Thói quen ăn uống: Nguyên nhân chính gây đái tháo đường

Các nghiên cứu cho thấy, chế độ dinh dưỡng của người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, thói quen ăn gạo trắng là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc ĐTĐ cao hơn và dễ mắc hơn.

Kết quả từ điều tra y tế cho thấy, năm 2012, tỷ lệ rối loạn dung nạp đường huyết lứa tuổi 30-69 là 12%, tỷ lệ ĐTĐ lứa tuổi 30-69 là 5,7%, tăng gấp đôi so với kết quả điều tra thực hiện năm 2002... Đó là thông tin được đưa ta tại hội thảo cập nhật các giải pháp về dinh dưỡng phòng chống bệnh đái tháo đường và ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế phối hợp với Viện Nghiên cứu FANCL (Nhật Bản) vừa được tổ chức tại Hà Nội.

TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện đang đối mặt với gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư và đái tháo đường (ĐTĐ). Đáng lo ngại, Việt Nam nằm trong top 5 nước có số người mắc ĐTĐ cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương và có tỷ lệ bệnh ĐTĐ tăng nhanh nhất thế giới.

Chuyên gia đến từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết thêm, bệnh ĐTĐ ở Việt Nam ngày càng gia tăng, và việc gia tăng số người mắc, trẻ hóa đối tượng mắc bệnh cũng như mức độ tăng nặng của các biến chứng làm gia tăng chi phí điều trị. Hiện Việt Nam có khoảng 1,4 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, đó là chưa tính đến những người tiền ĐTĐ.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng và văn hóa ẩm thực Châu Á, Đại học Jumoji, Tokyo, Nhật Bản, GS. Shigeru Yamamoto cho biết thêm, qua các nghiên cứu cho thấy chế độ dinh dưỡng của người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, thói quen ăn gạo trắng là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc ĐTĐ cao hơn và dễ mắc hơn. Vì thế, cần phải giảm lượng sử dụng gạo trắng và tăng cường sử dụng dầu cá, dầu thực vật để hạn chế nguy cơ mắc ĐTĐ.

Thói quen ăn uống: Nguyên nhân chính gây đái tháo đường

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, việc sử dụng gạo lật nảy mầm thay thế gạo trắng, hoặc kết hợp thay thế một phần gạo trắng bằng gạo lật nảy mầm sẽ giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh ĐTĐ tốt hơn, TS Yasushi Sumida, Viện trưởng Viện nghiên cứu FANCL cho biết.

TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và Ngành nghề cho rằng, gạo trắng là thực phẩm chính trong khẩu phần ăn của người Việt, làm tăng mức đường máu trong độ tuổi từ 60-65, khiến nguy cơ bệnh ĐTĐ tăng cao. Bà Nhung cũng cho rằng, việc sử dụng gạo lứt, gạo lật nảy mầm sẽ làm giảm mức độ đáp ứng đường máu sau ăn hơn so với gạo trắng. Mặt khác, gạo lứt, gạo nảy mầm còn có giá trị dinh dưỡng cao hơn gạo trắng và còn có tác dụng giảm béo phì.

Nghiên cứu được thực hiện tại Châu Á và Việt Nam đã tổng kết về ảnh hưởng của chế độ ăn và lối sống của người Châu Á với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2, như việc sử dụng gạo xay sát trắng thay cho gạo giã (vẫn còn vỏ cám) làm tăng nguy cơ bệnh ĐTĐ của người Châu Á trong thời gian gần đây.

 PV