“Sao không ở nhà với con?”

“Đừng đi làm trước khi trẻ được hai tuổi, nếu bạn muốn con mình là một đứa trẻ thông minh, hạnh phúc...” - Một bài báo trên mạng viết như vậy. Khi đọc được nó, Vân Anh đã cảm thấy vô cùng bứt rứt.

 
“Sao không ở nhà với con?”  - 1


Thực ra, trước khi sinh con Vân Anh làm nghề tự do. Vì vậy cô ở nhà với con đến tận tháng thứ chín. Thu nhập của một mình chồng cô tương đối khá nhưng chỉ đủ cho chi phí khá thoải mái trong nhà, không thể nói đến dành dụm. Và nhận dự án về làm như trước đây, thì Vân Anh không thể tập trung được vì cứ phải để mắt đến con luôn, mặc dù đã có người phụ chăm bé. Vì vậy khi tìm được một công việc ổn định, thu nhập cao, cô quyết định đi làm. Cùng với niềm vui trở lại với “xã hội văn minh” như cô vẫn thường nói đùa với bạn bè là nỗi day dứt khi xa con.

 

Nhưng đó không phải là điều tệ nhất. Điều tệ nhất là có quá nhiều người khuyên can cô đừng đi làm cho đến khi con được 3 tuổi và đi nhà trẻ.

 

Chị hàng xóm của Vân Anh luôn tự nhận mình là một người may mắn, vì có chồng lo toan kinh tế và có thể ở nhà nuôi đến đứa con thứ ba cùng với hai người phụ việc nhà. Trong mọi cuộc trò chuyện, chị luôn nhấn mạnh: “Tui thà bỏ công việc chứ không bao giờ chấp nhận để cho một người lạ chăm sóc con mình!”.

 

Những người trong gia đình thậm chí còn có cái nhìn khe khắt hơn: “Có thiếu thốn gì đâu mà phải bỏ con đi làm, tội nghiệp thằng nhỏ”, “Đôi khi phải hy sinh cho con một chút, chứ cứ nghĩ cho bản thân mình thì...”, “Đi làm thì sướng hơn ở nhà chăm con, bởi vậy, dễ gì...”. Gần như có đủ mũi tên từ mọi hướng nhắm đến người mẹ trẻ. Bà nội, bà ngoại, chị dâu, cô dì chú bác... Nhất là chồng. Anh cho rằng mình có thể lo được cho gia đình và muốn vợ ở nhà chăm con thêm vài năm nữa cho cứng cáp.

 

Vân Anh tâm sự một cách chán nản: “Mình phải đi làm bởi vì mình thực sự cần có thêm thu nhập để lo cho con, và mình muốn dành dụm cho con sau này. Hơn nữa, mình tin rằng mình có năng lực và mình không muốn bỏ phí nó. Nhưng thực sự việc bỏ con cho người giúp việc... phải nói là lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Không ai động viên mình hết”.

 

Không ít các bà mẹ ngày nay trải qua cảm giác đó, khi phải trở lại làm việc sau bốn tháng nghỉ sinh. Minh Thuỳ, 29 tuổi, một bà mẹ trẻ khác nói: “Với mình đi làm không phải là một lựa chọn. Nó là bắt buộc. Lương của ông xã chỉ đủ cho anh ấy cà phê thuốc lá và đóng tiền điện nước. Mình phải cáng đáng mọi thứ còn lại. Mình phải gửi con cho một gia đình trông trẻ trong xóm. Đã đi trẻ gần một năm rồi mà sáng nào nó cũng gào khóc: “Mẹ đừng bỏ con”. Chỗ đó cũng không tốt lắm, có khi nguyên ngày họ không thèm thay tã cho con nhỏ. Nhưng ít ra là gần nhà. Bác nó ở cùng xóm có thể thỉnh thoảng qua ngó chừng được. Nhiều bữa con hơi bệnh, bị sốt, ói, nhưng mẹ đang kẹt việc quá vẫn phải đi làm, mình vừa gõ hợp đồng vừa khóc. Nghĩ bụng, trời ơi chắc chưa có ai làm mẹ mà tệ như mình”.

 

Chắc chắn, Minh Thuỳ không phải là người mẹ duy nhất trên thế gian muốn trở thành một người mẹ tốt hơn hiện tại. Bất kể bạn yêu thích công việc của mình, hay là căm ghét nó thì cảm giác có lỗi cũng lan truyền nơi những người mẹ phải gửi con để đi làm giống như một căn bệnh truyền nhiễm vậy. 

 

Những người mẹ đi làm phải cố gắng từng phút một để giữ gìn một sự cân bằng giữa gia đình và công việc. Không thể chứng kiến từng giây phút lớn lên của con, nhưng bù lại, họ cố gắng bảo toàn một tương lai tốt đẹp cho con mình. Cố gắng chăm sóc cho những nhu cầu của bản thân, họ làm cho chính họ hạnh phúc, và bằng cách đó, mới có thể mang lại hạnh phúc cho gia đình mình. Chính vì vậy, họ thực sự cần được cảm thông, động viên và hỗ trợ, thay vì phê phán và chỉ trích.

 

Có rất nhiều nguyên nhân để một người mẹ đi làm khi con còn nhỏ. Họ yêu công việc của mình. Họ cần tiền và muốn độc lập về tài chính. Họ nhận ra rằng mình không muốn trở thành một bà mẹ trầm cảm khi phải quanh quẩn ở nhà và điều đó chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho con. Họ có tài năng và không muốn nó bị mai một đi ngay trong những năm tháng sung mãn nhất của cuộc đời...

 

Cho dù vì lý do nào, những người mẹ khi quyết định đi làm, hay bị bắt buộc phải đi làm, hơn ai hết, hiểu rõ những mất mát và những áp lực mà họ phải gánh chịu.

 

Theo Phạm Hiên Mai

SGTT