn có thể gợi cảm!

Minh Tứ và tôi thuộc hai thế hệ khá xa nhau nhưng cùng sẻ chia tình cảm đối với quê hương chung, cùng cảm nhận chất khảng khái người dân Quảng Trị. Điều này anh ít viết ra nhưng đọc anh tôi tin anh cũng như tôi đều biết, chẳng hạn chi tiết vị đại khoa đầu tiên, tiến sĩ Bùi Dục Tài kiến văn uyên bác từng làm đến Tham tướng, chỉ vì cái tính bộc trực mà bị bọn gian thần sát hại. Tôi dù đi đâu về đâu lòng vẫn đau đáu quê hương, đọc Minh Tứ tôi cảm nhận anh viết về Quảng Trị hay hơn, sâu sắc hơn, xúc động hơn mình nhiều. Bởi tôi viết về quê hương chủ yếu qua hoài niệm, thực tại nông choèn dựa trên các đợt viếng thăm ngắn ngủi cùng nguồn thông tin gián tiếp là chính, trong khi văn Minh Tứ ngồn ngộn thực tại hôm nay và dĩ vãng chưa xa. Từng có bao nhiêu nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp cũng như không chuyên hơn nửa thế kỷ qua đã viết về đôi bờ Hiền Lương, nhưng có lẽ không nhiều lắm những tác giả viết sâu sắc hơn, thiết thực hơn, sát nhiệm vụ chính trị địa phương hơn nhà báo Trương Đức Minh Tứ của tỉnh Quảng Trị. Một số bài Minh Tứ viết về những vùng đất khác, vẫn xuôi chèo mát mái đấy song không thấm thía bằng những bài anh viết về quê hương, phải chăng là trường hợp tương đồng?

Hiện tại, dưới cái nhìn nghề nghiệp của những người làm báo chúng tôi, là tính thời sự. Hiện tại nơi Minh Tứ đặt trên cơ sở kế thừa dĩ vãng như không phải như là chuyện đương nhiên theo dòng chảy thời gian, anh “ngoảnh lại quá khứ mà vui cho hiện tại”, anh nhìn thấy “lịch sử đồng hành cùng tương lai”. Có lẽ do vị thế của anh tại tỉnh nhà, suy nghĩ về công việc hôm nay của quê hương, Minh Tứ kín đáo: “…Phải xây dựng làm sao cho ai đến đây cũng cảm nhận dược thông điệp rằng dòng sông này, mảnh đất này không chỉ từng là vết chém, là nỗi đau chia cắt mà còn là dòng sông của đoàn tụ, là nơi chứng minh cho một điều hiển nhiên rằng nơi đây không chỉ biết cầm súng đánh giặc giỏi mà còn năng động sáng tạo trong làm ăn, biết đi lên từ một quá khứ bi hùng. Có như thế thì người Việt Nam mỗi lần hành hương về bên dòng Bến Hải không chỉ ngậm ngùi với những giọt nước mắt khổ đau mà còn có cả những giọt nước mắt hạnh phúc, cho dù năm, dù tháng, dù bao nhiêu nước đã chảy qua cầu” (Bây giờ, đôi bờ Bến Hải).

Có người cho rằng báo chí lúc nào cũng khô khan, chỉ có văn chương mới là gợi cảm. Bởi thông tin báo chí, tức là thông tin về thực tại, lúc nào cũng bị ràng buộc trong khuôn khổ cập nhật và qua cái nhìn lý trí, trong khi trí tưởng tượng và sự hư cấu của người làm văn học là vô biên. Tôi cứ băn khoăn, e không hẳn vậy. Báo chí khô khan, báo chí lấy cái thực tại làm đầu, vâng, nhưng báo chí vẫn có thể gợi cảm lắm nếu ta biết cách làm. Tiền nhân Tây cũng như Đông biết bao vị, nổi bật trong các ngài là lãnh tụ cách mạng và cũng là nhà báo V. I. Lênin, từng quả quyết, hoạt động báo chí (cũng như khoa học) phải biết dựa vào trí tưởng tượng, “ngay cả việc phát minh ra tính vi phân và tính tích phân cũng không thể có được nếu không có trí tưởng tượng” (lời Lê nin). Có điều tưởng tượng trong báo chí khác với tưởng tượng trong văn học. Tưởng tượng trong báo chí, theo tôi hiểu, không phải là bịa đặt, thêm thắt, lấy không làm có; trí tưởng tượng nơi nhà báo sở dĩ có và thể hiện được ra các dòng chữ là nhờ cái nhìn đậm tính nhân văn, đồng cảm với ước vọng, tâm tư của người dân. Báo chí có sứ mệnh phát hiện và phản ánh cuộc sống với những sự kiện mới nảy sinh, đang phát triển, những vấn đề tồn tại nơi đời sống và cả trong tự nhiên, tạo hứng khởi cũng như làm bức xúc mọi người. Báo chí góp phần phân tích, xử lý chúng. Xét đến cùng, thời cuộc có những yếu tố ngẫu nhiên của lịch sử, song thời cuộc bao giờ và chủ yếu vẫn là lấy hoạt động của con người làm nhân tố chính. Tưởng tượng nơi nhà báo là nhìn thẳng vào thực tại, mô tả thực tại đúng với bản chất của nó, đồng thời biết nhìn thấy cái đằng sau thực tại ấy, biết nhìn xa hơn những gì đang hiển hiện trước mắt ta, thấy những cái mà con người vô cảm không bao giờ nhìn thấy. Nói cái nhìn, dĩ nhiên là “cái nhìn của của tôi”, có điều cái tôi trong báo chí không phải là cái tôi hoàn toàn mang tính riêng tư, nó có định hướng, có bản sắc hài hòa cùng cộng đồng.

Trở lại núi Hồ Khê dịp dựng bia tưởng niệm, sau khi các nhà lãnh đạo dân và quân phát biểu dứt lời, “những nén nhang mà cái đại biểu cùng chúng tôi vừa dâng lên bia tưởng niệm bỗng rực cháy. Ngọn lửa lan sang cả những lễ vật, hương hoa. Ngọn lửa bừng cháy trong sự ngỡ ngàng của bao nhiêu người…”. Dĩ nhiên có người cho là, chẳng qua lúc ấy tình cờ nổi lên đúng lúc một làn gió núi; có người lại tin ấy là sự linh ứng của các liệt sĩ Trung đoàn 27 hy sinh tại chiến trường này, trong khi tác giả ngẫm ngợi “các anh đã nằm sâu trong lòng đất mẹ quê hương, nhưng hình như các anh vẫn còn đâu đây, dõi theo những nghĩa cử ân tình của đồng chí, đồng đội, đồng bào”. Dù vậy, không quá triền miên với suy tưởng riêng, nhà báo trở lại ngay thực tại: “Núi Hồ Khê trong phút chốc yên lặng đến kỳ lạ, chỉ có tiếng rì rào trên những ngọn lá thông non. Tôi ngước nhìn lên, trên trời, những tia nắng yếu ớt của mùa đông bỗng vụt sáng. Những đám mây màu tắng lững lờ trôi. Đàn én đang chao lượn. Một mùa xuân ấm áp về giữa đất trời, trong lòng người Quảng Trị sâu nặng nghĩa tình”.

Trí tưởng tượng của người viết ký báo chí, theo tôi, còn thể hiện ở những suy tư, luận bình đúng lúc, đúng nơi, đúng hướng. Xem Bảo tàng Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, tình cờ Minh Tứ gặp một người khách nước ngoài “có dáng người dong dỏng cao, tác phong nhanh nhẹn”. Hỏi mới biết đó là ông Trưởng ban thư ký Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Osaka. Người Nhật Bản từng gánh chịu khổ đau vô cùng tận vì chiến tranh. Người khách nước ngoài ấy xem bảo tàng xong, xúc động thốt lên: “Hy vọng đừng có cuộc chiến tranh nào như thế này nữa trên trái đất này”. Minh Tứ viết: “Hôm đó, tôi đã nói với ông Shodosima Masanori: Người ta nói hãy khép lại quá khứ để nhìn về tương lai. Tôi nghĩ quá khứ có thể khép lại, nhưng bài học thì không thể lãng quên. Bảo tàng này không chỉ là nẻo tìm về quá khứ để tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc chúng tôi mà còn là nơi thắp lên khát vọng hòa bình cho nhân loại”.

Đọc ký báo chí của Trương Đức Minh Tứ, tôi thấy văn anh hấp dẫn không chỉ nhờ giàu thực tế trước mắt và dĩ vãng chưa xa. Tác giả có kiến văn không riêng về quê hương, anh còn biết nhiều chuyện khác rộng hơn, chứng tỏ anh là người chịu đọc, chịu học, chịu tìm hiểu, lắng nghe, cần cù tích lũy vốn sống để vươn dần lên độ chín. Anh không khoe chữ, song đọc anh tôi nhìn thấy thấp thoáng sau những dòng chữ là nền hiểu khá dày. Tay nghề anh khá. Ngôn từ anh nói chung giàu có, uyển chuyển. Anh dùng tiếng địa phương có chọn lọc, vừa đủ tô sắc thái riêng, không sa đà để đỡ lạ lẫm cho người đọc các nơi. Anh trích dẫn đúng lúc ý văn, tứ thơ người khác. Anh cố gắng gia công bài viết cho hợp với nhu cầu báo chí, lấy súc tích ngắn gọn làm đầu. Anh biết cô nén cảm nhận, không miên man giải bày, thường chờ đến cuối bài, kết lại qua vài câu hay một đoạn văn hàm súc, chúng sẽ lưu lại như dư âm đẹp trong lòng độc giả, mà phần đông ai cũng đọc nhanh, đọc vội, đọc lướt như mọi người đọc báo thời nay - tốc độ tin học mà!

 
Phan Quang
Tháng 10/2012