Vợ tôi thích kể công

(Dân trí) - "Cái nhà này không có em không biết sẽ ra sao nữa" - Phương, vợ Minh, phàn nàn với chồng sau một buổi chiều dọn dẹp lại căn hộ của hai người. Anh lắc đầu ngán ngẩm khi lại phải nghe điệp khúc “xưa như Diễm” ấy.

Nhớ lại cái hồi còn yêu nhau, có đôi lần Minh sa chân vào thói hư, lúc đó đều nhờ Phương can ngăn khuyên nhủ anh mới được như bây giờ. Hồi ấy Minh biết ơn Phương lắm, cả đến bây giờ vẫn thế, nhưng không hiểu sao mỗi khi vợ chồng có chút xích mích Phương đều "không có em thì bây giờ anh thế nào".

 

Rồi một loạt những công lao từ trước đến giờ như chịu đựng hy sinh vì chồng, nhường nhịn anh, chăm lo cho anh, dọn dẹp nhà cửa v.v. Phương đều tua lại hết. Một, hai lần còn chịu được chứ đến lần thứ "en nờ" thì Minh thực sự bực mình.

 

Sở thích "kể công" xuất hiện ở những phụ nữ hết lòng vì gia đình, không làm điều gì khuất tất hổ thẹn với bản thân (đôi khi họ tự cho là mình như thế). Trong mắt những người phụ nữ này, hạnh phúc gia đình có được là do sự cố gắng của chính họ chứ không phải nhờ cả hai phía vợ chồng. Thế mới thấy họ vĩ đại làm sao!

 

Tất nhiên những bà vợ ưa kể lể thường chỉ muốn gợi nhớ kỷ niệm và nhắc nhở chồng về khó khăn hai người đã trải qua. Nhưng lạm dụng quá sẽ phản tác dụng, khiến chồng khó chịu và nghĩ mình đang bị coi thường, những cố gắng của chàng đang bị lờ đi, không được vợ công nhận.

 

Kể công kiểu vợ Minh còn dễ chịu, chứ kiểu "cái gì cũng vơ về mình" mới gọi là gớm ghê. Lúc nào trên môi chị em nhóm này cũng là câu "nhờ có em", "nếu không có em"… dù đôi lúc các nàng chẳng có tý công lao nào.

 

Như vợ Trung, cái gì cũng phải cố xen công vào, dù cô chỉ tham gia chút xíu. Đầu tiên là ngoài xã hội, trong công việc - giúp đồng nghiệp đươc chút gì về nhà cô khoe ầm lên và kể đi kể lại, không quên kèm thêm câu "may mà có em".

 

Chuyện gia đình cô kể tứ tung cho bạn bè, nói đến chồng lúc nào cô cũng "may mà lấy được tao", rồi "không có bố mẹ tao giúp chắc chuyện này không xong"… dù nhà ngoại chỉ giúp cho… cái số điện thoại liên hệ nhờ giúp đỡ lúc Trung đi xin việc.

 

Sống với cô vợ như thế, đôi khi các chàng thấy buồn cười vì cô vợ trẻ con, lớn rồi không suy nghĩ. Nhưng có nhiều chàng lại thích ăn thua với vợ, cãi nhau mà cơn giận tràn lên là sổ toẹt "cô có nhầm không đấy, cô chỉ giỏi phá hoại chứ giúp được gì". Nói thẳng như thế lại đỡ, chứ có người bóng gió mỉa mai, rồi đôi bên tự ái dẫn đến cãi nhau to.

 

Đôi lúc các bà vợ không hề biết rằng, họ kể lể công lao vô tình lại khiến chồng tự ái, nghĩ họ thù dai. Chẳng hạn chàng có lỡ dại ngoại tình, vợ đã nói tha thứ bỏ qua nhưng thỉnh thoảng vẫn nhắc "nếu ngày đó em không vị tha thì…" hay "em đã hy sinh để gia đình được yên ấm"… Trong vấn đề tế nhị này, các chàng tự hiểu vợ đã mất mát những gì, đâu cần các chị phải nói ra.

 

Vợ thích kể công chỉ là một hiện tượng nhỏ trong gia đình nhưng cũng góp phần làm nên những sắc màu hỷ nộ ái ố. Các chị hãy nhớ, quý ông chẳng để bụng chuyện cỏn con, sẵn sàng nhường hết công lao cho vợ. Và những gì vợ làm cho họ, họ đều hiểu rõ, không cần các chị phải nói ra.

 

Tùng Nhi