Rũ bỏ

(Dân trí) - Tôi gặp em trong một chiều tháng tư đầy nắng. Gió nghịch ngợm đùa trên vạt áo em, một vạt áo màu lam.

Rũ bỏ



Em đang ở cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, gương mặt tròn vành vạnh, đôi mắt tinh anh, sáng trong như tâm em lúc này. Em bảo, đừng hỏi vì sao em chọn lối đi như bây giờ, con người ta sinh ra vốn có đã một cơ duyên, hoặc giả dụ như không có thì rồi cũng sẽ chạm tới bởi một nguyên do nào đó. Với em, em đi bởi bao đổ vỡ quanh mình.

Bốn tuổi, em nhớ hình ảnh ba đánh mẹ, lúc ấy chẳng biết vì lý do gì, ba cứ đánh tới tấp, vừa đánh vừa hét lên, tiếng hét làm trái tim đứa trẻ nít của em tan ra và vỡ vụn.

Bảy tuổi, em biết rằng, vì mẹ cười lả lơi với một người khách nào đó nên ba lại đánh cho “chừa thói lẳng lơ”. Mẹ gào khóc với ba, xin ba tha cho mẹ, đừng đánh nữa, mẹ đau lắm. Em ôm đứa em trai đang sợ sệt vào lòng, thì thầm với nó, “ba không đánh mình đâu”.

Chín tuổi, em nhớ mãi cái cảnh ba dùng sợi dây xích bằng thép to đùng, trói mẹ vào góc nhà và đưa chìa khóa cho em. Ba đi ra ngoài và nhốt cả mấy mẹ con trong nhà. Em cũng nhớ, mẹ đã bảo em đưa chìa khóa cho mẹ, mẹ đi mua bánh cho hai chị em. Và rồi, em thấy mẹ trèo lên mái nhà để chui ra bằng khuôn mặt lấm lét, mẹ gào khóc với hàng xóm ở bên ngoài “không đi thì nó đánh chết”. Từ dạo đó, người ta bắt đầu xì xầm rằng mẹ em đã bỏ nhà theo trai.

Ba bố con sống lầm lũi qua ngày. Em biết dọn dẹp nhà cửa, biết nấu ăn, biết lo cho cả đứa em trai lầm lì, ít nói, biết chăm sóc cho người cha hay say xỉn. Ba suốt ngày uống rượu, cái câu ba hay nói với em nhất đó là “sau này đừng giống mẹ mày.” Khi tỉnh rượu, ba lại ôm hai chị em vào lòng, khóc tu tu như một đứa trẻ.

Đôi ba lần, mẹ có lén tới trường thăm em, cho em hộp bánh rồi hỏi ở nhà ba thế nào, có đánh hai đứa không. Mẹ ăn mặc đẹp, cơ thể sực nức mùi nước hoa, mẹ xa lạ cứ như là mẹ của ai khác chứ chẳng phải của em. Em lạnh tanh, bảo mẹ hãy về nhà đi. Mẹ chỉ ôm em một cái thật chặt rồi đi ra phía xa, có một người đàn ông đang đứng chờ mẹ ở đó.

Em về ở với bà nội khi ba đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ba đã hỏi ý kiến em, một con bé mười một tuổi, biết bình tĩnh trả lời, “Như thế tốt cho ba hơn. Ba cứ đi, con sẽ lo cho em”.

Em vẫn nghe người ta bàn tán về mẹ, mẹ đi theo người đàn ông đó, có cả em bé nữa. Em mường tượng ra khuôn mặt của em bé, nó sẽ giống mẹ, đẹp như một thiên thần hay giống cái người đàn ông bụng phệ kia. Liệu gặp nó, em có đủ dịu dàng để chìa tay bế như một người chị.

Mười tám tuổi, em đã biết yêu là thế nào khi được một cậu bạn quan tâm quá mức. Cậu ấy dành cho em tất thảy những lời lẽ ngọt ngào nhất từ cuốn tiểu thuyết hay bộ phim Hàn nào đó. Khi cậu bạn cầm tay hứa hẹn, những hứa hẹn vụng về chưa tròn ở cái tuổi mười tám gợi đã cho em niềm tin về một hạnh phúc mơ hồ ở xa kia.

Thế rồi, một ngày em phát hiện ra cậu bạn ấy cũng đi nói những lời tương tự với một cô bạn khác. Em chẳng sụp đổ, chẳng khóc hay kêu gào. Cái ly trên tay ngày trước hai đứa đi mua cùng nhau rơi xuống vỡ toang.

Cái ly vỡ nát, em ngồi cắm cúi dán, mua đủ thứ keo rồi ngồi dán hì hụi như một con ngốc. Em đập nát thêm một vài thứ, cái lọ hoa của bà, hộp bút của đứa em, chiếc cốc của dì. Đập vỡ xong lại dán. Rồi hay, những đổ vỡ kia, có dán, nếu dùng được thì vẫn có thể dùng, có điều nó sẽ vỡ ra lúc nào không ai hay và trên thân thể ấy luôn chẳng chịt vết sẹo của sự vỡ. Lần đầu tiên em khóc vì đau đớn cho những vỡ vụn cứa lên tim mình.

Em lên chùa với bà nhiều hơn, bà nói em nghe những lời Phật dạy, sống phải biết thứ tha cho tất cả bởi mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành. Ngày em cắt tóc quy y, bà khóc, em cười nhưng hình như cả hai đều thấy lòng nhẹ nhàng lắm lắm.

Em vẫn tin rằng, nếu người ta cẩn thận và cố níu giữ thì chẳng có gì phải đổ vỡ. Bao thứ vẹn nguyên còn sót lạ trên đời không chỉ là những đặc ân dịu dàng của tạo hóa mà đằng sau đó là sự cố gắng không ngừng. Và nếu ở đâu đó trên đời, gặp một vài thứ đổ vỡ xung quanh, thay vì nhặt nhạnh chúng để hàn gắn, đôi khi ta nên biết vứt bỏ để không bị tổn thương lâu dài.

Diệu Ái