Vợ ngoan “cãi” chồng

Bản tính hiền lành, thích nhường nhịn người khác nên khi kết hôn, Hiền một mực yêu chiều chồng. Mọi việc trong nhà, Hiền luôn thuận theo ý anh, vì thế 4 năm trời chung sống, hàng xóm không hề nghe thấy họ cãi cọ với nhau một lần.

 
Vợ ngoan “cãi” chồng  - 1


 

Cuối tuần, Hiền có hẹn với đồng nghiệp đi thăm một bà đẻ cùng cơ quan. Tối hôm trước, cô đã khéo léo xin phép chồng cho đi khoảng 2 tiếng nhưng anh hơi khó chịu, bảo: “Tuần sau rảnh, anh sẽ chở em qua đó. Chơi khoảng 10 phút thì về”. Cố năn nỉ nhưng chồng lạnh lùng gắt gỏng: “Để tuần sau”.

 

“Mình cứ đi, cho chồng chừa thói bảo thủ. Cả năm chăm chỉ ở nhà, giờ xin đi chơi một chút cũng không được. Mình là vợ chứ có phải tù nhân đâu” - Hiền chia sẻ. Đúng hẹn, Hiền cứ xách túi, dắt xe đi.

 

Nghe tiếng chồng quát: “Ở nhà, không đi đâu hết”, Hiền sững người. Sau đó, Hiền cãi: “Tôi cứ đi, thích thì ly hôn”. Lúc định bước chân ra cửa thì bất ngờ, cô bị chồng túm tóc, kéo ngược trở lại và bị tát một cái vào má.

 

Dung (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn nhớ cảm giác muốn bỏ chồng tháng trước. Vợ chồng Dung cưới nhau hơn 2 năm nhưng mới có bé 6 tháng tuổi. Mong mãi mới có nên chồng Dung rất cưng chiều con. Anh vừa thuê người giúp việc vừa yêu cầu vợ nghỉ làm, ở nhà chăm con. Hôm lên mạng, Dung thấy có một công ty tuyển nhân viên văn phòng. Cô âm thầm nộp đơn thi tuyển, xin đi làm lại. Nhưng đến khi nhận điện thoại báo đi làm, Dung hớn hở báo với chồng thì anh cương quyết không cho.

 

Từ hồi lấy nhau, Dung biết chồng rất gia trưởng và bảo thủ. Nếu một cô nào khác làm vợ anh, chắc nhà cửa đã tanh bành từ lâu. Vốn bản chất hiền dịu, không muốn tranh giành, Dung thường nhường quyền tự quyết cho chồng. Cũng có vài lần cô đưa ý kiến nhưng chồng lại nhăn mặt: “Thôi, không bàn nữa”. Mãi thành quen nên chồng quyết sao thì Dung theo vậy. Tuy nhiên vì lần này ở nhà quá lâu, Dung thực sự muốn đi làm lại. Lương tuy không cao nhưng được cái gần nhà. Buổi trưa, cô có thể tạt về nhà cho con bú; buổi chiều, cô sẽ có mặt ở nhà trước chồng để lo cơm. Thế nhưng phân tích mãi, chồng Dung vẫn không “xiêu lòng”.

 

“Kệ, cứ đi làm, muốn ra sao thì ra. Đã đến lúc chồng phải tôn trọng ý kiến của vợ” - Dung tâm sự. Nói vậy nhưng thỉnh thoảng, nghe chồng cảnh báo: “Không làm ăn gì đâu đấy. Từ từ, chờ con lớn, anh xin việc cho” thì cô giật mình. Dung biết, nếu cãi chồng, cô có thể bị chồng chửi rủa thậm tệ.

 

“Sống chết mặc bay” là dòng chữ treo trên status của Trang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hai ngày nay - đó chính là lời “khiêu chiến” của cô với chồng. “Chồng mình nóng tính lại ích kỷ. Mình toàn nhường. Anh ấy đi chơi cả năm thì không sao, giờ mình muốn đi du lịch cùng cơ quan thì bị cản” - Trang than thở.

 

Chuyến du lịch Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc) của cơ quan cô kéo dài cả tuần. Công việc của chồng không thể xin nghỉ nên Trang muốn gửi con bên ngoại, đi du lịch một tuần. Anh chồng tuyên bố: “Nếu đi thì sẽ chia tay”, còn Trang cũng thách thức: “Phải thắng chồng một lần, nếu không sẽ thua suốt đời”.

 

Mâu thuẫn vì bỗng nhiên vợ đổi tính

 

Nếu mọi việc trong nhà đều tuân theo mong muốn của chồng thì việc nín nhịn của vợ đã thành thói quen. Xung đột chỉ xảy ra khi người vợ đột nhiên muốn bẻ gãy thói quen đó.

 

Khi ấy, người vợ muốn ý kiến của bản thân được chồng tôn trọng (vì xưa nay đã nhường chồng); trong khi đó, người chồng lại cho là, vợ “hư”, bướng bỉnh và ngoan cố. Người chồng vốn quen được vợ phục tùng bỗng cảm thấy bị xúc phạm khi vợ “qua mặt”. Lúc đó, cuộc cách mạng “giành quyền bình đẳng” của vợ sẽ kết thúc bằng “chiến tranh” gia đình.

 

Nói như vậy, không có nghĩa là người vợ luôn phải nín nhịn, chiều theo mọi ý thích của chồng. Chỉ có điều, nếu muốn có ý kiến sau một khoảng thời gian nhường nhịn, người vợ nên tác động đến tâm lý chồng một cách từ từ. Nên chia sẻ suy nghĩ và tâm tư với chồng; đồng thời, người vợ cũng nên biết “đòi hỏi” chồng đúng cách (ngay từ đầu chung sống). Có thể đó chỉ là đòi được xem kênh truyền hình yêu thích, đòi chồng được về bên ngoại…

 

Đòi một lần không được thì kiên trì đòi tiếp, cho đến khi chồng biết quan tâm đến suy nghĩ của vợ. Duy trì được điều này thường xuyên, vợ chồng sẽ xây dựng được thói quen biết quan tâm đến nhau, người chồng cũng bớt tính gia trưởng.

 

Nhiều người vợ quá yêu chiều và sẵn sàng nhường nhịn chồng mọi thứ mà không biết đòi hỏi những nhu cầu chính đáng cho bản thân. Khi nhận ra mình bị lép vế thì họ lại mong muốn một sự thay đổi.

 

Nếu chồng hiểu biết, thông cảm thì mong muốn của vợ sẽ nhanh được đáp ứng. Ngược lại, khi chồng đã coi mình là “vua trong nhà” thì việc vợ bỗng dưng khăng khăng làm theo ý thích của chồng chỉ khiến chồng bực dọc. Khi đó, sự thách thức giữa đôi bên thường không mang lại điều gì tốt đẹp.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé