Quá lứa lỡ thì

(Dân trí) - Cao 1.65m, thân hình săn chắc, nước da nâu khỏe mạnh, sáng sáng cứ ai nhìn thấy V. từ đằng sau lúc cô đang chạy thể dục quanh hồ đều thấy bị thu hút. Vượt lên trước coi mặt, ối chú muốn lảng, còn bắt chuyện rồi thì chỉ còn nước chạy cho xa. Gần tuổi 40, cô vẫn là gái chưa chồng.

Vì… vô duyên

 

Gái phố cổ hẳn hoi nhưng con nhà lao động, cô V. qua hết lớp một rồi học nghề đóng khung. Thời ấy chỉ biết ăn cho chắc, mặc cho bền nên hình như chẳng mấy ai coi trọng cái sự học. Hai cụ thân sinh ra cô cũng chỉ nghĩ cho nó cái nghề, nó khắc sống, cũng chẳng uốn nắn nề nếp, gia giáo gì.

 

Rồi hai cụ mất, anh em có phận, cô cứ thế lớn lên vô tư như cỏ dại, học vấn thấp, văn hóa quá làng nhàng, lại cái máu làm mộc ngấm vào người nên lúc nào cũng thô kệch như đàn ông.

 

Cái duyên phụ nữ ở cô có không? Xin thưa rằng có. Hồi trẻ cũng đôi khi người ta thấy cô ăn mặc chải chuốt xách xe đi, thuở thiếu nữ cô cũng có người để ý, cũng đây đó ánh nhìn tình tứ gửi trao, nhưng rồi chẳng đâu vào đâu cả, vì cô “vô duyên”.

 

Cái duyên thì lẩn vào trong còn cái vô duyên, nó lộ hết cả ra ngoài. Các cụ trong xóm nhìn cô ngán ngẩm: “Đàn bà con gái gì nói chuyện oang oang…”, mấy bà chị đã có chồng vừa trò chuyện với cô xong quay vào nhà nói đổng “chó nó rước!”.

 

Quả nghe cô bàn tán chuyện giống người ta cãi nhau thật, mấy bà hàng tôm hàng cá có khi còn rát mặt. Vấn đề gì cô cũng thích nói thật xôm. Cô “ưa” buôn chuyện lắm, mà phải thêm mắm thêm muối cho gay cấn. Có khi hôm nay con bé nhà này đau bụng đến tháng nhăn nhó xanh xao đi ra đi vào, hôm sau trong xóm đã có tiếng đồn ầm rằng nó chửa hoang vừa phải đi nạo hút! Bà này bán nhà bán đất được bao nhiêu, ông kia vợ con rồi còn bồ bịch thế nào, cô biết và kể tuốt.

 

Bảo người ta sợ thói ăn to nói lớn, đưa chuyện trong nhà ngoài ngõ của cô cũng phải, mà nói người ta hãi cái hớ hênh của cô cũng không sai.

 

Hồi ngoài “băm” cô vẫn diện soóc ngắn, áo thun ba lỗ cổ khoét sâu đi đánh cầu lông với mấy anh già, rồi lại trang phục như thế dạo chơi khắp các nhà hàng xóm, ra đường, ra chợ.

 

Cái vẻ ngoài ấy, đàn ông nom cũng thích mắt, nhưng chẳng ai dám lao vào, sợ tiếng là đi với… ca ve. Dũng cảm ghê gớm thì có mấy anh già đã vợ con cháu chắt đề huề, thi thoảng đánh cầu lông với cô ra chiều đong đưa trêu ghẹo, cũng định “làm tí” để “cải thiện”, nhưng chỉ đến thế mà thôi, chưa thấy ai đến với cô hòng tính chuyện lâu dài.

 

Giờ kề cận 40 rồi cô vẫn thui thủi một mình, người xót xa thương cảm, người tặc lưỡi lạnh lùng: “Do ở nó cả thôi”.   

 

Vì kén

 

Rất xinh đẹp, duyên dáng, lại là người có năng lực, P. làm trợ lý CEO tại một công ty truyền thông đa quốc gia. Nhìn vẻ ngoài thanh thoát, cuốn hút ấy, không ai nghĩ cô trợ lý xinh đẹp 28 tuổi kia vẫn ngày ngày lẻ bóng đi về.

 

Đàn ông rạp mình xin chết dưới chân P. không thiếu, nhưng so đi tính lại, P. chưa ưng ý một ai. Mối tình đầu của P. là khi cô vừa bước chân vào ĐH, anh chàng cùng lớp hồi ấy rất cao ráo, đẹp trai. Hai người yêu nhau như bao cặp đôi khác còn trên ghế giảng đường, nhưng tới lúc sắp ra trường, mọi việc dường thay đổi.

 

Người ta nói con gái trưởng thành hơn con trai trong suy nghĩ, có lẽ bởi thế P. sớm lo tính chuyện mai sau. Cậu bạn cùng lớp hiền lành, gia cảnh bậc trung chắc chắn không thể mang lại cho cô cuộc sống sung sướng với tiền bạc và địa vị. P. chủ động nói lời chia tay ngay ngày lễ tốt nghiệp, cũng từ đó không gặp lại cậu ấy bao giờ.

 

Rút kinh nghiệm tình đầu, tình sau P. không “chơi” với người non nớt về sự nghiệp. Người yêu thứ hai của P. là doanh nhân thành đạt, hơn cô kha khá tuổi, cũng chính là người giới thiệu cho P. vị trí công tác “ngon” như bây giờ.

 

Về phong thái, tiền bạc, địa vị, gia cảnh, mức độ ga - lăng, P. không có gì để chê trách chàng cả. P. thậm chí nghĩ mình đã tìm được đúng người và thời gian đầu cô lâng lâng trong hạnh phúc.

 

Khốn khổ thay, sau chuyến đi nghỉ vài ngày với người yêu, P. ngầm nhận ra, so với mình, chàng rất “yếu” về khoản ấy. Công việc nhiều lo nghĩ, lại thêm khoản bia rượu chiêu đãi tiệc tùng liên miên đã làm giảm sút “chất đàn ông” của chàng.

 

Bồi bổ các kiểu, áp dụng cả biện pháp tâm lý mà không được, P. đành bó tay. Quyết định dứt tình ra đi với P. lần này không dễ, nhưng cô lờ mờ nhận ra rằng, với một người phụ nữ như cô, hòa hợp tình dục khó lòng xếp sau địa vị và tiền bạc.

 

Cứ thế P. rong ruổi kiếm tìm trên đường tình. Những ứng viên cô cho rằng có thể cùng mình sánh đôi, rốt cuộc, cách nào đó, vẫn bị bới ra khiếm này khuyết nọ. Có lúc tưởng như tìm trúng người rồi thì anh ta lại đã có vợ. Giờ P. vẫn là cô gái xinh đẹp đi tìm hạnh phúc, nhưng thứ hạnh phúc theo “chuẩn” của cô liệu có tồn tại? Nhất là khi mỗi ngày, cái tuổi nó đuổi cái xuân đi.

 

Không có người phụ nữ xấu

 

… chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp, và M. tiếc thay lại nằm trong số những cô gái không - biết - làm - đẹp ấy.

 

Chiều cao khiêm tốn, nước da ngăm đen, ngay từ những ngày học phổ thông M. đã ý thức được rằng mình không xinh vì chẳng được bạn trai nào trong trường để mắt tới.

 

Có lẽ vì thế M. càng thầm lặng hơn, như một cái bóng. M. cố tình làm mình thiếu nổi bật với mái tóc chấm vai không hề kiểu cách, đôi kính cận đồi mồi to choán hết cả ánh mắt lẽ ra cũng biết nói. Quần sẫm màu, áo trắng, M. lẫn vào những học sinh vô cùng bình thường khác trong trường.

 

Vào đến ĐH, rồi ra trường đi làm, M. vẫn khoác cho mình cái vẻ ngoài thiếu sức sống như thế. Đám bạn thân phát cáu khi động viên cô đi tỉa đôi lông mày lởm chởm không được, nói cô đi ép tóc làm điệu cũng không xong. Có mua tặng áo cho M. cô cũng chỉ để ngắm, vì “có làm gì đâu, tớ xấu đã xấu rồi”.

 

Mãi sau này khi gặp lại một cậu bạn cũ, M. mới ngỡ ngàng nghe cậu ấy nhận xét: “Hồi đó thấy M. lầm lũi quá. Không có cặp kính ấy có lẽ trông bạn sẽ xinh hơn”. Đến giờ M. đã 25, chưa một mảnh tình vắt vai, nhưng thay đổi chắc chưa là quá muộn.

 

Còn vô số lý do để đây đó người ta vẫn thấy những người phụ nữ bị liệt vào dạng “hàng tồn”. Trong số những đóa hoa đã qua thời xuân sắc mà chưa tìm được chủ ấy, có những người vì bất khả kháng, nhưng đa số họ mắc sai lầm từ chính bản thân. Có bao giờ bạn tự nhìn lại hỏi, phải chăng do ở cái thân mình mà hạnh phúc không tìm ra bến đậu?

 

T.H