Thèm tiếng trẻ thơ

(Dân trí) - “Dừa điếc”, “cá rô đực”- cái tên người ta thường dùng để gọi những phụ nữ kém may mắn trong đường con cái. Vô sinh không phải cái tội, nó đơn thuần chỉ là một nỗi bất hạnh của phái yếu mà đôi khi “thủ phạm” giấu mặt lại chính là các đức lang quân.

Chuyện nhà “cá rô đực”

 

Yêu nhau hai năm, Nam và Nhung không thể chờ đợi thêm được nữa. Trước “bữa cơm” quá quyến rũ của thần ái tình, họ đành ăn trước kẻng. Lần đầu, lần hai rồi lần ba… tất cả đều “an toàn” dù cả hai đều không dùng “bảo hộ lao động”.

 

“Ăn vụng” mà không phải lo chùi mép, cả Nam và Nhung vô tư “dùng bữa”, không mảy may để ý đến sự khác thường, không lường được những nguy cơ đang rình rập. Ngày cưới cũng đến, sáu tháng rồi một năm trôi qua, mọi người đều trông đợi một thành viên mới trong nhà, chỉ có cặp vợ chồng trẻ là biết điều gì đang xảy ra...

 

Dũng và Hiền sau 11 năm chung sống vẫn “bên đời hiu quạnh” dù đã cố gắng thử mọi biện pháp.

 

Mẹ chồng thúc giục, lâu dần thành đay nghiến con dâu là đồ “cá rô đực”, đồ “dừa điếc”. Lời qua tiếng lại, nhiều lần bà đùng đùng nổi giận: “Nếu không đẻ được thì buông tha cho thằng Dũng để nó đi kiếm cho tôi một mụn cháu. Chị có biết không đẻ được là có tội với tổ tiên không? Sao số tôi nó khổ thế này?!”

 

Hơn ai hết, Dũng hiểu rõ sự tình, vừa an ủi vợ, vừa khuyên can mẹ. Dũng biết vợ mình, “mặt tiền” tốt, “điện nước” hoàn hảo, hơn nữa cả hai vợ chồng đã đi khám mà chẳng định rõ được nguyên nhân nào cụ thể. Trong lúc chờ tìm giải pháp, Dũng chỉ còn biết làm công tác tư tưởng cho cả mẹ và vợ.

 

Muôn nẻo đường vô sinh

 

Không chỉ những cô gái có vấn đề về sức khỏe mới lo không sinh con được. Nhiều bóng hồng ngày nay “máy móc” tốt, hoạt động “nhạy” vẫn phải đối mặt với nguy cơ chối bỏ thiên chức làm mẹ như thường.

 

Hường vốn tôn thờ lối sống thoáng: “Yêu là phải cho, nếu không đó chỉ là tình bạn khác phái không hơn không kém”. Nhưng quan niệm này đã thay đổi khi Hường nạo thai lần thứ hai.

 

Bị nhiễm trùng, Hường chết lặng khi nghe bác sỹ thông báo phải “hy sinh” chức năng làm mẹ. Cô đau đớn tột cùng, thậm chí không còn nước mắt để ân hận nhưng cũng chẳng thể làm gì hơn vì đây là phán xét cuối cùng của chuỗi ngày sống “thoáng”.

 

Không “thoáng” như Hường nhưng Xuân vẫn phải đau đớn vì sự không may của mình. Năm học lớp 3, trong một lần tập xe đạp, cô đã bị thương rất nặng ở vùng kín. Bác sỹ báo tin buồn, bố ủ rũ lắc đầu, mẹ giàn giụa nước mắt, chỉ có cô bé ngây thơ là không hiểu điều gì sẽ xảy ra với cô trong tương lai. Giờ đây khi đã làm vợ, Xuân chỉ còn biết thầm trách số phận đã không công bằng.

 

Giải pháp nào cho vô sinh?

 

Một năm trôi qua, cặp vợ chồng trẻ Nam Nhung bắt đầu hoang mang trước sức ép của gia đình. Hai vợ chồng buộc lòng đi khám, kết quả hoàn toàn ngược với dự đoán, người “điếc” lại là Nam.

 

“Binh lính” của Nam tuy đông nhưng thiếu đội ngũ “tinh nhuệ”, tính kỷ luật không cao, “xuất trận” thất thường. Trước tình hình đó, Nam một mặt nâng cao tính kỷ luật “quân đội”, một mặt tìm hiểu phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

 

Thương mẹ, yêu vợ, nhưng cuối cùng Dũng vẫn phải chấp nhận làm đơn li dị - hậu quả của cuộc chiến đẫm nước mắt giữa mẹ chồng và nàng dâu. Bất lực nhìn hạnh phúc đổ vỡ, Dũng không biết nên trách mẹ hay trách vợ nữa.

 

Giờ đây sau 5 năm chia tay, họ gặp lại nhau, ai cũng có gia đình hạnh phúc, con cái đề huề. Không hiểu nổi lí do, không một lời trách cứ, chỉ có tiếng thở dài sau nụ cười gượng gạo “chúng mình có duyên mà không có phận”.  

 

Nhiều chị em thiếu may mắn lại chọn cho mình giải pháp nhẹ nhàng hơn: Xin con nuôi. Đây cũng là sự lựa chọn của rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Một người phụ nữ luống tuổi, lần đầu tiên được nghe tiếng mẹ từ đứa con nuôi đã nghẹn ngào: “Với khát khao được làm mẹ thì ranh giới giữa con đẻ và con nuôi sẽ bị xóa nhòa”.

 

Hiếm muộn là nỗi khổ không của riêng ai, nhất là đối với người phụ nữ. Hãy chia sẻ và cảm thông với họ vì đôi khi nguyên nhân lại xuất phát từ phái mạnh. Vấn đề nào cũng có thể tìm ra được giải pháp nếu người ta yêu thương nhau chân thành và cùng khát khao một đứa con dù là con nuôi hay con đẻ.

 

Thanh Phong