Chống tái nghiện ma túy bằng liệu pháp tâm lý - Nghiên cứu công phu, khoa học

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã nghiên cứu chống tái nghiện ma túy bằng liệu pháp tâm lý và được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHN đánh giá là công trình nghiên cứu công phu, khoa học và có giá trị thực tiễn vào tháng 8/2016 vừa qua.

Từ một quy trình cai nghiệp khép kín

Viện PSD là tổ chức khoa học tiên phong ở Việt Nam trong việc nghiên cứu chống tái nghiện bằng các phương pháp trị liệu tâm lý. Phương pháp “Chống tái nghiện ma túy bằng trị liệu tâm lý” được Viện PSD xây dựng tập trung vào các liệu pháp tâm lý nhằm giúp người sử dụng ma túy loại bỏ ham muốn sử dụng ma túy, thay đổi hành vi sử dụng ma túy sang những dạng hành vi lành mạnh mới - hành vi KHÔNG sử dụng ma túy - được củng cố thường xuyên, mang tính bền vững.

Hội nghị tư vấn kỹ năng phòng, chống tái nghiện ma túy do Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) tổ chức.
Hội nghị tư vấn kỹ năng phòng, chống tái nghiện ma túy do Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) tổ chức.

Hiện nay, PSD đang áp dụng các bước: Phục hồi thể chất; Phục hồi tâm lý; Phục hồi các kỹ năng ứng xử, hành vi theo chuẩn mực xã hội. Trong đó, phục hồi tâm lý với quy trình trị liệu tâm lý chống tái nghiện được thực hiện qua ba giai đoạn chính: Giai đoạn 1: Tiền trị liệu tâm lý: Giai đoạn 2: Trị liệu tâm lý chống tái nghiện; Giai đoạn 3: Sau trị liệu tâm lý - Đồng hành 1 năm.

Viện đã ứng dụng quy trình trị liệu tâm lý gồm 3 giai đoạn khép kín cho các học viên cai nghiện. Trong đó, giai đoạn 3 được coi là một giai đoạn mang tính quyết định trong quá trình chống tái nghiện bền vững của PSD.

Viện thực hiện đồng hành cùng những học viên đã kết thúc quy trình trị liệu, đồng thời đào tạo, giới thiệu việc làm để họ ổn định cuộc sống.

Viện cũng là một đơn vị không những chỉ đi vào cai nghiện mà còn hướng nghiệp, đào tạo đa ngành nghề cho học viên cai nghiện thành công, với mong muốn giảm tỉ lệ tái nghiện và các nguy cơ tái nghiện. Đó sẽ là những nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu, khả năng và mong muốn của học viên đang cai nghiện tại Viện.

Tính đến nay, trong quá trình thực nghiệm, Viện đã giới thiệu và tạo công ăn việc làm bền vững cho 30 học viên tại các doanh nghiệp thuộc Hội đồng quản lý do ông Lê Trung Tuấn làm chủ tịch, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Họ được hưởng đầy đủ quyền lợi của người lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, theo các chính sách được đề ra của Chính phủ, với mức lương ổn định từ 4-5 triệu theo từng vị trí làm việc.

Rất nhiều người trong số đó đang giữ vị trí quản lý, điều hành tại các công ty trong tổ hợp liên kết với Viện. Điều đó cho thấy khả năng làm việc, thích nghi và hoàn thành công việc của người cai nghiện thành công không có gì hạn chế so với các công nhân viên khác. Vậy nên, việc tạo điều kiện cho người cai nghiện thành công được làm việc là một hình thức tái hòa nhập cộng đồng và giảm thiểu tình trạng tái nghiện.

Đến chương trình hỗ trợ cai nghiện được xã hội hóa

Ngoài mục tiêu giúp cai nghiện ma túy một cách bền vững, PSD còn hướng tới làm giảm các tác hại về sức khoẻ và xã hội liên quan tới sử dụng ma tuý; giúp người sử dụng ma túy (NSDMT) thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình trong gia đình, cộng đồng.

Buổi tập huấn tình nguyện viên kỹ năng hỗ trợ người sử dụng ma túy phòng, chống tái nghiện.
Buổi tập huấn tình nguyện viên kỹ năng hỗ trợ người sử dụng ma túy phòng, chống tái nghiện.

Tại PSD, NSDMT khi hoàn thành quy trình cai nghiện, có kết quả đánh giá cai nghiện thành công, sẽ có cơ hội được tiếp nhận vào làm việc tại hệ thống doanh nghiệp xã hội. PSD còn có những chương trình đào tạo việc làm cho người cai nghiện thành công. Tại đây, các ngành nghề được đa dạng, tập trung vào các ngành như: lái xe, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ...

Doanh nghiệp xã hội là tổ hợp gồm 11 doanh nghiệp xã hội đang hợp tác với PSD, nằm trong hệ thống quản lý của ông Lê Trung Tuấn - Chủ tịch HĐQL Viện PSD. Các doanh nghiệp xã hội này đã trích 30% đến 50% số tiền thu được từ lợi nhuận kinh doanh hàng năm để trợ giúp PSD hoạt động và thực hiện công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy. Đây là một trong hình thức mới mẻ với sự đóng góp rất tích cực của các doanh nghiệp vào hoạt động phòng, chống ma túy trên cả nước. Hiện nay, Viện PSD đang chú trọng đầu tư nhân lực để tiếp nhận những hoạt động hợp tác của các doanh nghiệp trên cả nước.

PSD cũng đang đẩy mạnh kế hoạch xã hội hóa thành công 5 trung tâm điều trị tự nguyện trên cả nước. Với mô hình cai nghiện tự nguyện, hỗ trợ sau cai thành 1 quy trình khép kín. Mô hình này cũng là một trong những mô hình có quy mô, khoa học và đã có nhiều thành công. Đồng thời, Viện PSD cũng đang có nhiều chương trình đào tạo nghề phù hợp với những học viên đang trong quá trình cai nghiện, để bảo đảm học viên sẽ có được 1 nghề nghiệp trong khả năng của bản thân.

Bước sang năm 2017, Viện PSD sẽ luôn chú trọng vào định hướng phát triển mô hình cai nghiện, chống tái nghiện bền vững trên cả nước. Với mong muốn sẽ giúp được nhiều người sử dụng ma túy sớm tìm được “nẻo về” của chính mình. Viện cũng đang nỗ lực hết sức để học tập, nghiên cứu, trao dồi thêm những kiến thức chuyên ngành, khoa học phục vụ công tác cai nghiện, chống tái nghiện bền vững.

PV