Thú cưng làm hỏng đời sống vợ chồng

(Dân trí) - Căn hộ tập thể chừng hai mươi mét vuông chẳng đủ không gian sống cho vợ chồng Hải cùng đứa con nhỏ giờ thêm chật chội từ lúc Hải vác thêm về một con mèo.

Con mèo được đặt trong một cái giỏ nhỏ gần cửa ra vào. Sau những vất vả thường ngày, Hải có cảm giác giải tỏa rất nhiều khi vuốt ve, chăm sóc nó.

 

Con của Hải cũng thích “em mèo” lắm. Từ khi có em mèo, cu cậu không cần mẹ bế dong ngoài đường dỗ cho ăn nữa.

 

Hải luôn phải cẩn thận với con mèo, không để nó ảnh hưởng tới sinh hoạt của cả nhà, nhưng những phiền toái vẫn chẳng tránh khỏi.

 

Nghĩa, chồng Hải, rất dị ứng với con vật bốn chân ấy. Có lần đi công tác xa phải về trưa chuẩn bị đồ, vừa bước chân đến cửa, Nghĩa phát bực mình khi thấy con “quái dị” leo lên giường nằm chình ình trên ấy.

 

Rồi cũng từ khi có nó, Nghĩa không thoải mái chuyện chăm sóc con của Hải. Mỗi lần nhìn thấy thằng nhỏ ôm ấp mèo, Nghĩa lại nổi cáu: “Em có biết là lông mèo không tốt cho trẻ không!”.

 

Đang ngủ, Nghĩa giật mình bởi tiếng khóc của con. Hóa ra thằng nhỏ chơi với mèo một mình trong lúc mẹ làm bếp, bị nó cào cho xướt xát cả tay. Tức khí, Nghĩa giằng lấy con mèo, ném vào xó nhà, nổi um với vợ: “Đã bảo em bao lần rồi, vứt con mèo này đi!”.

 

Vợ chồng to tiếng, Nghĩa vẫn phản đối quyết liệt, cuối cùng Hải đành nhượng bộ đưa con mèo về nhà ông bà nội. 

 

Dũng lại có thú chơi chim cảnh. Lần công tác trên Sơn La, Dũng được anh bạn tặng cho một chú họa mi. Dũng thích thú lắm vì có đi cả Hà Nội cũng không tìm được con chim nào đẹp như vậy.

 

Hết giờ làm về đến nhà, Dũng dành hết thời gian cho chim quý. Anh cất công lòng vòng khắp thành phố để tìm cho nó chiếc lồng tương xứng. Nghe tiếng chim hót mỗi bình minh, Dũng yêu đời hơn hẳn.

 

Vợ Dũng giận dỗi ra mặt vì chồng không còn quan tâm đến mình, lượng lậu cũng cắt xén để dành nuôi và mua chim. Vốn người chẳng có cái thú chơi tao nhã như chồng, chị từng thắc mắc: “Tự nhiên anh tha mấy con chim về nhà làm gì, thời gian đâu. Anh mang về thì tự chăm, em bận tối mắt tối mũi đấy…”.

 

Cuối tháng, cơ quan điều Dũng đi công tác An Giang một tuần. Là công việc thì phải đi, nhưng chàng lo cho lũ chim ở nhà lắm, nên lên kế hoạch ghi chép rất cẩn thận những loại thức ăn, giờ giấc ăn của chim để nhờ vợ giúp. 

 

Việc nhà bận rộn, lại không có “nhã hứng”, vợ Dũng quên khuấy việc chồng nhờ. Con họa mi quý lúc được nhớ ra thì đã chết đói từ hôm nào. Các lồng khác cũng cảnh hết thức ăn, hết nước.   

 

Đau lòng, xót con chim bao nhiêu, Dũng giận vợ bấy nhiêu. Anh không nói với vợ một tiếng trong mấy tuần liền. Mặt mũi hai vợ chồng lúc nào cũng như đeo chì vậy.

 

Để tránh cảnh lục đục không đâu, trước khi quyết định mang vật nuôi về nhà, vợ chồng cần trao đổi, bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng đến điều kiện, đặc điểm gia đình, chớ để thú vui của mình ảnh hưởng đến các thành viên khác.

 

Cuộc sống gia đình cần nỗ lực chia sẻ và thích nghi chung của cả vợ lẫn chồng. Nếu không thể điều đình, hãy coi niềm vui của anh (cô) ấy khi có vật nuôi là niềm hạnh phúc của bạn.

 

DK