4 cuốn sách - 4 "cầu nối" giữa bạn với những bậc hiền nhân xưa

Hương Hồ

(Dân trí) - Dù triết học không thay đổi được thực tại rối ren, nhưng nó có thể khiến cuộc sống của ta vơi bớt đi khổ não, thêm nhiều lựa chọn khôn ngoan và hạnh phúc hơn.

4 cuốn sách sau đây là 4 "cầu nối" giữa bạn với những bậc hiền nhân xưa cùng những kinh nghiệm làm người của họ. Lối viết kỹ lưỡng, gần với đời sống trong các ấn phẩm này sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp nhận tư tưởng xưa để áp dụng vào đời sống ngày nay.

4 cuốn sách - 4 cầu nối giữa bạn với những bậc hiền nhân xưa - 1

4 cuốn sách chỉ cách chữa lành: Khi trường học của triết gia được ví như phòng khám của bác sĩ tâm lý

"Chủ nghĩa Khắc kỷ"

Từ thời cổ đại, Khắc kỷ được coi là "triết học đường phố", một kiểu tư tưởng cho người bình dân chứ không đóng kín trong các "tháp ngà" hàn lâm. Còn thời nay, như Donald Robertson viết trong cuốn sách Chủ nghĩa Khắc kỷ, hệ thống triết học này đã là nguồn cảm hứng cho mọi phương thức phát triển bản thân, trị liệu tâm lý lẫn nghệ thuật sống.

"Hạnh phúc không phải là từ mà người ta có xu hướng gắn với chủ nghĩa Khắc kỷ, vậy nên có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết nó chính là sự hứa hẹn của triết học, là mục tiêu bao quát của toàn bộ hệ thống triết học này", Robertson viết.

Hứa hẹn về một cuộc đời hạnh phúc và "không thể tổn thương" của người Khắc kỷ đến từ năng lực phân biệt giữa hai phạm trù: những điều nằm trong và những điều nằm ngoài tầm kiểm soát. Cụ thể, người Khắc kỷ sống "vô nhiễm" với nản lòng hay thất vọng bởi vì họ chỉ khát khao những gì nằm trong khả năng của mình. Mặt khác, họ tập chấp nhận rằng những thứ ngoại tại - quá khứ và tương lai, của cải và danh vọng, sức khỏe và cái chết - là ngoài tầm kiểm soát, coi đó là một phần của toàn thể tự nhiên.

Hãy thử nghĩ xem, khi ta không lo âu vô ích về những điều ngoài khả năng, đồng thời luôn sống hết mình trong khoảnh khắc hiện tại, kiểm soát tốt những gì có thể kiểm soát, còn điều gì có thể gây cho ta đau khổ?

Trong Chủ nghĩa Khắc kỷ, Donald Robertson giới thiệu những bài tập tâm lý Khắc kỷ quan trọng, cũng là nguồn cảm hứng cho các phương thức trị liệu hiện đại, từ đó giúp bạn buông bỏ những khát khao và nỗi sợ hãi phi lý. Bên cạnh đó, người đọc cũng sẽ tìm thấy trong cuốn sách này những thông điệp tuyệt đẹp của triết học Khắc kỷ về tình bạn, tình yêu, cái chết, chánh niệm, sự dũng cảm, lòng bác ái…

4 cuốn sách - 4 cầu nối giữa bạn với những bậc hiền nhân xưa - 2

"Chủ nghĩa Khắc kỷ", tác giả Donald Robertson

"Tâm Từ"

Không chỉ là tôn giáo, Phật giáo còn là một hệ thống triết học chặt chẽ. Nhiều người ở cả Đông phương và Tây phương, dù Phật tử hay không, đều tìm được từ hệ thống này những bài học về cuộc sống quý giá giúp vơi đi phiền não.

Tâm từ là cuốn sách mỏng, vô cùng xuất sắc của vị thiền sư Ajahn Brahm. Cuốn sách tóm gọn nhiều bước nhỏ để thực hành lối sống chánh niệm và từ bi - một nội dung quan trọng trong Phật giáo. Điều cốt lõi trong lối sống này nằm ở cách bạn đối đãi với Tâm của mình: hãy coi Tâm như một người bạn thân, vừa nhìn Tâm trong khoảnh khắc hiện tại, tĩnh lặng chào đón những người khách liên tục vào ra, chính là những suy nghĩ, cảm xúc của bạn; vừa hướng cảm xúc từ bi đến tất cả những điều đó.

Khi ta có tâm từ, điều gì sẽ xảy ra? "Giống như bạn đã mang vác một cái ba lô suốt 30 hay 50 năm liên tục, trong thời gian đó bạn ì ạch lê bước suốt bao nhiêu dặm. Bây giờ, bạn có động lực để biết bỏ cái ba lô đó xuống đất. Bạn cảm thấy nhẹ bẫng, thoải mái và quá tự do, bởi vì bây giờ bạn đã trút được gánh nặng", sư Ajahn Brahm nhẹ nhàng hứa hẹn.

Đặc biệt, những ai đang chịu đựng khổ não sẽ nhận được sự trợ giúp, an ủi rất lớn từ cuốn sách này. Như lời đánh giá của một bạn đọc trên Goodreads: "Một trong những cuốn sách tử tế nhất đã đến trong cuộc đời tôi, cùng với rất nhiều lòng thương xót, tình yêu, sự chấp nhận"...

4 cuốn sách - 4 cầu nối giữa bạn với những bậc hiền nhân xưa - 3

"Tâm từ" của vị thiền sư Ajahn Brahm

"Trang Tử tâm đắc"

Cuộc sống hiện đại nhiều cạnh tranh, áp lực làm nhiều người thèm "bỏ trốn" về nơi thôn quê, sống lánh đời, lánh người. Nhưng chúng ta chẳng cần tự mình tạo nên một "cuộc cách mạng" về lối sống, bởi ngay từ thời xưa đã có một hình mẫu "sống chill" đích thực, quên danh bỏ lợi, sống ẩn dật, tiêu dao giữa thiên nhiên đất trời. Đó chính là Trang Tử cùng một triết lý sống đã được thời gian bảo chứng.

Như tác giả Yu Dan chỉ ra trong Trang Tử tâm đắc, cả đời Trang Tử sống trong thời Chiến Quốc phân tranh, khắp nơi cầu hiền tài, nhưng ông ẩn cư đến già, không chịu làm quan, không có bất kỳ một danh phận xã hội nào. Bậc triết gia này luôn sống trong nghèo khó, luôn phải đi nhờ người khác để có gạo bỏ vào nồi.

Nhưng đối với Trang Tử, giàu - nghèo, sang - hèn, sống - chết, các chuẩn mực bên ngoài đó hầu như chẳng có mấy ý nghĩa. "Khi chúng ta quên đi mọi sự tham chiếu trong tọa độ cuộc sống, thật sự nhìn thấu nội tâm mình, chúng ta sẽ hiểu được chính mình, mới là đạt đạo", Yu Dan diễn giải. Với Trang Tử, sống đúng là biết nghe theo tiếng lòng tự tại của bản thân thay vì yêu cầu của xã hội, đó chính là cách sống tự nhiên, tự do và dễ dàng nhất.

"Cuộc đời con người ắt cần đến công danh, nhưng công danh không phải là tất cả; ngoài công danh, con người ta bất cứ lúc nào cũng phải đối mặt với vô vàn vấn đề to lớn, như sống chết, tự do, bất tử… Chìa khóa để vượt qua tất cả những điều này, theo chúng tôi có lẽ không thể tìm ở đâu khác ngoài Trang Tử", tác giả cho hay.

4 cuốn sách - 4 cầu nối giữa bạn với những bậc hiền nhân xưa - 4

"Trang Tử tâm đắc" của tác giả Yu Dan

"Trò chuyện với vĩ nhân"

Cuối cùng, Trò chuyện với vĩ nhân, một cuốn sách hấp dẫn của Osho, viết về cuộc đời và tư tưởng của 20 vị triết gia, bậc giác ngộ … lỗi lạc nhất lịch sử.

Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Đề Lạt Ma, Jesus, Socrates, Lão Tử, Trang Tử… mỗi nhân vật là một cuộc đời với nhiều thử thách khó tin, họ hiện lên như những tấm gương sống động cho bạn đọc hôm nay. Đó có thể là tấm gương về sự can đảm từ Socrates, con đường ròng rã đi vào khổ hạnh của Đức Phật, hay sự tự do đến mức cực đoan của J. Krishnamurti…

4 cuốn sách - 4 cầu nối giữa bạn với những bậc hiền nhân xưa - 5

"Trò chuyện với Vĩ nhân" của Osho

Xuyên suốt cuốn sách, ta nhận ra rằng chẳng có vĩ nhân nào trải qua một cuộc đời bình lặng, không chút sóng gió. Ngược lại, họ đã phải chịu đựng biết bao sự chê cười, khổ não và cay đắng, thậm chí là bất hạnh tột cùng. Chúng ta có thể nhìn vào những cuộc đời xa xôi ấy để học được thái độ bình thản, sự tỉnh thức của các vĩ nhân khi đối diện với bất hạnh, và nhận ra rằng chính tâm trí tỉnh thức đó mới làm nên cuộc đời ta - chứ không phải những đau đớn và thử thách khôn cùng của số phận. 

Theo First News