Phiên tòa “thù hận”

Do nghề nghiệp, tôi dự nhiều phiên tòa xử các vụ ly hôn. Có vụ tòa quyết định nhẹ nhàng, vì không thể nào xử khác. Có vụ làm các vị chánh án, thẩm phán lắc đầu ngán ngẩm vì sự thiếu văn hóa đến rã rời, sự tàn khốc của lương tâm người trong cuộc.

Chửi nhau như hàng tôm, hàng cá

 

Tôi đã dự một phiên tòa xử ly hôn “thù hận” và như thế thì làm gì còn tình người, tình yêu, tình thân bằng quyến thuộc, khi mà cả bị đơn lẫn nguyên đơn chửi nhau như hàng tôm, hàng cá giữa phiên tòa, mặc cho chánh án nhiều lần can ngăn, dùng quyền cầm cán cân công lý giữa tòa buộc các bên không được chì chiết nhau thiếu văn hóa.

 

Thậm chí họ chửi nhau làm tòa không thể làm việc được, phải đình chỉ phiên tòa mấy lần. Mỗi lần đình chỉ để tòa tìm cách giải quyết sự cố, những người tham dự của cả bên chồng lẫn vợ lại nhảy xổ vào nhau chửi bới, lăng nhục. Những từ ngữ không thể viết ra đây làm cho tôi choáng. Nhưng tôi nhớ nhất câu nói cuối cùng của bên nguyên đơn - người vợ, nói với chồng: “Mày là một thằng khốn nạn...”.

 

Tìm hiểu, tôi mới biết cả vợ và chồng ấy đều là trí thức. Chồng là MBA đang làm cho một công ty nước ngoài. Vợ là một cử nhân Anh văn, đang làm cho một văn phòng đại diện cũng của công ty nước ngoài. Họ yêu nhau, một tình yêu thơ mộng từ trong trường đại học. Biết bao nhiêu cặp yêu nhau dưới giảng đường đều tan vỡ khi ra trường, nhưng họ vẫn thành vợ thành chồng với một đứa con kháu khỉnh. Đời sống kinh tế cũng rất khá.

 

Họ dắt nhau ra tòa đơn giản vì anh không còn tin chị nữa, nghi chị có bồ do thường đi sớm về khuya. Chỉ có vậy. Chuyện hoàn toàn có thể hòa giải được. Vậy mà chị cương quyết đâm đơn ra tòa ly hôn. Trả lời câu hỏi vì sao chị cương quyết ly hôn của vị thẩm phán tại tòa, chị khẳng định: “Vì tôi không còn tình yêu với anh ấy nữa”. Câu trả lời ấy cũng được chị nhắc đi nhắc lại trong mấy lần hòa giải bất thành, buộc tòa phải giải quyết ly hôn.

 

Phiên tòa kết thúc, tôi thấy anh chồng còn chỉ vào mặt chị: “Mày là con đĩ, con đĩ... hiểu chưa, con đĩ!”. Chưa hết, một chị lớn tuổi thuộc phe bên chồng còn gí nắm đấm vào mặt chị: “Con đĩ kia, mày đừng hòng được nuôi con nhé! Mày nuôi nó để lớn lên nó làm đĩ như mày à?”.

 

Kinh khủng, tôi không thể tin được dù chứng kiến từ đầu đến cuối phiên tòa.

 

Khi không còn tình yêu

 

Đó là lý do thường được các cặp vợ chồng nói trước tòa. Nhưng vì sao họ không còn yêu nhau? Trả lời câu hỏi này quá phức tạp, vì họ có hàng ngàn lý do biện minh để đạt mục đích ly hôn. Nhưng điều tệ hại nhất là giai đoạn tiền ly hôn. Biết bao nhiêu cảnh dở khóc dở cười diễn ra trong thời gian ấy, thậm chí những cuộc bạo hành nguy hiểm hoàn toàn có thể xảy ra. Những nhà tâm lý khuyên ta điều gì nếu ở vào tình trạng “cửa sổ” ly hôn như vậy?

 

Tốt nhất là phải chấp nhận nó như một định mệnh, coi như “cái duyên” đã không còn. Điều đó tưởng như là buông xuôi, nhưng thực ra không còn giải pháp nào khác. Chấp nhận để đối xử với nhau như bạn bè, vì dù sao cũng là vợ chồng của nhau trong nhiều năm, còn phải có trách nhiệm với con cái sau này... Chuyện chồng-vợ nói xấu nhau đều bất cập và không nên. Làm như vậy chỉ càng xúc phạm nhau, là nói xấu chính mình chứ chẳng ai khác, làm cho các con thêm sốc, làm cho hình ảnh của nhau càng tệ hại.

 

Tôi biết có một cặp vợ chồng nọ cũng ở trong thời kỳ “cửa sổ” tiền ly hôn, khi cãi nhau, gọi nhau bằng “mày, tao”! Kỵ nhau như chó mèo, thậm chí không nhìn mặt nhau, thành ra tất cả đều thiếu văn hóa như nhau! Dân gian nói: “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”, làm sao để đừng “cắn nhau” trong trường hợp phải ly hôn là điều cần giữ gìn.

 

Giữ lửa tình yêu

 

Đó là điều khó, nhưng không thể không làm được. Có rất nhiều con đường dẫn đến tòa án ly hôn, nhưng tựu trung đều có nguyên nhân do mỗi bên không biết giữ lửa tình yêu. Nói thì dễ nhưng làm mới khó. Vấn đề là cả hai phải biết tôn trọng nhau, sống có trách nhiệm, chia sẻ và vị tha. Trong cuộc đời không có ai vẹn toàn, không có một con người lý tưởng, cũng không có một tình yêu lý tưởng. Tất cả chỉ là cái đích để chúng ta phấn đấu được làm một con người tốt.

 

Khi bạn để ngọn lửa tình yêu mất đi, không sớm thì muộn nó sẽ dẫn bạn đến tòa án. Khi đó đã quá muộn, vì không thể nhen lại ngọn lửa tình yêu khi nó đã lụi tàn. Và khi đã tàn ngọn lửa tình yêu, hãy đối xử với nhau như bạn bè hoặc như con người với con người.

 

Tất cả mọi hận thù trong tình yêu đều vô nghĩa và phi lý, nó chỉ làm cho bạn tổn thương thêm mà thôi, bởi cuộc đời này còn biết bao nhiêu việc phải làm. Ly hôn không phải là chấm hết, có thể đó là một cuộc khởi đầu?

 

Văn hóa chia tay

 

Theo bà Hồ Thị Tuyết Mai, chuyên viên tâm lý Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình (Hội Liên hiệp Thanh niên VN), việc phải dắt nhau ra tòa là điều bất đắc dĩ, không ai muốn khi bước vào đời sống hôn nhân. Phải thực hiện việc này là điều khó khăn, mất mát và tổn thương của mỗi người. Thông thường khi mục đích của hôn nhân không đạt, tình yêu không còn, người trong cuộc thường có suy nghĩ tiêu cực về đối phương. Chính suy nghĩ ấy đã làm mờ lý trí khiến họ không làm chủ hành vi, cách ứng xử.

 

Mối quan hệ hôn nhân có thể kết thúc nhưng những ràng buộc liên quan vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Vì vậy chia tay càng nhẹ nhàng, có văn hóa thì càng đỡ làm tổn thương lẫn nhau. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó cần có cái nhìn độ lượng, cảm thông, hạn chế cái tôi và cả hai nên nghĩ đến con cái-đối tượng thiệt thòi nhất khi gia đình tan vỡ.

 

Theo Nguyên Hà

Người lao động