2 trẻ bị viêm não Nhật Bản do chưa tiêm vắc xin

(Dân trí) - Cả hai bệnh nhi được xác định bị viêm não Nhật Bản tấn công đều ngụ ở khu vực ngoại thành và chưa được chủng ngừa vắc xin. Ngành y tế thành phố nhận định, viêm não Nhật Bản đang lưu hành, cộng đồng nên chủ động bảo vệ sức khỏe.

Bên cạnh diệt muỗi, phòng muỗi đốt, chích ngừa là giải pháp hiệu quả tránh nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản
Bên cạnh diệt muỗi, phòng muỗi đốt, chích ngừa là giải pháp hiệu quả tránh nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản do vi rút tồn tại trên vật chủ là chim di trú và heo, lây truyền cho con người qua trung gian là muỗi, sẵn sàng tấn công những trẻ chưa được chủng ngừa.

Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn có 2 trẻ được xác định mắc viêm não Nhật Bản. Điều tra dịch tễ ghi nhận, cả 2 bệnh nhi đều sống ở khu vực ngoại thành và chưa được chích vắc xin ngừa bệnh. Không loại trừ nguyên nhân trẻ bị mắc bệnh khi đi đến những vùng đang có dịch, nhưng các quận huyện vùng ven của thành phố cũng có nhiều khu vực trông trọt và chăn nuôi với môi trường đặc trưng thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Để tránh nguy cơ nhiễm bệnh và nguy cơ bùng phát dịch, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo: phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng là biện pháp hiệu quả và căn cơ để phòng các bệnh do muỗi truyền trong đó có viêm não Nhật Bản.

Bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin, nhóm trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên được chỉ định chủng ngừa. Nhưng nếu trẻ chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ. Cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90 đến 95%. Sau đó, cứ 3 đến 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Vân Sơn