Tức cảnh chồng đánh vợ

(Dân trí) - Tôi đã không dám nghĩ, có chuyện người đàn ông đánh đập một người phụ nữ, hay khiếp đảm hơn là chồng đánh vợ. Song có lần tôi nhìn thấy mẹ con cô hàng xóm phải chạy khắp phố, ôm theo cái gối để phòng chú dồn đến nơi còn có cái đỡ đòn.

Tức cảnh chồng đánh vợ - 1
 
Chú đó vì bất đắc chí, không làm nên trò trống gì nên quay ra oán trách chế độ, liên miệng chửi đời và đánh vợ con.

 

Tôi tự động viên, đó chỉ là con số nhỏ. Nhưng lớn lên tôi vẫn chứng kiến nhiều gia đình, vợ con họ sống nơm nớp lo âu, các vụ bạo lực gia đình gia tăng và tôi đã học tập mẹ cách xây dựng rào chắn bảo vệ hôn nhân.

 

Mẹ tôi là một người sống biết điều, chẳng đến mức quá khéo léo song mẹ chưa bị một ai phải phàn nàn về cách cư xử. Mẹ biết giới hạn của việc tức giận đến đâu để không bao giờ cho phép mình vượt quá, đổi lại bố tôi thế nào?

 

Mẹ “ra giá” trước khi cưới, chỉ một hành động nhỏ gây tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần thì chắc chắn dù có chết mẹ cũng quyết lê xác ra khỏi nhà. Tuy không phải ai cũng biết sống, biết quan tâm và hiểu về đạo lý làm người như bố tôi, song người chồng tốt hay không là ở người vợ, đã thích nghi, rèn luyện và cảm hoá chồng ra sao.

 

Thuỳ gọi điện cho tôi báo: “Con Phương bị chồng đánh, đau lắm!”. Nếu đây là lần đầu có lẽ tôi đã long sòng sọc, chửi bới bênh vực cánh phụ nữ với mình. Nhưng nay tôi bình thản: “Để anh ta đánh một lần luôn, sau khỏi phải đánh. Nó không biết tự bảo vệ mình thì ai giúp nổi”.

 

Như dì tôi, bị chú đánh từ lúc đang mang thai con bé bốn tháng, thiếu ăn, tiền hết, cáu giận, cứ thế là phang. Đến giờ con bé đã học lớp hai và ngày ngày vẫn sang nhà tôi khóc, gọi: “Bác ơi, bố cháu lại đánh mẹ cháu!”. Nhưng họ vẫn sống với nhau. Họ chịu được thì cớ gì người khác phải can thiệp vào?

 

Thuỳ im lặng, có lẽ cũng đang như tôi. Nhớ cái lần nó mang bầu ì ạch, thấy ầm ỹ thì lóp ngóp sang can, bị chồng Phương đẩy để lấy cái ghế ném vợ. Thuỳ mất thăng bằng chới với ngã, được phen hết hồn. Đến đó, chẳng phải đầu thì cũng phải tai, không khéo lại chết oan. Tôi bực bởi Phương quá cam chịu để chồng đè đầu cưỡi cổ. Có lần nó ức chế, tức lên cũng cãi lại và tiếp tục bị đá cho đau đớn, kèm câu “dạy”: “Là chồng, tao được quyền đánh, còn mày là vợ, mày không được cãi”. Chồng nói sai sờ sờ vậy, tưởng “tức nước vỡ bờ” thế nào, cuối cùng lát sau Phương lại sụt sịt: “Vâng, em sai, cho em xin lỗi”. Tôi nghe mà sôi hết cả tiết. Lúc đó tình nghĩa vợ chồng ở đâu? Tội duy nhất của nó là đã cưới anh ta.

 

Tôi đem chuyện kể ở chỗ làm để ai đó giúp tôi nhìn khách quan hơn về sự việc. Quả nhiên các chàng trai đã mang đến cho tôi một luồng suy nghĩ tích cực. “Chẳng ai thích đánh vợ đâu, người đầu gối tay ấp với mình bao nhiêu năm, nhưng cũng có khi quá hỗn và chỉ cái tát mới khiến người ta tỉnh, biết họ là ai, đang làm gì và ở đâu”.

 

Một anh khác sôi nổi, góp chuyện: “Trả lời nhé: Một người chửi cả họ nhà em, hoặc tuy không dám hỗn với em nhưng lại đi chửi bới, xách mé phụ huynh của em nhiều lần thì có đáng đánh không?

 

Thử hỏi một người tay chống nạnh, mặt ghếch lên thách thức: “Bà thách mày động đến lông chân bà đấy, thì có nên nện không?”.

 

Tôi im bặt chưa biết nói sao thì anh đó tiếp tục: “Bụt trên tòa, gà nào mổ mắt”.

 

Tất nhiên không thể biện hộ cho việc hèn hạ ấy, song một nắm đấm phải đưa ra là điều chẳng ai muốn vì nó chứng tỏ người đàn ông đã hoàn toàn bất lực trong việc khuyên nhủ, dạy dỗ vợ bằng miệng. Gặp phải những bà bướng bỉnh, ương ngạch, khó bảo thì chỉ còn cách dùng hạ sách kia cho tỉnh ngộ ra.

 

Nghe các anh bào chữa, hùng biện, tôi chỉ biết im, và đành theo cách của người xưa “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

 

Các bà vợ, những người bị bạo hành hãy xem lại bản thân mình, có gì thất thố, liệu còn điểm nào yếu kém chưa phải phép hay không? Nên cố gắng tiếp thu, sửa chữa, bởi nói cho cùng chẳng tên điên nào lại tự dưng đánh một người vợ đáng yêu, biết lo toan, quán xuyến mọi việc tươm tất. Trừ kẻ say rượu. Trong trường hợp vì rượu mà anh ta “tập thể dục cho vợ” thì nên tạm thời bỏ đi, không chấp.

 

Còn nếu chồng “cùn”, vợ đúng mà vẫn nói sai, cần chỉ cho anh ta thấy. Phản kháng lại nếu cần, song tuyệt đối không được hỗn hào, xúc phạm. Cả hai sẽ “giận mất khôn”, tốt nhất khi chồng đang “lên cơn”, nên im lặng, tránh đi chỗ khác, đừng tỏ máu yêng hùng mà đứng ra đấu tranh kẻo thiệt thân.

 

Nếu cảm thấy anh ta là con thú không có tính người, vô lý bắt ne bắt nẹt, bẻ hành bẻ tỏi mà không thể chịu nổi thì hơn cả là ai đi đường nấy. Còn vẫn quyết tâm sống cùng, chờ ngày họ thay đổi, trong khi bản thân mình lại không thể “ép” cho cùng chí hướng với họ thì hậu quả sẽ vẫn là sưng tím mặt mày.  

 

Đừng có lôi những đứa con vào, lý do đưa ra là bỏ nhau sợ con khổ, đau lòng với hụt hẫng... Hãy xem lại đi, để chúng sống trong sợ hãi với áp lực bố đánh mẹ đều như cơm bữa còn tai hại hơn nhiều.

 

Thiều San Ly