SH- 91- Vị cứu tinh cho những nạn nhân bỏng

Tại Lễ Tôn vinh “Sản phẩm, dịch vụ Việt Nam được tin dùng năm 2011”, SH- 91 là một trong số 100 sản phẩm, dịch vụ vinh dự được xướng tên. Vậy SH- 91 là gì, tác giả của nó là ai đã khiến không ít người hồi hộp, chờ đợi…

Nghe danh bác đã lâu nhưng phải tới hôm nay tôi mới có “cơ duyên” gặp bác. Trong phòng làm việc toạ lạc trên phố Bà Triệu, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, những bông hoa đang khoe sắc thắm. Đó là món quà của bạn bè, người thân dành tặng cho bác sau nhiều năm dài miệt mài nghiên cứu, tìm tòi…

Sinh năm 1945 tại vùng quê nghèo huyện miền núi Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, tốt nghiệp cấp 3 Nhâm Văn Sinh nộp đơn đi học y tá và về công tác tại bệnh viện huyện Lập Thạch với mong muốn đem những tiến bộ của y học về chữa bệnh cho bà con vùng quê nghèo của mình. Năm 1980, ông Sinh thi vào Đại học Y Thái Bình và tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ ngoại khoa rồi về công tác tại bệnh viện huyện Vĩnh Yên.

SH- 91- Vị cứu tinh cho những nạn nhân bỏng - 1

Bác sĩ – Tiến sĩ Y khoa Nhâm Văn Sinh

Trong thời gian công tác tại đây ông đã được cử đi học chuyên khoa ngoại tại Bệnh viện Việt Đức. Với tay nghề của một bác sĩ chuyên khoa cấp 2, bác sĩ Sinh đã cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân nặng. Vừa làm việc, vừa nghiên cứu, học hỏi, năm 1989-1990 ông đã nghiên cứu công trình “Chế tạo máy bơm hơi tháo lồng ruột trẻ em”. Công trình này đã được nhà nước công nhận, được Bộ Y tế cho phép sử dụng toàn quốc, Cục Sáng chế cấp bằng độc quyền, giải pháp hữu ích và đạt Huy chương Đồng trong Triển lãm Kinh tê - Kỹ thuật năm 1990 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.

Không dừng lại ở những gì đã đạt được, năm 1991, bác sĩ Sinh bắt tay vào nghiên cứu thuốc chữa bỏng từ đông y tại Viện Quân y 103 với sự giúp đỡ của Giáo sư, tiến sĩ Lê Thế Trung. Đến năm 1999, sau bao thăng trầm, vất vả ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y khoa “Nghiên cứu tác dụng, điều trị tại chỗ vết thương bỏng và vùng lấy da của thuốc SH-91 bào chế từ cây bòn bọt và cây hoa dẻ”. Tất cả những dược liệu để bào chế thuốc này đều có ở trong nước. Công trình đã được nghiên cứu ứng dụng trong điều trị cho bệnh nhân bỏng và được Bộ Y tế cho phép lưu hành toàn quốc.

Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, thuốc SH-91 đã được đưa vào sử dụng trong việc điều trị bỏng tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Yên và mang lại kết quả khả quan. Bệnh nhân bỏng dùng thuốc SH-91 bôi ngoài vết bỏng dịu nhanh, vết thương mau lành bởi SH-91 ngoài tác dụng kháng khuẩn (tương đương với các loại thuốc trị bỏng đang lưu hành) còn có tác dụng giảm đau, giảm sưng nề, giảm tiết dịch nên vết thương khỏi nhanh, tỉ lệ cấy ghép da ít hơn và ít để lại di chứng.

Có thể nói, thành công mà SH-91 mang lại khiến không ít bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân bỏng nhắc đến bác như thể “vị cứu tinh” của mình.

Để có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp cho người bệnh, vào cuối năm 2007, Phòng khám đa khoa Sinh Hậu được thành lập do bác sĩ- Tiến sĩ Y khoa Nhâm Văn Sinh làm Giám đốc.

Với chức năng: khám chữa tất cả các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt; khám sức khoẻ cho học sinh, sinh viên dự tuyển Đại học, Cao đẳng, Trung học; ký hợp đồng khám sức khoẻ định kỳ cho các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, khi đến Phòng khám đa khoa Sinh Hậu, bà con nhân dân sẽ nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt nhất tại đây. Đặc biệt, phương châm của phòng khám là có bệnh gì, cần xét nghiệm vấn đề gì mới làm, không làm tràn lan; kê đơn thuốc đúng bệnh, không kê đại trà; miễn tiền khám bệnh cho người già trên 70 tuổi; miễn phí cho người tàn tật, các cháu có hoàn cảnh khó khăn… nên Phòng khám đa khoa Sinh Hậu ngày càng có nhiều bệnh nhân tới chữa trị. Không chỉ giữ cho mình y đức của người thầy thuốc ông còn thường xuyên động viên, căn dặn thế hệ những thầy thuốc trẻ, đặc biệt là gần 40 cán bộ, y bác sĩ công tác tại phòng khám đa khoa Sinh Hậu “đã làm cái việc cứu người thì phải luôn giữ cái tâm cho sáng, phải giữ cái đức cho tròn”.

Cùng với nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, bác sĩ Sinh còn dành nhiều tâm sức cho những việc làm mang tính nhân đạo. Ông đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về khám chữa bệnh nhân đạo và ủng hộ 15 triệu đồng cho Quỹ Nhân đạo của tỉnh Hội Chữ thập Đỏ (CTĐ) Vĩnh Phúc, ủng hộ tám đội xe tình nguyện viên, xe ôm CTĐ thuộc các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Bình Xuyên, thị xã Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên toàn bộ tiền mua bông băng và thuốc sơ cấp cứu ban đầu phục vụ chuyên môn trong hai năm 2008- 2009. Nhiều năm liên tục bác sĩ Sinh rất quan tâm đến phong trào khuyến học của địa phương bằng việc ủng hộ tiền cho các trường giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi. Gần đây nhất, bác sĩ Sinh đã gửi 50 triệu đồng cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt và mua sắm trang thiết bị cho hai lớp mẫu giáo ở Hà Tĩnh.

SH- 91- Vị cứu tinh cho những nạn nhân bỏng - 2

Tiến sĩ Y khoa Nhâm Văn Sinh (người cầm cúp) cùng người thân tại Lễ Tôn vinh "Sản phẩm, dịch vụ Việt Nam được tin dùng năm 2011"

Tuy đã về hưu nhưng bác vẫn đam mê với việc nghiên cứu. Trong năm qua, bác nghiên cứu, ứng dụng thành công thuốc chữa bệnh rubella giúp bệnh nhân khỏi nhanh. Đáng chú ý, điều trị dò hậu môn hiện nay chủ yếu là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ đường dò cùng tổ chức bao quanh đường dò nên nhiều trường hợp phải mổ đi mổ lại nhiều lần. Bằng thuốc y học dân tộc được thừa kế từ trong nhân dân, bác đã nghiên cứu ra loại thuốc được pha theo dạng cao, màu nâu đen, mịn, quánh, dẻo, mùi thơm dược liệu chữa dò hậu môn cho 13 bệnh nhân với thủ thuật thực hiện đơn giản, hiệu quả điều trị cao, không tái phát.

Sau những thành công của các công trình nghiên cứu, bác nhận được không ít tình cảm của bệnh nhân. Có khi chỉ là một lời cảm ơn, một lá thư nhưng điều ấy đã khiến bác cảm thấy thật ấm lòng. Đối với một bác sĩ, còn điều gì tốt đẹp hơn khi mang lại cuộc sống cho bệnh nhân, được bệnh nhân dành cho tình cảm chân thành. Đó cũng chính là động lực giúp Bác nghiên cứu, pha chế nên những loại thuốc chữa được bệnh khó trong tương lai mà thuốc Tây y ít hiệu quả. Ở cái tuổi 68 có thể nói là cuối dốc của đời người, nhưng khi trò chuyện với Bác tôi vẫn thấy ở con người Bác cả trong suy nghĩ lẫn hành động không thấy dấu hiệu của tuổi già mà dường như thời gian đã thua cuộc. Bác vẫn cần mẫn “trồng cây phúc cho đời”, mong muốn làm sao cho SH-91 được sản xuất và sử dụng rộng rãi trên toàn quốc, như “vị cứu tinh” có mặt khắp mọi nơi chữa trị cho nạn nhân bỏng.