Tần suất “yêu” phù hợp

Y học đã chứng minh, mật độ “gần gũi” thích hợp không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn giúp bạn làm tốt công việc ngoài xã hội. Quan tâm đến nhau chính là chìa khóa tìm ra mật độ gối chăn phù hợp nhất.

Các yếu tố quyết định “mật độ”

 Hoàn cảnh riêng

 

Tần xuất yêu đương phụ thuộc vào đặc điểm của mỗi cặp vợ chồng. Chẳng hạn sự cách biệt về thể chất (chồng già vợ trẻ, vợ hoặc chồng có bệnh) hay thời gian (thường xuyên vắng nhà, đi công tác xa).

 

Không phải cặp vợ chồng nào cũng hoà hợp ngay lập tức. Gượng ép trong khi quan hệ hoặc đòi hỏi quá cao sẽ gây nên bất đồng. Biểu hiện thường gặp là các phản ứng về sức khoẻ và tinh thần như giao hợp đau, mệt mỏi, đau thắt bụng dưới...

 

Bạn có thể tự kiểm tra xem mật độ gối chăn đã thích hợp chưa bằng cách “lắng nghe” cơ thể của mình. Sau một đêm ngọt ngào, nếu tinh thần minh mẫn, sảng khoái, vui vẻ, có nghĩa là bạn đã đi đúng hướng. Nếu bạn thấy uể oải, buồn ngủ, choáng váng, nhức đầu thì cần xem xét lại.

 

Cảm xúc và sự quan tâm

 

Chuyện “yêu đương” phải tuỳ thuộc cảm giác. Nếu một người “lên lịch” gần gũi, bất chấp người kia có muốn hay không, chuyện ấy sẽ trở nên nhàm chán hoặc tệ hơn, thành chịu đựng.

 

Cảm thông, chia sẻ vẫn là cách tốt nhất để điều chỉnh mật độ quan hệ. Nếu bạn và chàng có sự cách biệt về tuổi tác, thể chất, công việc.... người nào có sức khoẻ hơn nên quan tâm giúp đỡ người kia.

 

Con số lý tưởng

 

Theo các bác sĩ, quan hệ vợ chồng cần có thời gian giãn cách nhất định. Trung bình mỗi tuần, vợ chồng nên gần nhau 1-2 lần. Khi sức khoẻ hai người đầy đủ, ham muốn sẽ tăng. Như thế, cả hai mới dễ tạo cho nhau hưng phấn.

 

Nếu bạn và chàng ở bên nhau cả tháng mà chỉ có 1 lần gần gũi, e rằng tình cảm vợ chồng sẽ có vấn đề, ham muốn cũng nhạt phai. Đều đặn mỗi ngày lại dễ “bội thực”, chưa kể sức khoẻ bị ảnh hưởng đáng kể.

 

Theo Tiếp Thị và Gia Đình