Vừa buồn cười vừa ngượng

(Dân trí) - Khi đó bé Bon được chừng mười tháng. Trộm mụ là cũng hay ăn, một bát loa cháo chả phải “hón” tiếng nào mà hết veo trong vòng mười phút. Hàng xóm hay lấy đó làm gương cho con mình.

 
Vừa buồn cười vừa ngượng  - 1

Trẻ con ngây thơ và vô tư, song khiến người lớn bao phen vừa buồn cười vừa ngượng.

Hôm mẹ bế Bon sang bạn chơi, bạn đang ăn, bà nịnh mãi mà bạn cứ lắc đầu nguầy nguậy, phun phì phì. Bà bực mình giơ thìa về phía Bon và nói: “Con không ăn bà cho Bon ăn hết đấy!”, nhìn sang đã thấy Bon đang há miệng rõ to, mẹ bé buồn cười song cũng xấu hổ quá vì bà hàng xóm vừa bón cho xong lại há miệng đòi ăn hết của bạn thật. Như con nhà chết đói, mà vừa ăn xong chứ lâu đâu.

 

Tết năm ấy, bố mẹ đưa Bon đi chúc Tết nhà bạn của bố, mẹ chú ấy vừa vào trong mang cái phong bao màu đỏ chưa kịp đưa cho Bon đã khoanh tay cúi đầu “ạ” rối rít rồi đưa tay ra “xin”, mẹ chỉ muốn độn thổ. Làm như mẹ ở nhà chỉ dạy con mỗi việc xin lì xì.

 

Một hôm các bạn của bà ngoại trong tổ đến chơi, rủ nhau giở sổ ra hát quan họ, bà vừa bế Bon vừa hát mà Bon cứ lấy tay bịt miệng bà và đánh vào má bà. Mẹ ngồi đó không dám cười.

 

Lần bà ngoại gặp bác trưởng phố ngoài đường, đứng lại hỏi thăm vài câu, Bon lúc đó chưa biết nói, cứ hét, “uầy, uầy”, khiến cuộc nói chuyện trở lên đứt quãng vì chẳng nghe thấy gì. Bà ngại quá, đành tạm biết bác trưởng phố rồi càu nhàu “Bon bất lịch sự nhé!”.

 

Thủa nhỏ Bon rất được cái nết ăn nhưng càng lớn càng lười. Đến năm hai tuổi thì việc ăn uống trở thành cực hình vì phải đi rong khắp nơi, hôm cho Bon về quê nội chơi có đám cưới, cả làng được phen cười bò vì lần đầu tiên chứng kiến cảnh một đứa trẻ được đưa đi ăn rong, ba người mới cho nó ăn xong một bát cháo. Ở thành phố có lẽ là chuyện bình thường nhưng ở vùng quê này thì nó vô cùng lạ.

 

Bà bác liền kể chuyện bà trông cháu nội, một đứa gần ba tuổi, một đứa mới chín tháng, bố mẹ nó đi miết tối mịt mới về, mình bà xoay xở với hai đứa trẻ, bón chỉ một loáng là xong bữa, sau đó thì đi quét sân sạch sẽ, trải chiếu rồi vác cái cũi ra, đặt đứa lớn trong cũi, đứa bé ngoài cũi được buộc một cái dây ngang người để không bò đi đâu xa, hai đứa không thể trêu ghẹo gì nhau. Bà đảo qua chợ mua đồ rồi nấu ăn, thu nép nhà cửa, chúng cứ lăn lóc như củ khoai củ sắn, lớn nhong nhỏng ra, nuôi nhàn ơi là nhàn. Trẻ con ở đây đứa nào cũng thế, làm gì có chuyện rong rẻo cho ăn, không ăn thì đói.

 

Mẹ Bon thở dài thoáng ái ngại về Bon và những đứa trẻ thành phố.

 

Mẹ Bon là hiệu trưởng, nên Bon đi nhà trẻ rất được các cô giáo quan tâm và ưu ái. Cô hay gọi Bon lên hát, đọc thơ làm mẫu cho các bạn. Nghe các cô khen nhiều, hôm ấy mẹ Bon cũng mạnh dạn lên “dự giờ” cùng vài giáo viên khác, để “thị sát” đánh giá khả năng sư phạm của cô giáo thì ít mà để khoe con thì nhiều. Vào giờ cô chủ nhiệm liền bảo: “Hà lên đọc thơ cho các bạn cùng nghe nào?”.

 

Mặt Bon vênh lên, phồng mồm nói “Không” khiến cô giáo đứng chết chân vì “cháy giáo án”.

 

Nhìn bộ mặc cong queo đến hồn nhiên của Bon mà mấy giáo viên phải căng hết cơ mặt lên để giữ không cho tiếng cười phì ra kẻo mẹ bé ngượng. Mặt mẹ Bon lúc đó tím lịm, không nói nổi câu gì.

 

Tất cả chỉ để nói lên rằng, đúng là trẻ con, ngây thơ và vô tư song khiến người lớn bao phen vừa buồn cười vừa ngượng.

 

Triệu San