16 học giả quốc tế tham dự hội thảo về “Truyện Kiều”

(Dân trí) - Trong đó có 13 học giả gửi tham luận, với những hướng nghiên cứu đầy mới mẻ và hiện đại về Đại thi hào, Danh nhân văn hóa thế giới- Nguyễn Du và kiệt tác “Truyện Kiều”.

 

hoi-thao-ky-niem-250-nam-sinh-dai-thi-hao-nguyen-du-b3d6d

Sáng 6/8, Hội thảo Quốc tế kỉ niệm 250 năm sinh Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du đã diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội. “Di sản và các giá trị xuyên suốt thời đại” là nội dung chính của hội thảo quốc tế lần này, tập trung vào 2 chủ đề, trong đó “Truyện Kiều” là trọng tâm lớn thu hút nhiều tham luận nghiên cứu.

Nguyễn Du là một tác gia đỉnh cao của văn học Việt Nam, mang tinh thần nhân văn vượt biên giới và vượt thời đại. Ông cũng được đánh giá là hiện tượng văn học có ý nghĩa lớn của giao tiếp văn hóa trong khu vực Đông Nam Á trước thời hiện đại. Di sản của ông đã được các nhà biên khảo, dịch thuật, phẩm bình nghiên cứu từ hơn 1 thế kỷ nay.

Tuy nhiên, Hội thảo lần nay mang nhiều nét đổi mới với nhiều hướng tiếp cận khác.

Tại buổi họp báo, PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học đã đánh giá “Các học giả quốc tế đã bổ sung cho các nghiên cứu từ các học giả trong nước, mang đến cái nhìn tổng thể hơn về Đại thi hào Nguyễn Du cũng như tác phẩm “Truyện Kiều”.

Có hơn 100 tham luận, trong đó có khoảng 90 tham luận đến từ các nhà nghiên cứu trong nước từ các Viện Văn học, Viện nghiên cứu Hán Nôm… cũng như từ các trường Đại học trên cả nước.

Đáng chú ý hơn, có 13 tham luận đến từ các học giả nước ngoài đến từ Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan… bàn luận về Đại thi hào Nguyễn Du cũng như “Truyện Kiều” với những hướng tiếp cận mới mẻ.

Bên cạnh việc tìm kiếm tư liệu, tiếp cận các tập thơ chữ Hán, kiệt tác “Truyện Kiều” từ những góc nhìn mới sẽ có thêm những nghiên cứu văn bản học hiện đại, tiếp cận chuyên ngành/ liên ngành.

Có nhiều điểm đáng chú ý như việc tham gia của học giả, nhà triết học nước ngoài để nghiên cứu về “Cái tâm và cái tài của Đại thi hào Nguyễn Du”; hay bàn luận về việc chuyển thể kiệt tác “Truyện Kiều” sang loại hình nghệ thuật khác là điện ảnh.

Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu theo hướng địa văn hóa, mỗi quan hệ giữa Nguyễn Du và vùng đất Hà Tĩnh hứa hẹn sẽ mở ra nhiều kết quả khả quan.

Sau Hội thảo quốc tế này, các tham luận sẽ được tuyển chọn, biên tập, chỉnh sửa để in toàn văn tham luận trong kỷ yếu, xuất bản vào năm 2016.

Phan Chung

vanhoa-4fc8b