Tốt cho mình chưa chắc tốt cho cha mẹ

“Nhà con đầy đủ tiện nghi, ăn sung mặc sướng sao má không về? Ở chi cái chỗ bừa bộn, ngủ cũng không yên vậy má?”, chị Thảo trách mẹ trong tiếng nghẹn ngào.

Tốt cho mình chưa chắc tốt cho cha mẹ

Người già cần tình cảm, sự gần gũi với con cháu hơn là sung sướng vật chất mà cô đơn hiu quạnh. Ảnh: L.H.T 

Cá chậu chim lồng

 

Chuyện là, gia đình chị Thảo có năm anh chị em. Ba người kia ở nơi khác, chỉ có chị và người em gái kế xây nhà trên miếng đất được cha mẹ chia ở quận 12. Bà Ngà, mẹ chị Thảo, 74 tuổi ở một mình trong căn nhà tổ, hai con gái sớm hôm qua thăm nom. Năm rồi, bà Ngà buộc lòng phải bán căn nhà tổ để trả nợ cho con trai lớn. Từ ngày bán nhà, bà Ngà dọn qua ở chung với con gái út trong căn nhà cấp bốn. Cô gái út bán tạp hoá, bày thêm đồ hàng bông bán trước cửa nên nhà khá bề bộn.

 

Trong khi đó, nhà của chị Thảo là biệt thự sân vườn, chồng chị cũng rất muốn mẹ vợ về ở chung. Nhiều lần hai vợ chồng chị Thảo qua năn nỉ nhưng bà Ngà nhất quyết từ chối. Hai vợ chồng chỉ còn cách chạy qua thăm nom mỗi ngày. Vừa rồi, tạt qua nhà em gái, thấy mẹ đang ngủ ngon lành trên chiếc võng ở góc nhà thì bị cậu bé hàng xóm gọi dậy mua bịch bánh. Chị Thảo xót ruột, không kìm được nước mắt. “Có phải má thương con út hơn nên thích ở với nó?”, chị Thảo trách hờn mẹ.

 

Bà Ngà giải thích với các con: “Má ở đâu thấy thoải mái thì ở, chứ không ghét bỏ đứa nào”. Chị Thảo cãi: “Chứ nhà con khang trang, đầy đủ tiện nghi như vậy má ở không thấy thoải mái sao?”

 

Nhưng bà Ngà kể cho mấy bà bạn già chung xóm nghe thì họ lại hiểu, có lẽ cũng đồng phận già. Bởi lẽ, chị Thảo là người kỹ lưỡng nên nhà lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Mấy lần bà qua thăm chị, phải bấm chuông, kêu cửa hồi lâu mới có người chạy ra mở. Bà nhai trầu, nhổ cẩn thận vào lon sữa bò nhưng vẫn bị rơi bã trầu ra. Thế là chị Thảo lật đật mang khăn ra lau. Hễ bà sơ sẩy chút gì là chị lập tức dọn sạch, khiến bà đâm ngại. Còn ở nhà cô út, bà thoải mái ăn trầu, muốn để lon bã trầu ở đâu cũng được. Trưa trưa, bà lại nằm đong đưa trên cái võng mắc ở góc nhà hứng gió mát, sẵn tiện coi hàng giúp con. Hơn nữa, là chỗ bán hàng nên người ra vô thường xuyên, bà có dịp gặp gỡ, nói chuyện với mọi người cũng vui. Mấy chuyện này bà làm sao nói với con cho được?

 

Còn hai vợ chồng ông Quang, bà Mai từ khi bị con trai lớn ép về ở chung thì sức khoẻ sa sút hẳn. Mặc dù, con dâu và các cháu đều rất có hiếu. Con trai thì dành hẳn một tầng thượng, có vườn cây, hồ cá, nuôi chim cho ông bà giải khuây. Thấy cha mẹ cứ buồn buồn, sức khoẻ kém hẳn, con trai bèn “trả” cha mẹ về chốn cũ. Chốn cũ của ông bà là ngôi nhà nhỏ ở quận 8, ở chung với cậu con trai út còn độc thân. Con trai út đi làm suốt ngày, có khi không về nhà. Hai ông bà ở nhà, tự nấu cơm, giặt giũ. Thỉnh thoảng thuỷ triều lên, nhà bị ngập nước, hì hục kê lại đồ đạc nhưng ông bà lại thấy vui. Ông Quang nói: “Ở đây còn đi ra đi vô, nhắc ghế ra sân ngồi nói chuyện với hàng xóm. Còn ở nhà cao cửa rộng phải ru rú trong nhà, không động chân tay. Có cảm giác mình là... thú cưng của tụi nó”.

 

Cảm xúc của cha mẹ là quan trọng nhất

 

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Tâm Nhàn, trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt nhận xét, việc cha mẹ chọn ở với người con nào tuỳ thuộc vào hai yếu tố. Một là, cách cư xử của gia đình người con, bao gồm con dâu, con rể và các cháu với cha mẹ, ông bà như thế nào? Hai là, môi trường sống có phù hợp với yêu cầu của cha mẹ hay không?

 

Phụng dưỡng, chu cấp đầy đủ vật chất nhưng cha mẹ có cảm thấy sung sướng, hạnh phúc hay không cũng còn do thói quen của cha mẹ. Người già thường thích hoạt động, không thích ngồi không. Bởi ăn ở không khiến họ có cảm giác mình vô dụng, không hoạt động chân tay sẽ thấy ăn uống không ngon miệng, khó ngủ. Hơn nữa, nhà kín cổng cao tường, không được ra ngoài nhìn ngó tới lui, giao lưu hàng xóm cũng khiến cha mẹ cảm thấy bức bối.

 

Cha mẹ thường không muốn làm phiền con cái, không muốn là gánh nặng cho con. Cha mẹ thường sẽ chọn ở chung với đứa con nào cần mình hơn, có thể giúp đỡ được con như giữ cháu, lo cơm nước, làm việc lặt vặt... Đó là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái.

 

Chuyên gia tâm lý Tâm Nhàn đưa ra lời khuyên: “Sự cảm nhận của cha mẹ là điều quan trọng. Liệu mình cho là tốt thì có tốt cho cha mẹ không? Con cư xử đúng nhưng không hợp ý cha mẹ. Nên chiều theo suy nghĩ của cha mẹ, không nên ép buộc”.

 

Theo Minh Cúc

Sài Gòn tiếp thị