Theo vợ vào… phòng đẻ

(Dân trí) - Rất nhiều cảnh cảm động và âu yếm mà không kém bi hài đã diễn ra khi các ông bố trẻ được tận mắt chiêm ngưỡng thời khắc đứa con ra đời. Ông hát, ông hô hào cổ vũ, ông lại bật khóc ngon lành. Tất nhiên không ngoại trừ cảnh có ông há mồm ra … rặn!

Bác sĩ T., bệnh viện Từ Dũ, kể lại câu chuyện cảm động của Phi, một anh chồng 26 tuổi lần đầu được làm bố.

 

Chàng dìu vợ vào phòng sinh, nắm tay, đấm lưng, xuýt xoa lau mồ hôi cho vợ mỗi khi nàng lên cơn gò. Khi cô hộ sinh hô rặn thấy chàng cũng nín thở nhắm mắt… rặn. Cả phòng đẻ không ai nhịn được cười. Thuỷ, vợ chàng dù đau nhưng cũng phải méo mặt… cười!  Đến khi em bé chui ra, đỏ hỏn, lòng thòng, dãi rớt, cất những tiếng khóc đầu tiên thì Phi cũng oà khóc.

 

“Lúc ấy mình mới thực sự hiểu ý nghĩa của hai tiếng gia đình. Thấy thương vợ thương con nhiều hơn và thấy mình thật đáng trách khi lăn tăn chuyện sinh con trai hay gái để được “ngồi mâm trên”- Phi tâm sự.

 

Đến bây giờ, ông bố trẻ vẫn kể lại chuyện chào đời của cô con gái đầu lòng 2 tuổi bằng giọng náo nức, xúc động và anh chàng còn toàn “tranh” với vợ để được cho con ăn.

 

Ở những quốc gia phát triển, việc các ông chồng theo vợ vào tận phòng sinh khá hiển nhiên và dễ dàng. Nhưng tại Việt Nam, đây còn là điều mới mẻ, chỉ xuất hiện ở Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội), Phụ sản quốc tế TPHCM, và Từ Dũ, Hùng Vương (mà cũng phải do bệnh nhân yêu cầu dịch vụ phòng sinh gia đình).

 

Sự quá tải của các bệnh viện có lẽ là nguyên nhân khiến dịch vụ này chưa phát triển. Mặt khác, nhiều người cũng cho rằng chuyện này không cần thiết.

 

Phương, 30 tuổi đưa vợ đến sinh ở Bệnh viện phụ sản TW (Viện C). Đứng trước cửa phòng đẻ, anh rất lo lắng, “rít” hết cả bao thuốc mặc dù đã có bác sỹ quen gửi gắm.

 

Nhưng vợ vừa sinh song, khi anh bác sỹ “linh động” gọi vào động viên vợ thì anh ngại ngần đứng tít tắp cửa phòng nói với vào: “Em ơi, xong rồi à” rồi chạy tọt ra ngoài. Nghe mấy anh đồng nghiệp lúc rỗi rãi thường doạ nhau là vợ đẻ xong thì “cái ấy” trông khiếp lắm, nên Phương càng sợ.

 

Về phía các bà vợ, cũng nhiều người không muốn cho chồng chứng kiến cảnh “lâm bồn”, sợ làm hỏng hình ảnh đẹp đẽ khép nép trong mắt chồng khi chứng kiến cảnh quằn quại rên la máu me trên bàn đẻ.

 

Trong hành lang bệnh viện Hùng Vương, Quyên, mang thai tháng thứ 7, lắc đầu quầy quậy: “Trời ơi, tè he vậy đẹp gì đâu mà khoe chị, mấy ổng nhìn thấy chắc phát hãi, cả năm sau không dám gần vợ mất! Nếu cho người vào, em chỉ muốn mẹ em vào thôi!”.

 

Đúng là có nhiều ông chồng bị “phản ứng ngược” khi chứng kiến cảnh sinh nở. Các hình ảnh đầy “ấn tượng mạnh” đó cứ ám ảnh mỗi khi vợ chồng gần gũi sau này.

 

Tuy nhiên, nếu được chuẩn bị đầy đủ kiến thức và tâm lý trước, chẳng hạn như cùng vợ đi học lớp tiền sản, thì việc được tự tay cắt rốn cho con là một kỷ niệm thiêng liêng không thể nào quên trong cuộc sống vốn đã nhiều “ấn tượng mạnh” của các chàng.

 

Chứng kiến vợ quằn quại mãi mà đầu bé con mới chỉ lấp ló rồi lại thụt vào, Tuân, giám đốc một Cty xây dựng cuống quít nắm tay vợ hô lạc cả giọng: “Vợ ơi cố lên, Cún ơi cố lên” y chang mấy bé nhi đồng ở showgames trên TV.

 

Chàng quên cả lời dặn dò của cô vợ chỉ cho đứng trên đầu chứ không được... dòm từ dưới, bấm máy ảnh tía lia ghi lại giây phút chào đời của đứa con, rồi quay sang ôm chầm lấy anh bác sỹ trẻ đỡ đẻ.

 

Người viết bài này cũng đã từng may mắn được được chồng ở bên trong khi vượt cạn. Cảm giác đọng lại là chưa bao giờ hạnh phúc đến thế, khi có chồng ở bên động viên giúp sức, được nhìn đứa con bé bỏng tuột vào đời, run rẩy trên đôi tay cũng run run của ba nó, được chồng đặt cái hôn lên môi cùng lời cảm ơn vợ đã sinh cho anh một đứa con tuyệt vời.

 

Sau đó, ông xã tâm sự lại là chẳng còn hơi sức đâu nhìn ngó vợ xấu hay đẹp (mà có ai đẹp được theo nghĩa thông thường) mà chỉ thấy thương, thấy làm phụ nữ sao mà vất vả, sau đó càng thương, càng quý trọng vợ hơn, thấy hiểu thêm đạo nghĩa vợ chồng.

 

Các ông chồng trẻ nếu có điều kiện, hãy đi học một lớp tiền sản để tìm hiểu, chọn một bệnh viện có dịch vụ sinh con gia đình và tận hưởng niềm hạnh phúc thiêng liêng, một cảm giác có một không hai ngay cả đối với những ông từng trải nhất! 

 

Hạnh Chi