Sợ gì tết

(Dân trí) - Chị giống như bao bà nội trợ khác, chả thích thú gì khi xuân sang, thậm chí còn là sợ… Tết đến, đi lại nhiều, tiêu pha lắm, tốn kém, mệt mỏi.

Vậy là cứ cố co kéo, cân đối thu chi. Mua gì, không mua gì, biếu bố mẹ hai bên mấy tiền, nhân dịp về tết mừng đám em họ mới đẻ bao nhiêu thì vừa, trăm khoản đổ đầu cái tết tội nghiệp, mà lỡ vung tay thì ra giêng ăn gì, vay nợ thì khéo dông cả năm.

Thật ra, giờ không còn quan trọng chuyện cỗ bàn nữa, thậm chí là chẳng dám ăn nhiều vì sợ béo, ấy thế nhưng tết đến là vẫn phải mâm cao cỗ đầy, món này món khác, cổ truyền có, mới mẻ có, càng lạ càng sang, kể cả có bưng ra bê vào cất tủ lạnh, ra giêng mới ăn hết cũng được. Sao mà nhiêu khê quá!

Rồi cả việc đi chạy sô chúc tết nữa, gặp đoàn này đoàn khác, vội vã chúc cho nhanh, còn kịp sang nhà khác kẻo bị trách. Tết thành ra thiếu ngủ, ăn uống vô tội vạ, chẳng vào cái giờ giấc nào, suốt ngày chỉ có dọn dẹp. Có khi vừa mới rửa bát bước lên, khi ấy cũng đã hai giờ chiều, khách đến, bố chồng lại bài ca: “Xem có món gì bày lên mời bác đi con”, khách chả muốn ăn đâu nhưng bị nài ép quá, sợ mất dông nên miễn cưỡng ngồi xuống, cầm bát đũa cho gia chủ vui lòng, rồi có ăn miếng nào đâu… Lại mất công khổ chủ đi thu nép, khiến người càng bải hoải, thấy tết thật đáng sợ!

Năm nay, sau gần chục năm làm dâu, thì chị cũng đã “giác ngộ” và trấn áp được nỗi sợ ấy. Cũng bởi con gái chị đã lớn, thằng con trai bé hơn song cũng đã biết làm khối việc đỡ mẹ. Chị luôn tạo điều kiện cho các con lao động, để thấy tết sum vầy, ý nghĩa hơn. Việc chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp chúng nó được chị cho phép làm cùng, nó có lóng ngóng làm vỡ cái bát, cái đĩa thì chị lại động viên: “Thế ông bà mới có cơ hội dùng bát mới”, từ trong năm chị đã tặng cho hai bộ, để bà khỏi xót ruột.

Vậy là không có chuyện người làm người chơi, ông nội với chú chúng nó thấy các cháu làm thì ngồi không cũng ngại, nên cứ mỗi người một tay một chân, việc chả mấy mà vãn. Tết với chị nhàn đi đáng kể!

Tiền nong cũng không phải tốn kém nhiều nữa, đồ khô dùng cho tết thì từ tháng chạp chị đã cùng đồng nghiệp mua chung với nhau, cho tiện công chuyên chở. Toàn từ đồng quê quen như gạo ngon, măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ, hương vòng… Có những thứ thì nhờ lái xe mỗi lần đi công tác, tặng quà tết khách hàng, lại qua vùng đó mua hộ, nên giá khá hợp lý. Chị đóng gọn vào thùng, hôm nào chú em chồng qua thì mang về trước, hoặc không thì gửi xe khách.

Về tết, chị biếu mẹ chồng một khoản nhỏ để bà mua thêm gì thì mua, cùng vài trăm tiền mới, để bà lì xì bọn trẻ trong làng. Còn đâu chị dành tiền mừng tuổi các ông bà trong họ, coi như kính già già để tuổi cho... Cứ thế cái tết gọn nhẹ qua đi, chị cười tỉnh bơ, sợ gì tết.

Giờ chị cảm nhận rõ rệt hơn, Tết đơn thuần là dịp để nhìn lại một năm, để tổng kết và trao thưởng cho gia đình và cả bản thân mình. Tết còn là dịp tụ họp bên người thân đông đủ, mong sắp xếp sao cho thật chu đáo, đón một năm mới mạnh khỏe, an lành.

TSL

Sợ gì tết - 1