Tình yêu “mắc kẹt” trong khủng hoảng

Đối với đa số các chàng trai, tình trạng thất nghiệp là điều họ ít muốn tiết lộ nhất cho một cô “người yêu tiềm năng”. Dù không bị đòi hỏi phải trả tiền trong buổi hẹn, họ vẫn cảm thấy áp lực từ những cô gái luôn tìm kiếm người có tài chính ổn định.

 

 

 

 

 

Tình yêu “mắc kẹt” trong khủng hoảng - 1


Sean Hamilton, ở Dallas, nghĩ rằng anh sẽ tạm ngừng tìm kiếm “người đặc biệt” của mình khi mất việc hồi tháng 1/2009.

 

Với thu nhập giảm tới 90% và tình trạng thất nghiệp nói chung vẫn đang tăng, chàng trai trẻ là chuyên gia công nghệ thông tin này thực sự không thể trả tiền cho một bữa tối nếu hẹn hò. Và làm sao anh có thể giải thích được tình hình tài chính của mình mà không bị các cô gái coi là kẻ lười biếng, ăn bám hoặc thậm chí là… lợi dụng?

 

Nam giới bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữ giới trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
 
Gần 80% số người bị mất việc tại Mỹ từ tháng 12/2007 là nam giới, theo chuyên gia kinh tế Mark J. Perry, chuyên phân tích dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ.
 
Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2009 là 10% ở nam giới và 7,6% là nữ giới.
“Nói thẳng ra, các cô gái không ham một anh chàng rỗng túi” - Hamilton nói, dù hiện nay anh vẫn làm cố vấn part-time. Nhưng anh đã có chiến lược của riêng mình: “Khi nói chuyện với họ, tôi không đề cập đến việc làm hoặc tiền nong”.

 

Nếu cứ bị gặng hỏi, Hamilton sẽ nói mình làm nghề tư vấn. Anh cũng cố giảm chi phí cho các buổi hẹn hò, nếu có, bằng cách tự nấu ăn cho cô gái của mình.

 

Học đơn giản hóa

 

Christie Nightingale, làm việc cho dịch vụ hẹn hò Premier Match phục vụ các khách hàng ở Washington, Philadelphia và New York nói rằng: Một anh chàng thất nghiệp rất khó để ghép đôi.

 

Cô kể rằng mình đã từng ca ngợi các khách hàng nam giới với những công việc đáng nể, nhưng giờ đây, cô sẽ phải giải thích với các khách hàng nữ rằng một anh chàng nào đó là người tuyệt vời về những khía cạnh khác - như ngoại hình, phong cách sống - rồi thêm: “nhưng mà anh ấy đang tìm việc”.

 

“Tôi thấy nữ giới rất dễ chấp nhận và thông cảm” - cô nói - “Một số cô gái cũng đã từng trải qua sự việc đó rồi. Họ cũng có những người bạn bị mất việc. Đó là do thời điểm khó khăn mà tất cả chúng ta đều đang phải chịu”.

 

Colin Deeb, 25 tuổi, từng làm cho một công ty tư vấn tin học, cũng bị cho thôi việc hồi tháng 11/2008. Deeb nói rằng anh đã gặp một số cô gái “tỏ ra ít hứng thú hơn nhiều ngay lúc tôi nói với họ rằng tôi đang không có việc”.

 

Nhưng những cô gái như thế cũng không phải là nhiều lắm. Chàng trai đang-muốn-trở-thành-diễn viên ở Brooklyn (New York) này nói rằng anh đang tích cực tìm việc và đi thử vai - và điều này giúp anh rất nhiều. Anh trở nên sáng tạo hơn với các buổi hẹn, như rủ các cô gái đi đạp xe, uống cà phê hoặc tham gia một hoạt động gì đó không đắt đỏ.

 

“Bạn sẽ học cách làm cho mọi thứ đơn giản thôi, khi mà bạn không có nhiều việc để làm như bạn mong muốn” - anh nói - “Thường thì các cô gái cũng sẽ thông cảm với điều đó”.

 

“Đơn giản” cũng có giới hạn

 

Melissa Braverman, sống ở thành phố New York kể rằng cô biết một cô gái khác, được mời hẹn hò bằng cách đi dạo và cô coi đó là “đèn đỏ”.

 

Và trong vòng 6 tháng vừa qua, Braverman đã để ý thấy rằng các chàng trai khi hẹn hò thường không gợi ý đi ăn tối nữa. Và khi hẹn hò để uống cà phê thì họ thường giới hạn thời gian trong khoảng một tiếng đồng hồ thôi. Cô cũng biết thế nên khi tới các quán cà phê không gọi đến ly nước thứ hai.

 

“Nhưng nhiều khi, cuộc khủng hoảng trở thành một cái cớ” - Braverman nói - “Nam giới không chịu chủ động, không gợi ý những buổi hẹn thú vị nữa. Họ sẽ tỏ ra kiểu như là “anh không thể mời em đi ăn được, nên chúng ta làm gì cũng ngắn gọn thôi nhé”. Thật đáng tiếc, vì trong đa số các trường hợp, tình cảm cần có thời gian tìm hiểu mới phát triển được”.

 

Giữ một thái độ tích cực

 

Christopher Floyd, một nhiếp ảnh gia và sản xuất chương trình video ở Albuquerque, bang New Mexico, đã hầu như ngừng liên lạc với một cô gái mà anh gặp ở eHarmony vào cuối năm ngoái do tình hình tài chính của anh không ổn định. Công việc làm ăn của anh đã giảm 65% và anh định bán nhà.

 

Nhưng “tình yêu tiềm năng” của anh, Angela Sowers, làm việc ở một doanh nghiệp về nhân sự ở Sacramento (bang California), thuyết phục anh cứ tiếp tục mối quan hệ. Cô bay đến gặp anh và hai người đã rất có cảm tình với nhau.

 

Floyd sẽ chuyển tới ở cùng Sowers và bố mẹ cô, và hai người chính thức sống với nhau.

 

Sowers, tuy không phải giàu có gì, nói rằng cô không quá lo lắng về việc Floyd đang có rất ít nguồn thu nhập. Cô hy vọng anh sẽ có nhiều việc để làm ở Sacramento.

 

“Tình yêu không đặt nền tảng trên việc người đàn ông kiếm được bao nhiêu tiền” - cô nói - “Điều quan trọng là con người anh ấy, anh ấy là ai và có trái tim như thế nào. Đó mới là điều tôi quan tâm”.

 

Vậy là các chàng trai vẫn có nhiều điều để lạc quan ngay khi kinh tế khó khăn nhất.

 

 Theo SVVN