Tủi hổ khi có chồng mà chịu cảnh như mẹ đơn thân, sống 3 năm với nhau mà chồng như khách trọ

Thời con gái chị cũng sắc nước hương trời, có nhiều vệ tinh vây quanh nên cứ lúng túng mãi không biết nên chọn ai làm bến đỗ cuộc đời.

Đến ba mươi tuổi chị mới lấy chồng. Anh là bộ đội. Chị nhìn vào lý lịch của anh rồi tự trấn an và yên tâm cho chính mình. Anh có công việc ổn định, là mẫu người chỉn chu, biết cách đối nhân, xử thế. Có lẽ, sống với người đàn ông như vậy chị cũng đủ hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng, mọi chuyện không như những gì chị nghĩ. Lấy anh về rồi, chị cảm thấy mình chẳng khác nào cái bóng vật vờ trong nhà, đến lúc có con lại chẳng khác nào bà mẹ đơn thân.

Cả tháng, thậm chí đôi ba tháng anh mới được về phép một lần. Thế mà quỹ thời gian quý báu ấy cũng chẳng đến lượt vợ con được hưởng. Bạn bè anh nhiều lắm, bạn thời cấp hai, thời cấp ba, bạn lính, bạn ngoài xã hội... Mỗi lần anh về phép, chị cứ cuống cả lên, quên đi bản thân mình mà lăn xả vào bếp nấu nướng chu toàn. "Giàu vì bạn sang vì vợ", các cụ nói chí phải. Chị phải cố gắng làm tròn vai để anh còn mát mặt với bạn bè.

Chị bế tắc trong cuộc hôn nhân của chính mình. Ảnh minh họa
Chị bế tắc trong cuộc hôn nhân của chính mình. Ảnh minh họa

Lần này cũng vậy, sau khi nhóm bạn anh ăn uống no nê thỏa mãn thì rủ nhau đi hát. Còn lại mỗi chị ở nhà với đống bát đĩa ngổn ngang. Con trớ vì trúng gió, rồi khóc ngằn ngặt. Người ngợm mình mẩy đầy mùi dầu mỡ, đầu lại đau nhức như búa bổ... Bất giác, chị ngồi bưng mặt khóc. Chị chưa kịp nói với anh, ngày mai anh lên đơn vị, thì tối nay cả nhà sẽ đưa con đi ăn hàng, tổ chức sinh nhật cho con.

Ấy vậy mà giờ này, anh đang say sưa bên bạn bè. Cứ cái đà đi hát, rồi đi nhậu tăng hai, tăng ba thì sớm cũng phải 1 giờ đêm anh mới về. Thời gian ngắn ngủi còn lại, anh chỉ kịp tháo đôi giầy rồi lăn ra ngủ. Sáng mai anh vội lên đơn vị rồi. Chị còn mong chờ điều gì về một bữa tiệc nho nhỏ có bánh kem và nến sinh nhật bố dành tặng cho con?

Thu dọn xong “bãi chiến trường”, chị bế con từ tay mẹ chồng rồi sửa soạn để hai mẹ con ra phố. Qua cửa hàng bánh ngọt, lướt mắt qua một lượt chị dừng lại trước chiếc bánh kem có hình thù con thỏ màu hồng ngộ nghĩnh. Không quên dặn cô bán hàng gói kèm hai cây nến nhỏ, chị chở con gái đến một quán cà phê. Bỏ bánh kem ra, đốt nến lên, con gái chị cười thích chí. Chỉ có hai mẹ con với nhau nhưng nhìn đôi mắt sáng ngời vì hạnh phúc của con, chị cũng thấy ấm lòng.

Nhiều khi, nghĩ lại cuộc sống của mình, chị ước giá như anh tinh ý hơn để nhìn thấy những nếp nhăn trên gương mặt vốn xinh đẹp của vợ ngày một nhiều, để hiểu chị đã vất vả ra sao. Và con của họ nữa, nó chỉ bám bà, bám mẹ chứ có bao giờ theo bố. Anh về nhà đã ít, mỗi lần về cũng chẳng dành thời gian chơi với con, vậy nên, lúc nào nó cũng coi anh như người xa lạ.

Tính ra, anh chị yêu nhau một năm rồi mới tổ chức hôn lễ. Đến nay chung sống cũng 3 năm rồi. Thế nhưng anh không biết chị thích ăn món gì, dị ứng với món gì. Trong khi bạn bè chí cốt của anh và cũng là bạn nhậu thì anh nắm rõ từng sở thích.

Người ngoài nhìn vào vẫn mừng cho chị vì có người chồng mẫu mực, có chí tiến thủ. Chị tự nhủ, ừ cứ như vậy đi, người ta nghĩ thế cũng có cái hay, chị vẫn tỏ ra bên ngoài là người phụ nữ hạnh phúc. Còn thẳm sâu bên trong tâm hồn, chị khao khát một người đàn ông biết yêu thương, trân trọng gia đình nhiều hơn nữa.

Cứ sống thế này, chị có khác nào một bà mẹ đơn thân. Mà không, chị chỉ khác họ một điều duy nhất là vẫn có chồng trên danh nghĩa mà thôi.

Theo Minh Thuật
Dân Việt