"Yếu đuối" khi xa chồng

2h sáng, Linh vẫn nước mắt ngắn dài, vừa cho con bú, vừa miệt mài ấn số điện thoại để gọi cho chồng.

Dũng, chồng Linh, làm trong ngành Hải quan nên thường xuyên phải đi công tác mấy tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh… Đợt này giáp Tết, thấy chồng đi nhiều Linh lại càng lo lắng.

 

Linh nói: “Ông xã rất lười gọi điện về nhà, lúc thì viện lý do bận họp, máy hết pin, lúc khác lại bảo ra vùng biên nên sóng yếu không liên lạc được… Vất vả vì chăm con mọn, nay chồng hay đi công tác, mình càng khó chịu hơn”.

 

Thực ra, bản thân Linh cũng nhận ra rằng tâm lý của mình không ổn định (vì mới sinh xong). Cô thú thật: “Mình biết là anh ấy phải bí mật theo dõi "hàng" đêm hoặc nếu bắt được "hàng" thì cũng mải kiểm kê. Anh ấy mà nghe máy rồi cũng lại mắng mình. Nhưng không gọi được là mình lại tưởng tượng ra cảnh anh ấy với người phụ nữ khác”.

 

Giải pháp cuối cùng là 2 mẹ con “ôm nhau” về quê với bà ngoại để giúp Linh nguôi ngoai phần nào. “Thỉnh thoảng, mình "lên cơn" - đòi gửi con cho bà trông rồi bắt xe lên chỗ chồng xem thế nào nhưng bà giữ lại được, nên thôi” - Minh nói tiếp.

 

Cô đơn nên nhiều xao động

 

Hai vợ chồng Uyên - Đạt đã quen với cảnh xa cách từ hồi còn yêu đương. “Anh ấy trong quân ngũ, đóng trại mãi ở Sơn Tây nên ít có cơ hội gần gũi như các cặp đôi khác. Mình đã quen với cảm giác một mình trong những ngày Lễ, Tết rồi” - Uyên không giấu giếm.

 

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu khi trong khu nhà trọ của Uyên xuất hiện một anh hàng xóm ga lăng. “Thi thoảng, anh ấy sang giúp mình đóng đinh treo tờ tranh mới hoặc quét hộ mạng nhện. Quả thực, mình cũng thấy xúc động. Ước gì chồng mình chuyển công tác để vợ chồng tối lửa tắt đèn có nhau” - Uyên buồn rầu kể.

 

Thiếu nơi nương tựa

 

Chồng Vân cũng xa nhà vì công tác liên miên. Vân cho biết: “Hôm nào chồng đi vắng, mình lại chuyển quần áo về bên ngoại ở tạm. Một thân một mình trong căn nhà rộng này cũng sợ lắm”.

 

Tuy nhiên, hôm trước, Vân bất cẩn bị ngã cầu thang trong khi đang mang thai 2 tháng. “May mà mình gọi được hàng xóm sang để giúp đi cấp cứu nếu không thì...” - Vân kể tiếp.

 

Rút kinh nghiệm, chuyến này ông xã trở về, Vân sẽ lên kế hoạch chuyển về bên ngoại định cư trong một khoảng thời gian, đợi bao giờ mẹ tròn con vuông sẽ tính tiếp.

 

Khó khăn vì xa chồng

 

Xét ở khía cạnh nào đó thì việc chồng hay vắng nhà sẽ rèn luyện cho người vợ tính tự lập, đảm đang, biết quán xuyến gia đình. Tuy nhiên, chẳng người vợ nào muốn chồng mình cứ nay đây mai đó. Việc một mình phải gánh vác hết công việc nhà khiến cho người vợ nảy sinh tâm lý bị thiệt thòi và có thể mất lòng tin vào chồng (hoặc sa ngã vào một mối tình khác).

 

Đa phần các anh chồng đều lười gọi điện thoại về nhà hỏi thăm vợ con. Đôi khi, vì mải vui hoặc công việc bận bịu, người chồng vô tình quên mất vợ. Chính điều này càng làm người vợ bất an và thêm phần chán nản.

 

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cảnh vợ chồng xa nhau lâu thì nguy cơ chao đảo hạnh phúc gia đình là rất lớn. Có nhiều nguyên nhân để làm gia tăng tình trạng này như người chồng “bồ bịch” trong lúc không có vợ quản; Tình cảm vợ chồng nguội lạnh; Vợ buồn quá nên cũng “ăn nem”…

 

Điều quan trọng trong hoàn cảnh này là người vợ nên giữ tinh thần thoải mái, hạn chế việc gọi điện liên tục khiến chồng chán, tập trung vào việc chăm sóc con hoặc tăng cường giao lưu với bạn bè, người thân để giảm thiểu cảm giác cô đơn. Nên nhớ, không phải người chồng nào hay đi công tác cũng ngoại tình, có nhiều ông chồng cận kề bên vợ 24/24 giờ mỗi ngày mà vẫn có khả năng “vụng trộm” như thường.

 

Ngọc Bình