Uất ức vì nhà chồng

Tôi là giáo viên, 25 tuổi. Tôi kết hôn gần 2 năm, con gái đầu lòng vừa tròn 6 tháng tuổi. Cuộc sống gia đình của vợ chồng trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. <i/>(Lê Phương)</i>

Trước khi kết hôn tôi đã chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi của cuộc sống. Tôi thầm nhủ sẽ cố gắng làm tốt vai trò dâu thảo, vợ hiền, mẹ đảm với gia đình, chồng con. Thực tế, tôi đã làm rất tốt dù khi mới về nhà chồng cũng không khỏi ngỡ ngàng. Từ một tiểu thư được bố mẹ nuông chiều, tôi đã cố gắng hòa nhập vào gia đình chồng.

 

Mẹ chồng tôi trồng rau bán buôn ngoài chợ nên rất bận rộn, biết vậy nên sau mỗi giờ lên lớp, tôi chăm lo chuyện cơm nước, dọn dẹp để ngôi nhà vốn không khang trang của nhà chồng được thơm tho sạch sẽ. Nhiều khi tôi cảm thấy kiệt sức vì phải gánh vác cùng lúc việc trường, việc nhà, hàng ngày còn đưa đón con của anh trai chồng đi nhà trẻ… Nhiều lúc tôi tưởng mình quỵ ngã nhưng nhờ sự động viên của em gái, tôi đã có thêm nghị lực để sống và làm việc.

 

Chuyện chỉ có thế thì không có gì để nói. Nhưng chồng tôi là người lao động tự do,  thu nhập không ổn định, tôi về làm vợ anh với gánh nặng là khoản nợ lên tới mấy trăm triệu đồng do kinh doanh thua lỗ. Sớm nhận thức được điều ấy,  tôi cố gắng làm việc để trang trải chi tiêu và dồn tiền phụ chồng trả nợ. Thu nhập từ lương và dạy thêm của tôi khoảng 3 triệu đồng/tháng không phải là nhiều nhưng ở một vùng quê nghèo cũng không phải nhỏ. Nhưng chồng tôi lại là người không biết chia sẻ với vợ, anh không bao giờ đỡ đần tôi việc nhà, cũng không có ý thức làm việc để trả nợ. Bố mẹ chồng thấy tôi làm ra tiền lại tìm cách tiêu pha; khi bắt chúng tôi xây thêm tầng hai, khi mua cho ông mấy chậu cây cảnh… Buồn lắm nhưng tôi đều chấp nhận.

 

Sinh con gái đầu lòng, sau 4 tháng nghỉ hậu sản tôi trở lại những công việc bình thường nhưng không có ai trông con giúp. Chồng tôi nói yêu con nhưng không ẵm bồng, chăm sóc bé. Bố mẹ chồng lại càng thờ ơ, mặc kệ tôi vừa chăm con vừa lo mọi việc. Tôi đành phải nhờ người bác ruột là anh trai bố tôi đến ở để chăm cháu và đỡ đần việc nhà. Chẳng ngờ, gia đình chồng lại xem bác như ô sin, sai bác làm mọi việc nhà.  Tuy giận nhưng bác vẫn nín nhịn vì sợ ảnh hưởng tới tôi, sợ tôi khổ. Nhưng rồi tôi không thể chịu nổi khi chứng kiến cảnh bác mình lo dọn cơm cho cả nhà ăn trong khi bố và anh chồng ngồi gác chân lên bàn xem ti vi.

 

Tôi nhắn tin cho chồng góp ý về cách cư xử của mọi người với bác. Chồng tôi nhắn: “Em không ở được thì đi chỗ khác!”. Thật lạ, tôi không cảm thấy sốc. Có lẽ tôi chẳng còn tha thiết với gia đình này nữa. Điều khiến tôi phân vân là nếu chuyển đến gần nơi dạy học, tôi sẽ có người trông con, không phải nhìn thấy những cảnh trái tai gai mắt; nhưng sẽ chịu nhiều điều tiếng vì đó là một vùng quê. Bên cạnh đó, tôi cũng không muốn đánh mất hạnh phúc gia đình để con tôi phải khổ. Trong tôi bây giờ chỉ còn sự chán nản, uất ức!

 

Theo PNO