Xa con

Suốt cả tuần chị than thở trên Facebook. Chuyện xa con.

Được một ngày thì “con đi nhà vắng quá”. Hai ngày “giờ này nó đang làm gì không biết”. Ba ngày “nó chẳng đoái hoài gì đến mẹ”… Một tuần “biết thế này chưa cho đi vội”. Con trai chị, 16 tuổi. Sau vô số lần cân nhắc, hỏi han tư vấn đủ đường, chị quyết định cho “đi bụi” bên Sing một tháng, theo một khoá “tiền trạm” để sau này cháu theo đại học bên đó.

 

16 tuổi, con bạn đã trở thành người đàn ông rồi.

16 tuổi, con bạn đã trở thành người đàn ông rồi. 

 

Facebook của tôi cũng có con chị trong friends và dĩ nhiên đã có một cam kết âm thầm giữa hai chú cháu là tôi sẽ không tiết lộ điều đó cho mẹ cháu. Cũng không comment, like bất cứ thứ gì cháu post lên, cần trao đổi thì dùng chức năng chat. Bởi thế, nên chị không thể biết rằng trong khi chị thì rầu rĩ từ cái status đầu tiên thì trên cửa sổ Facebook của tôi cái nick quen thuộc cũng giật ngay cái status “vừa qua cửa an ninh sân bay, tự do rồi, hẳn một tháng” và nhận được gần trăm cái like cùng vô số lời chúc mừng(!)

 

Một tuần sau đó, tôi thấy cháu cực ổn. Facebook cập nhật đều đặn mỗi ngày khoe bạn mới, khoe trải nghiệm, khoe hình món ăn, bức xúc với người hướng dẫn khoá học nói Singlish khó nghe, khoe đã tìm mua được mấy cái DVD ở nhà không có… Quay qua chị, lại vẫn than thở “vẫn chat webcam, email hình mỗi ngày, nhưng sao bằng ở nhà, chả biết nó ăn có được không, thấy mặt mũi hốc hác…”

 

Tôi vốn không ngọt ngào khách khí nên dè bỉu vào cái than thở của chị “bà lo gì cho con, bà lo cho bà là chính, nó thanh niên đàng hoàng, 16 tuổi chứ có phải sáu tuổi đâu, chẳng qua bà cần nó bên cạnh, bà có để nó lớn không?”

 

Nhớ lại hồi tôi và chị mới thân thiết, tôi hay ghé qua nhà chị chơi. Con chị khi đó ba tuổi còn chị thì suốt ngày công việc với dự án và công tác. Mỗi ngày sau giờ làm việc, thời gian còn lại thì chị đọc báo, tivi, buôn điện thoại, con đã có ông bà lo, chỉ thỉnh thoảng nói với con vài câu ầu ơ. Khi ấy, tôi đã nhiều lần nhắc “bớt việc đi mà chơi với con, sau này nó lớn muốn chơi với nó, nó chẳng thèm chơi đâu”. Chị chỉ cười trừ. Tôi biết lời khuyên của tôi chỉ như gió thoảng, trong mắt chị lúc ấy là những vị trí mà chị muốn đạt được. Tôi không phải là chuyên gia, lời khuyên cho chị chẳng qua rút nhìn từ mình. Tôi 14 tuổi, như bất kỳ cậu con trai nào đến tuổi dậy thì, không có lời nào của cha mẹ lọt tai, bởi đó chỉ toàn giáo huấn phải thế này thế nọ, không được cái này cái kia. Mỗi lần buộc phải đi chung với bố mẹ là một cực hình bởi sự không muốn nhận sự bao bọc.

 

Trở lại chuyện của chị, khi chị đã với được tới những điều mình muốn trong sự nghiệp thì bắt đầu thấy cần sự cân bằng. Chị bớt việc, chiều chuộng bản thân, dành nhiều thời gian cho gia đình, chăm con nhiều hơn. Nhưng việc chị muốn làm với con đã hơi muộn. Đó chính lại là lúc con chị đang không còn cần một bà mẹ ngày nào cũng nhằng nhẵng theo con.

 

Lần gần đây nhất tôi tới nhà chị chơi, trước lúc cháu lên đường đi khoá trại hè. Hai chú cháu đang rôm rả chủ đề âm nhạc với thần tượng, thì chị chen vào “con thích cái gì cho ra thích, lại đi thích mấy cái nhóm nhạc Hàn Quốc tầm thường…” Tôi chưa kịp can thì con chị đã đáp lại mẹ “Michael Learns To Rock ngày xưa mẹ thích thì hơn gì mấy nhóm nhạc Hàn con thích?”

 

Chỉ riêng với đối đáp đó, tôi cũng đã hiểu rằng khoảng cách giữa chị và con, ít nhất từ giờ cho tới khi nó trưởng thành, là không thể san lấp.

 

Theo Hoàng Minh Tú

SGTT