Xin bố mẹ hiểu lòng con

(Dân trí) - “Tảng sáng, chưa tỉnh ngủ Nam đã bị bố đánh thức yêu cầu làm một việc mà hồi đó em còn chưa hiểu gì. Đó là đánh dấu vào một tờ giấy quyết định việc Nam sẽ ở với bố sau khi bố mẹ ly hôn...”.

Là sinh viên năm thứ 2 ngành ngoại ngữ, gia đình khó khăn nên tôi muốn tìm một công việc làm thêm để phụ với bố mẹ trong việc ăn học của mình. Tôi rất mừng vì cuối cùng đã có việc gia sư như ý nguyện. Cậu học trò nhỏ của tôi chính là Nam.

 

Nam nhút nhát, hay buồn. Ba buổi học đã qua nhưng tôi chưa hề thấy bóng dáng mẹ em trong nhà, chỉ có hai bố con. Tôi đã phải cố gắng rất nhiều mới tạo được sự tin tưởng ở Nam. Cuối cùng em cũng tâm sự cho tôi nghe tất cả những gì đã xảy ra với gia đình mình:

 

Vừa mới tảng sáng, còn chưa tỉnh ngủ, Nam đã bị bố đánh thức yêu cầu làm một việc mà hồi đó em còn chưa hiểu gì. Đó là đánh dấu vào một tờ giấy quyết định việc Nam sẽ phải ở với bố sau khi bố mẹ ly hôn, với lý do mẹ Nam đi ngoại tình. Chuyện xảy ra ba năm về trước.

 

Anh Quân - bố Nam - có mối tình 5 năm sâu đậm với một người bạn gái cùng đại học. Hoàn cảnh trớ trêu khiến hai người không đến được với nhau. Bố Nam muốn tìm một người con gái khác để lấp chỗ trống, cũng vừa muốn người yêu quên mình đi để xây dựng gia đình.

 

Bố mẹ Nam gặp nhau cũng thật tình cờ vì khi ấy chị Quỳnh - mẹ Nam - cũng vừa chia tay người yêu cũ.

 

Hai con người bị tổn thương và thiếu hụt tình cảm, tưởng có thể thông cảm và bù đắp cho nhau, cùng nhau vun vén, xây đắp gia đình, nhưng hạnh phúc không thuận buồm xuôi gió. Họ nhận ra rằng cuộc hôn nhân này không hề có tình yêu.

 

Ngay cả khi Nam ra đời, tình cảm trong anh Quân vẫn không hề thay đổi. Anh không yêu vợ. Chị Quỳnh cũng hiểu điều đó.

 

Anh thường xuyên đi sớm về muộn. Có những đêm đến gần 12 giờ vẫn chưa về. Bữa cơm gia đình thưa thớt dần đến mức đếm đầu ngón tay trong tháng. Tình cảm cha con cũng không mấy gắn bó. Anh đi làm lúc con chưa kịp dậy, anh về nhà lúc con đã ngủ lâu rồi. 

 

Chị Quỳnh nhiều lần mang chuyện ra nói nhưng không những anh không thay đổi mà còn thêm cãi vã. Kết quả là, bao nhiêu tức giận cả hai đều đổ lên đầu cậu con trai mới học lớp 5.

 

Tức giận chồng, nhiều lần mẹ Nam than phiền rồi kể hết tội này, tội nọ của bố cho Nam nghe. Từ chỗ bố thường xuyên về muộn, giờ đây cả mẹ Nam cũng về muộn hơn bình thường.

 

Một buổi chiều, khi Nam đi học về tới cửa đã nghe thấy tiếng bố mẹ cãi nhau trong nhà: "Cuốn xéo hết quần áo đồ đạc của cô mà đi theo thằng ấy! Tôi không muốn thấy mặt cô một phút nào hết, đồ phụ nữ lăng loàn".

 

Tiếng mẹ Nam tức tưởi: "Em xin anh, vì con hãy tha thứ cho em một lần này thôi". Mặc cho lời van xin của mẹ, bố Nam vẫn không ngừng xua đuổi.

 

Rồi Nam nghe thấy mẹ gào lên trong tiếng nức nở: "Anh không cần phải đuổi nữa, từng ấy thời gian sống chung, anh đã bao giờ quan tâm tới tôi chưa? Anh tự hỏi bản thân anh xem trong lòng anh có yêu thương gì tôi không, hay anh luôn ấp ủ hình ảnh người đàn bà khác? Sức chịu đựng của tôi cũng có hạn. Tôi mệt mỏi lắm rồi".

 

Chị Quỳnh ù chạy khỏi nhà, bỏ sau lưng tiếng khóc thảm thương của cậu con trai mới 11 tuổi.

 

Mẹ Nam đã ngoại tình với một người cùng cơ quan. Lúc này Nam hiểu tại sao mẹ lại hay về muộn đến thế.

 

Nam sợ bố vì trước đây bố con đã ít gần gũi. Tính bố nóng nảy, hay quát mắng, có khi còn đánh Nam vì tội học hành sa sút. Nam không hề muốn bố mẹ chia tay nhưng cũng không thể ở với mẹ vì bố nói mẹ không xứng đáng.

 

Mẹ không còn ở với hai bố con. Bố cũng ít về muộn hơn nhưng tính vẫn nóng. Nam vẫn bị bố mắng mỗi khi mắc lỗi, vẫn bị đánh mỗi khi cô giáo gọi điện thông báo em gây lộn ở lớp.

 

Tiếp xúc với Nam tôi thấy em trầm, ít nói, hay tự ti, mặc cảm và dễ bị kích động. Em từng tâm sự với tôi: "Em rất sợ bố, nhiều lúc bố mắng và đánh đòn, em nghĩ hình như bố chẳng yêu thương gì em. Còn mẹ nói thương em nhưng lại bỏ em. Sau này lớn lên, em sẽ không bao giờ lấy vợ vì phụ nữ xấu lắm".

 

Lòng tôi sắt lại. Tôi đã cố gắng để chia sẻ, động viên giúp Nam hiểu rằng có nhiều chuyện của người lớn mà trẻ con không thể hiểu được. Đến một lúc nào đó có thể Nam sẽ  thông cảm cho những gì mà bố mẹ em đã làm. Nam có vui vẻ hơn nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, tôi hiểu rằng, việc bố mẹ Nam làm đã để lại một vết thương rất sâu trong lòng em.

 

Hôn nhân là việc trọng đại của cả cuộc đời. Đừng nên quyết định vội vàng để rồi hối tiếc. Bởi một khi gia đình tan vỡ, nỗi đau không chỉ về phần bạn, mà còn khắc sâu vào tâm trí non nớt của những đứa con.

 

Bằng Lăng